Châu Á cũng có siêu nhân

18/10/2008 20:16 GMT+7

Nhìn thấy siêu nhân của Mỹ bay khắp toàn cầu, kiếm được bộn tiền, các nhà điện ảnh châu Á càng quyết tâm xây dựng những siêu nhân của riêng mình.

Tại LHP quốc tế Pusan lần thứ 13 (từ ngày 2-10.10.2008), một dự án làm phim siêu nhân kiểu Mỹ của Hàn Quốc đã trở thành tiêu điểm được bàn tán sôi nổi. Quan chức điện ảnh nước này rất tích cực ủng hộ việc xây dựng thương hiệu siêu nhân của riêng châu Á. Bộ phim Jeon Woo Chi này đã được đầu tư 12 triệu USD, được gọi là “tác phẩm đáng kỳ vọng nhất của Hàn Quốc”. Được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên, bộ phim xoay quanh cuộc đấu tranh của một pháp sư với các yêu tinh, đặc biệt miêu tả hình ảnh hiệp khách chuyên đi trừng trị bọn quan tham vô lại. 500 năm trước, Jeon Woo Chi bị hãm hại, phải chịu oan ức và bị nhốt trong một bức tranh. Tới 500 năm sau vào thời hiện đại, Jeon Woo Chi mới được thả ra và lại tiếp tục câu chuyện đấu tranh với lũ yêu tinh thời hiện đại. Bộ phim có sự tham gia của các ngôi sao Hàn Quốc: Kang Dong-won, Im Soo-jung... Jeon Woo Chi được dự tính quay trong bốn tháng. Đạo diễn Lee thực hiện bộ phim này cho biết tuy doanh thu ước tính rất khó đoán song ông tin chắc bộ phim này sẽ cạnh tranh được với phim siêu nhân của Hollywood.

 
Phim siêu nhân Ấn Độ Krrish - Ảnh: sina.com.cn
Trong khi đó giới điện ảnh Nhật Bản tuyên bố siêu nhân không phải là đặc sản của Mỹ, mà điện ảnh nước này đã có phim siêu nhân từ thập niên 60 thế kỷ trước, như phim Ultraman, Mặt kia của mặt trăng... với týp siêu nhân khác hẳn của Mỹ, hành sự rất nhân đạo theo nguyên tắc “không giết, hãy tha thứ”. Sê-ri phim truyền hình siêu nhân theo kiểu kỵ sĩ bịt mặt này đã nhanh chóng lan ra Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc... Năm 1975, công ty điện ảnh Hồng Kông Triệu Thị đã thực hiện bộ phim truyện nhựa Siêu nhân Trung Quốc (Inframan, đạo diễn Hoa Sơn). Đây được coi là phim siêu nhân đầu tiên của Trung Quốc. Bộ phim xoay quanh chuyện diệt quái vật xâm chiếm thế giới loài người khi đỉnh núi lửa bấy lâu bỗng hoạt động trở lại. Bộ phim dài 84 phút, có sự tham gia của các diễn viên Lưu Hiệp, Viên Mãn Tư, Hoàng Kiện Long, Giang Tường...

Phim siêu nhân Krrish (Ấn Độ) và Cicakman (Malaysia) cũng được công chiếu tại LHP Pusan vừa qua với doanh thu không thua kém các phim siêu nhân Mỹ. Giới phê bình điện ảnh Philippines cũng thừa nhận các nhà làm phim châu Á thông minh đã bắt đầu hướng về phương Tây “lấy kinh”. “Chúng tôi thích những người anh hùng châu Á của mình. Chẳng hạn như ở Philippines, chúng tôi đã hấp thụ tinh hoa của phim Mỹ nên sẽ biến phim của chúng tôi mang đậm màu sắc địa phương hơn. Chẳng hạn nhân vật Darna chính là lấy cơ sở từ “nữ hiệp thần bí” nhưng mang đậm nét đặc sắc địa phương. Từ thập niên 50 tới nay, hình ảnh Darna vẫn được lưu truyền rộng rãi”, một nhà phê bình điện ảnh Philippines cho biết.

Ấn Độ cũng không chấp nhận phim siêu nhân của Mỹ vì “không hứng thú” và “điện ảnh Ấn có màu sắc huyền bí riêng và thừa sức tạo nên các siêu nhân gợi cảm”. Tại nước này, bộ phim Batman phần 3 không lọt nổi vào danh sách 20 bộ phim ăn khách, chỉ thu được 38.000 USD, trong khi doanh thu toàn cầu của phim này lên tới 554 triệu USD. Đây cũng là lý do khiến LHP Pusan lần thứ 13 vừa qua phải tổ chức riêng một chương trình đặc biệt mang tên “Siêu anh hùng châu Á” với 11 bộ phim được khán giả đặc biệt yêu thích suốt nửa thế kỷ. Ngọn lửa vừa được nhen nhóm này đã hâm nóng tinh thần của các nhà làm phim Á châu, khiến họ càng quyết tâm hơn trên con đường xây dựng siêu nhân cho riêng mình. 

Nguyễn Lệ Chi 
(Theo sina.com.cn)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.