Chẳng vướng đời ai - Truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ

23/07/2017 06:22 GMT+7

Tuần sau An đi. Lần đầu, An về lại Mỹ với quá nhiều đồ đạc. Ai gửi, An cũng vui vẻ nhận chuyển giúp mà không tỏ thái độ bực bội, không một lời ca cẩm, như đã từng.

Tôi mượn cái cân và hai đứa lúi húi đóng gói mất cả buổi. An tần ngần săm soi, lọc lựa và liên tục chép miệng, tiếc rẻ: “Giá như đừng bị ràng buộc vào số ký quy định”. Chị Ba của An không thôi nghiêng ngó, thắc mắc. Và không đừng được, buột miệng: “Mày là con làm biếng đùm túm xách na mà sao giờ chịu khiêng cả đống vầy? Hay mày đang bị thất nghiệp nên phải đi mua bánh trái, cà phê, trà lá… qua Mỹ mở hàng chạp phô”. An cười khanh khách:
- Em mở ở nhà mình nè.
- Mày nói gì? Mở tiệm ở đây?
- Dạ! Mình gần chợ nhiều người qua lại. Bỏ uổng…
- Chứ mà mày bán hay tao?
- Em chứ! Còn khi không có em thì chị…
- Bộ mày tính về ở luôn?
- Dạ!
Nghe đến đó, chị của An mở to mắt, nhìn lũ tôi trừng trừng rồi giơ tay quá đầu, ra ý không hiểu, xong đi thẳng một hơi lên lầu. An nhìn theo nháy mắt với tôi rồi ngồi xệp xuống đống đồ, lúi húi đóng gói tiếp. Sau đó, hai đứa đi taxi ra một cái quán sát cầu, ăn cơm với mắm cua, rau lang luộc, cá lúi đồng kho nghệ tươi, cá nục biển nấu lá giang… An mê lá giang lạ lùng. Cái gì nấu với lá giang, nó cũng thích. Cá đồng, cá biển, thịt bò, thịt gà... Bữa cơm nhà phải có thứ này đã đành mà ở quán xá, nhà hàng vẫn không thể thiếu. Cứ lá giang cho nó tới tới là ưa. Không vậy mà An nhờ chị Ba mua gom và phơi khô giùm, càng nhiều càng tốt để đem đi. Cũng may, lá giang rẻ tiền và dễ kiếm, lại trúng đang mùa nắng nên rất ngon. Lá mơn mởn xanh nhẹ, có vị chua ngon ngọt rất dịu. Không như lá giang mùa mưa cằn chát. Cũng nhờ thời tiết thuận lợi, chị Ba làm cho nó cả bao lá giang to, khiến tôi phải giật mình, mở to mắt hỏi sẵng: “Chứ chẳng lẽ ở bên đó không có gì khác để ăn?”. An nói cũng may là lốp xốp vậy chứ mà nhẹ ký. Và thấy nhiều vậy chứ qua bển cũng phải cho người này người kia. Cho nhiều nhất là Tâm.
Tôi nghĩ hai đứa nó thích thứ này chỉ vì chạnh nhớ đến ngày xưa thôi mà. Hồi tụi tôi còn là công nhân của nông trường thuốc lá, bữa ăn nào Tâm, An cũng xì xụp chan húp canh lá giang. Ai lại không biết lá giang mọc đầy gò, ven sông, triền núi và rất dễ chế biến. Chỉ cần chút mắm ruốc hòa trong nước sôi với nắm lá giang bóp vụn là có tô canh giải nhiệt tức thì. Nhưng ngoài thứ này ra trên đó cũng ê hề các loại rau trái khác, đã vậy, cá tôm cũng đâu thiếu vì có con sông sát cận. Bọn tôi rất siêng nên có thể to giọng, lớn tiếng là dân nông trường ở đâu không biết chứ, tụi này chỉ cực cái chuyện ở, còn ăn, chưa hề nghen. Đi làm về quơ đại quanh nhà đã có cả rổ rau tập tàng và bí bầu mướp, khổ qua giàn nào giàn nấy trĩu nặng. Rồi rau muống rau cải luống nào luống nấy xanh um. Ba đứa ăn chung nhưng tôi không thể ăn nổi lá giang hằng ngày như Tâm, An mà có ăn cũng chua vừa phải chứ chua cỡ đó, răng mỏ nào chịu nổi, loét bao tử như không. Như tô canh của trưa này.
Bữa mới về, cũng tại đây An đã nói về tình trạng bệnh tật của mình. Thì ra suốt mấy năm qua, nó đã trải qua hằng bao lần hóa xạ trị ở bên đó, để kéo dài sự sống. Để có thêm một chặng ngắn trong quãng đời mình lo cho trọn vẹn một số việc của gia đình, bè bạn... Ngoài thời gian sống cùng ở nông trường, An còn học chung với tôi và trong đám bạn từ thuở cấp hai cho đến giờ, An vẫn là thân với tôi nhất. Tôi gọi nó là Bụi và bắt đầu xưng hô như thế vào năm thứ nhất ở Văn khoa. Hồi đó mái tóc Bụi cắt ngắn, lại đeo cặp kính cận tròn xoe giống John Lennon chi lạ.
Bụi thơ mộng ngút trời. Bụi dễ yêu và yêu ngắn ngủn mà xa lẹ làng, làm cả bầy con gái chưa đủ tuổi đôi mươi, hồi ấy, thán phục. Và không ít lần trầm trồ ngợi khen: “Sao An nó giỏi”, “Sao An nó tài”. Tụi bạn ngưỡng mộ một An dày dạn tình trường với những cú nhập xuất tài tình, còn tôi cằn nhằn thì An cười ngất: “Tao là Bụi và tao cho mình cái quyền bay vào mắt người này làm xốn, va vào trái tim người kia để cứa chơi...”. Tưởng mắt người ấy bị cộm, đau. Tưởng tim người ấy bị thắt, đau. Ai ngờ Bụi nó đau. Cả một cuộc tình Bụi đau lên đau xuống. Bụi tan nát Bụi tả tơi trong nhập nhòa và mênh mông là Bụi. Ấy, bụi tình trường bụi trần ai… Rồi Bụi lăn ào vô cuộc đời của một người đàn ông đã có gia đình. Cả cơn lốc Bụi, cả hằng hà sa số Bụi phủ lấp người tình. Bụi khiến cho ông ấy quỵ gục, ngã chúi trong giăng giăng mờ mịt. Họ lấy nhau có đám cưới hẳn hoi, ăn ở với nhau rất mực tử tế được đúng ba năm mười một tháng hai ngày.
Ngày đầu của hôn nhân tồi tệ, Bụi nói với tôi: “Coi như duyên tụi tao tới đây là cạn. Cũng may còn được một chút này...”, nói và vỗ nhẹ vô bụng mình như một sự khoe khoang, đầy ẩn ý. Cũng lạ cho cái sự có con của An. Bụi sống bất cần nên yêu đương đâu có chịu phòng ngừa gì. Luôn chặc lưỡi: “Thì nuôi. Biết đâu có em bé tao sẽ ghiền con và đỡ mê trai”. Vậy mà không bầu bì nổi. Rồi trong lần kết hôn đầu tiên này, An cũng thèm khát một đứa con. Hằng mấy năm trông ngóng bắt mỏi mòn mới có được đó chứ. Kha, chồng Bụi báo tin với giọng ngậm ngùi: “Tôi có với bà đầu ba đứa. Nếp tẻ đầy đủ nên đâu có ao ước gì chuyện con cái. Nhưng An, phải để cho cô ấy được hưởng hạnh phúc làm mẹ chứ!”. Họ xa nhau khá nhẹ nhàng nhưng tôi biết nào phải vậy. Bụi đớn đau quắt quay, nhất là khi không giữ được con và cũng qua lần đó mới hay mình không thể có thêm một cơ may nào nữa. Nó cười méo xệch cặp môi đẹp: “Cạn duyên với cha, không ngờ mất phước cả với con”. Chị của An vội an ủi: “Không phước thì không nợ thôi mà em”. Bụi ừ ừ với đôi mắt ướt. Tôi biết suốt những tháng ngày đó, Bụi khóc nhiều. Thật ra An vốn mỏng manh yếu đuối nhưng nó luôn tỏ ra cứng cỏi khô khan. Như chuyện chia tay chồng, như chuyện mất con. Ai hỏi Bụi trả lời tỉnh queo: “Không ở được thì dứt. Không giữ được thì thôi đành. Chứ sao”.
***
An qua Mỹ theo diện đoàn tụ. Ông anh đầu bảo lãnh cho hết các em và đám cháu, ngoại trừ chị Ba. Chị đã quyết định chuyện ở lại từ hồi mới làm hồ sơ kìa. Nói anh hai gạch tên em ra. Em lớn tuổi rồi qua đó chi! Ở đây không sướng hơn sao? Cảnh một mình không chồng không con, sống tại quê dẫu sao cũng còn bạn bè họ tộc chòm xóm. Chứ tha phương xứ người, cô đơn không cũng đủ chết ngắc. Trong nhà, An thương chị Ba nhất. Nói: Cũng do gánh nặng gia đình khi phải lo cho mẹ cha em út mà chị không dám có chồng. Đành phải ở vậy. Bụi nói chừng về hưu tao về đây sống với chị Ba cho vui. Thì cũng cảnh độc thân nhưng có hai vẫn đỡ côi cút hơn một người. Tôi cà khịa:
- Chứ còn chồng thật chồng hờ rồi mấy thằng bồ mày...
- Bỏ hết rồi.
- Là mày bỏ?
- Có người tao bỏ có người bỏ tao. Nên rốt lại vẫn sạch trơn chuyện tình ái. Vẫn trắng tay. Mà tình mà tiền, đầy ứ đó rồi cạn kiệt đó mấy hồi...
An vẫn không thôi thói cà tửng bông phèng như thuở nào. Chỉ có điều càng lúc tôi càng nhận ra nhiều nỗi buồn đau được vụng về giấu giếm trong những bỡn cợt, trững giỡn của Bụi. Chị Ba nói mày không lớn nổi chút nào há em, khi thấy An về nhà hồi nào là tếu táo trêu chòng mình hồi đó. Chọc ghẹo đã chừng đi, mắt đỏ hoe nói không gọn nổi một câu tạm biệt. Bụi nói chị Ba mà biết nó bệnh chị ngã ngửa ra chết luôn. Đồng ý cả đống anh em cháu chắt bên đó nhưng ai cũng lơi bơi, chểnh mảng lo toan cho chị Ba. Và Bụi nhận hết về phần mình không một chút so bì. Mà nào chỉ mỗi mình chị. Còn bà con phía nội, phía ngoại. Biết bao công chuyện liên quan tới dòng tộc như xây cất lại nhà từ đường, chạp mả, cúng giỗ và hằng bao ân nghĩa ràng buộc. An ôm đồm hết không một lời trách than. Năm ngoái, Bụi về cả nửa năm để lo mua nhà mới rồi xây sửa lại cho chị Ba. Cái nhà cũ trong hẻm của cha mẹ để lại, An cho một người bà con ở nhờ vì muốn giữ lại làm kỷ niệm. Nó nói chị Ba ở trong đó, lỡ đau ốm sao taxi vô tận nơi chở đi bệnh viện. Cũng do chị Ba, cứ lấn bấn không chịu thay đổi nhưng An đâu còn nhiều thời gian nữa. Bụi vẫn chưa nguôi ý định lùng kiếm cho chị Ba một người sống cùng và khao khát được thấy chuyện này trước khi là quá muộn.
Thật ra, An cũng có thêm một lần kết hôn nữa ở Mỹ. An lấy người này giữa khi ông ta sắp chìm nghỉm xuống tận đáy vực. Bụi không thể không dang tay ra đỡ lấy và Bụi không thể không làm cái phao cho Thế bám vào. Để Thế không bị trả về nước hoặc sống bất hợp pháp với cảnh chui nhủi lẩn trốn cực nhục. Người đàn ông này có An nghĩa là có một đời sống chồng vợ, có một mái nhà, có công ăn việc làm và được sống đàng hoàng như mọi người. Bụi nghĩ đầu tiên thì cứ vậy đi rồi tới đâu tính tiếp tới đó. Sống bên nhau thấy hợp, vui là được. Ngày Thế nhập được quốc tịch, Bụi mừng hết sức. Tính tổ chức tiệc mừng cho sự kiện này và nhân thể làm cái tiệc cưới muộn luôn. Chứ hồi ông đây dọn về sống cùng thì chỉ lo các thủ tục sao cho hôn nhân hợp lệ.
An sống lành hiền nề nếp hơn khi có Thế. Cũng có những khoảng thời gian cuộc sống lứa đôi khiến An rất chán nhưng lại không thể chịu nổi sự lẻ loi. Cả ngày vất vả với công việc, tối lái xe về, thật nản khi một mình trên đường dài rồi lủi thủi giữa ngôi nhà quá rộng, bữa ăn với chỉ riêng mình. Tưởng cái mệt nhoài có thể cuốn mình vào giấc ngủ dễ dàng. Nhưng không phải vậy. Rồi một đêm từng đêm trằn trọc cũng đi qua. Và một ngày từng ngày tất bật lại bắt đầu. Một cách sống không thể khác. Một mình là buồn, ấy điều tất nhiên. Hai mình cũng rộn vui một chút nhưng thêm bao lụy phiền. Huề. Trong những khoảng ngày chập chờn giữa không và có, An đã nghĩ không lẽ cứ sống vầy sao? Khó quá, khi muốn cột buộc một người nào đấy vào đời mình.
Với Thế, nhiều khi An đã nghĩ cái duyên muộn mằn này nào chỉ là cơ hội cho riêng mình Thế thì hưởng. Sau rốt, An đã tìm được một người để dằng dịt đời, để mà vướng víu. Không ít lần Thế bày tỏ: “Em vẫn có thể trả anh về với quãng đời lêu bêu vật vờ cũ, nếu cần. Vì thà như vậy còn hơn làm khổ nhục cả hai”. Tính Thế là vậy chứ không phải nhờ An mà quỵ lụy và lệ thuộc đủ điều. Thế hay ví mình là ông chồng hờ. Nhưng họ vẫn có những bữa ăn tối tràn tiếng cười từ những câu chuyện tiếu lâm của Thế, những hóm hỉnh vốn sẵn ở con người này. Và những cuối tuần cùng đi mua sắm, nấu nướng, làm vườn, lau dọn cửa nhà với nhau.
Nhưng khi bàn với Thế về việc tổ chức tiệc mừng, Thế cứ trì hoãn.
- Anh không ngại không sợ phải tốn thêm thời gian?
- Không ngại và cũng chẳng sợ vào lúc này, nhưng trước đó thì có.
- Vì sao?
- Vì biết sẽ không còn những ngày tháng vui vẻ nhẹ nhõm với em. Và những thứ mình sắp phải đối đầu giải quyết thì đầy thử thách.
- Nhưng đó là những thứ anh muốn và rắp tâm thực hiện mà.
- Em nói sao cũng phải nhưng giá mà em biết, anh đã có lúc ao ước chúng ta được sống mãi thế này.
Suốt khoảng thời gian còn ở lại với An, Thế hối hả làm cho xong một số việc còn lỡ dở. Sửa garage, dọn dẹp và sắp xếp lại các thứ ở tầng hầm, trồng thêm mấy bụi hoa... Và Thế rời đi ngay sau khi mọi thứ hoàn tất, cả thủ tục pháp lý lẫn công chuyện nhà. Đi, khi An đang còn ở chỗ làm. Những ngày xoay trở với bao thứ giấy tờ để được trở lại cuộc sống một mình. Để Thế được là người đàn ông hoàn toàn tự do. An như mất hết cảm giác. Chỉ thấy mình bị vắt kiệt và muốn quỵ gục. Đâu nghĩ có thể gồng hết cả người lên trong một cơn khóc dữ dội. Chắc phải nhờ đến sự dồn tụ của hết thảy những sức lực còn sót lại. Đó là buổi tối trở về không Thế, ngôi nhà và khu vườn tối lạnh. Gian bếp không mùi thức ăn và tờ giấy ghi cách làm món mắm ruốc kho sả ớt được dán nơi một góc tủ lạnh.
***
An nói với tôi, Thế bảo lãnh gia đình sang hết bên đó rồi. Cùng ở Houston. Họ sống rất ổn. Thế làm việc ở hãng, vợ làm nail, mấy đứa con khá lắm, học giỏi và rất ngoan. Các cháu cũng thường ghé và giúp An bất cứ cái gì có thể. Vợ ông ấy cũng hay đem cho các món ngon nhà làm được. Giò thủ và xôi vò của bà ấy phải nói là đặc sắc. Chỉ có An và ông ấy ít gặp được nhau. “Chắc Thế muốn tránh, mà tao… chỉ nhác trông thấy đã xúc động. Đó là người tao yêu nhất và tha thiết được sống cùng nhất. Nhưng ông ấy có những rắc rối, những toan tính bí ẩn của riêng mình. Còn tao? Mày biết đó. Sao có thể là khác chứ! Một khi mày lỡ đặt tên tao là Bụi và cái tên ấy lỡ vận vào đời tao mất rồi. Bụi mà. Ừ Bụi. Mắc míu chi đời ai cho phiền lụy bởi một ngày rồi cũng chỉ là chút bụi tro hất nhẹ trên biển sóng, tan hòa vào đại dương thôi”.
Tôi vẫn nhớ ước muốn của An là sau khi mất đi, thân xác dẫu chỉ còn mảy may chút bụi cũng xin được vướng víu lại với quê nhà…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.