Chiếc áo kỷ vật của nhà thơ Trần Quang Long

27/04/2007 23:32 GMT+7

Cuối tháng 4.2007, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định tiếp nhận trưng bày một chiếc áo sơ mi đã ngả màu. Điều đặc biệt là kỷ vật này gắn liền với chặng đường tranh đấu đầy nhiệt huyết của nhà thơ Trần Quang Long những năm dạy học ở phố biển Quy Nhơn. Sau 43 năm, bút tích thơ Trần Quang Long vẫn còn hằn in trên chiếc áo loang vết máu trong một đợt lao tù...

Người giữ chiếc áo kỷ vật suốt 43 năm và nay trao lại cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định là ông Lương Quang Phúc (66 tuổi, hiện ở số nhà 71 Trần Phú, TP Quy Nhơn). Với ông Phúc, chiếc áo là dấu tích một thời không thể nào quên của thế hệ học sinh, sinh viên Quy Nhơn xuống đường tranh đấu vào những năm thập niên 60 của thế kỷ trước. Chữ ký của những thành viên bị bắt, tù đày chi chít trên chiếc áo. Nổi bật nhất là bút tích thơ và chữ ký của nhà thơ Trần Quang Long đề ngày 3.4.1966: Nghiến răng mà chịu sự đau/Cười trong tiếng nấc hát làu Việt Nam/Máu lai láng, áo rách nhàu/Vẫn vui, vẫn hát, không sầu, không lo.

Nhà thơ Trần Quang Long sinh ngày 6.2.1941 tại Huế. Tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Sư phạm Huế; có thời gian dạy học ở Quy Nhơn và Cần Thơ; là một trong những tên tuổi lớn của phong trào HS-SV đô thị miền Nam tranh đấu chống độc tài, áp bức; hy sinh tại biên giới Tây Ninh - Campuchia vào ngày 11.10.1968, khi mới 27 tuổi. Những bài thơ để lại dấu ấn: Thưa mẹ, trái tim; Tiếng hát của người tù; Hãy để tôi yêu quê hương tôi; Hồi kết cuộc...

Ông Phúc bồi hồi nhớ lại: "Hôm đó, nhóm học sinh, sinh viên dưới sự dẫn dắt của nhà thơ Trần Quang Long - được bầu làm Chủ tịch lực lượng bảo vệ dân tộc Bình Định - đã kéo đến chiếm lĩnh trụ sở trường Nguyễn Huệ (nằm ở góc ngã tư Mai Xuân Thưởng - Võ Tánh, nay là trường THCS Lê Hồng Phong, Quy Nhơn) để phản đối chính quyền. Ngay từ đầu, qua loa phát thanh, nhà thơ là người trực tiếp hô vang các khẩu hiệu: chống pháo kích bừa bãi, chống chế độ độc tài, tiến hành bầu cử dân chủ... Hàng ngàn người kéo đến chật kín các ngả đường quanh trường học khiến bọn lính bảo an không dám ra tay đàn áp. Đến khuya, mỏi mệt, phần lớn mọi người đã tản về nhà, chỉ còn lại nhóm học sinh, sinh viên nòng cốt trụ lại trong khuôn viên trường. Lợi dụng tình thế này, đại đội lính bảo an ùa vào. Sau khi đánh đập loạn xạ, bọn chúng bắt hết các anh em (khoảng 127 người) về giam tại Bộ tư lệnh cảnh sát tỉnh. Do phản ứng quyết liệt, nhà thơ Trần Quang Long bị bắn gãy chân. Trong trại giam, trước sức ép tra trấn dã man của bọn lính, sợ anh em nhụt chí, nhà thơ đã đọc mấy câu thơ, rồi viết lại trên chiếc áo của tôi đang mặc. Chiếc áo lần lượt được chuyền cho từng người đọc và ký tên tỏ rõ quyết tâm không thỏa hiệp, không khai ra đường dây tổ chức...". Sau cái đêm nguy khó ấy, Trần Quang Long được đưa vào bệnh viện chữa trị vết thương và ông Phúc được phân công chăm sóc nhà thơ.

Từng tham gia phong trào, từng bị chính quyền Sài Gòn tuyên án tù 6 tháng về tội làm thơ tuyên truyền cách mạng khi còn là sinh viên trường Đại học Sư phạm Huế, vào dạy học ở trường Cường Để (nay là trường Quốc học Quy Nhơn), nhiệt huyết tranh đấu vẫn sục sôi trong tâm thức Trần Quang Long. Dường như tình yêu mà nhà thơ dành cho quê hương chưa bao giờ vơi cạn: Hãy để tôi yêu quê hương tôi/m thầm như giọt mồ hôi trên ruộng lúa/Thấm mạch đất cằn thành dòng suối nhỏ/Ươm những cành hoa trổ ngát hương mùa...

Bút tích 4 câu thơ và chữ ký của nhà thơ Trần Quang Long trên chiếc áo

...Mấy hôm sau khi bị thương, nhà thơ Trần Quang Long bị đày đi "nếm mùi lao khổ chiến trường" vùng biên Đức Cơ, Gia Lai. Do vết thương gãy chân quá nặng, bọn sĩ quan ngụy "ưu ái" cho nhà thơ nán lại ở Pleiku trong điều kiện hết sức cơ cực. Ông Nguyễn Tổng (hiện sống ở Quy Nhơn), người cùng đi với nhà thơ đã xúc động khi kể lại: Cái chân gãy của nhà thơ dù được băng bó từ trên đầu gối xuống đến các ngón chân, nhưng cứ thấy da thịt phình to ra. Mọi sinh hoạt rất khó khăn, cử động không được vì đau nhức. Lần ấy, có mấy con kiến chui vào bên trong lớp băng. Bị cắn rỉa suốt mấy ngày đêm mà không cách nào giết được chúng, nhà thơ lấy cành cây thọc vào, mãi vẫn không xong. Khi xin được chút ít đường, nhà thơ thấm nước rồi đặt ở đầu ngón chân. Chừng mấy phút sau, lũ kiến ngoi ra. Sau đó, nhà thơ lại cười tươi như chẳng có vướng bận chuyện gì.

Để hiểu hơn về chiếc áo kỷ vật của nhà thơ Trần Quang Long, tôi tìm gặp nhà thơ Lê Văn Ngăn (nguyên Phó chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Định). Khi chân ướt chân ráo vào Quy Nhơn, hai người đã có mối thân tình với nhau bởi cùng cảnh xa quê, cùng sở thích làm thơ và cùng ý chí tranh đấu. "Trần Quang Long là người đã vượt qua bi kịch gia đình để thể hiện trọn vẹn tình yêu đối với quê hương, không chỉ qua thơ ca mà đã đánh đổi bằng chính mạng sống mình: Nếu thơ con bất lực/ Con xin nguyện trọn đời/Dùng chính quả tim làm trái phá/Sống chết một lần thôi...". Nhà thơ Lê Văn Ngăn đã kể về bạn mình như thế!

Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.