Chiếc vé về tuổi thơ... chưa từng có

07/02/2016 07:00 GMT+7

Cách đây 10 năm, tôi được mời dự một buổi “ra mắt phim” khác thường. Địa điểm chiếu là một phòng khách sạn bé xíu trong khu phố tây giữa Sài Gòn.

Cách đây 10 năm, tôi được mời dự một buổi “ra mắt phim” khác thường. Địa điểm chiếu là một phòng khách sạn bé xíu trong khu phố tây giữa Sài Gòn.

Cảnh trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - Ảnh: Đoàn phim cung cấpCảnh trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - Ảnh: Đoàn phim cung cấp
Phim được chiếu bằng cái laptop đặt ngay trên giường, còn các nhà báo... ngồi bệt dưới đất.
Người đứng ra mời là Nguyễn Hoàng Nam, Việt kiều trẻ là tác giả kịch bản Spirits (Oan hồn), bộ phim kinh dị được thực hiện tại Mỹ. Anh mong muốn giới thiệu bộ phim và tìm hiểu liệu có thể phát hành ở Việt Nam. Vì vài lý do, bộ phim không được chiếu trong nước, song chàng đạo diễn trẻ của bộ phim ấy giờ đây đã là “ông vua phòng vé” tại Việt Nam - Victor Vũ.
Vừa qua, giữa cơn sốt Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, trên các diễn đàn và trang Facebook cá nhân, nhiều người xem nói rằng bộ phim đã đánh thức ký ức của họ về tuổi thơ trong trẻo giữa làng quê bình dị và tỏ ra hết sức bất ngờ khi biết Victor Vũ sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Nhưng tôi không bất ngờ lắm, bởi ngay từ Oan hồn, dù được quay ở California, tôi đã nhận thấy toát ra không khí Việt, từ câu chuyện tới bối cảnh, đạo cụ - gian bếp chật hẹp với nồi niêu ám khói, bụi mía sau hè, cái máy đánh chữ cũ kỹ, con gà luộc vàng ươm... Nó không mang lại cảm giác “giả giả” như ở một số phim có bối cảnh Việt Nam của các đạo diễn phương tây. 10 năm trước Victor Vũ chưa được ai biết thì Nguyễn Võ Nghiêm Minh đã có cuộc ra mắt chấn động với Mùa len trâu. Hình ảnh hàng trăm con trâu lầm lũi đi giữa mênh mang trời nước mùa lũ, xác người vật vờ trong nước, cuộc sống trôi dạt mà khốc liệt của chàng trai “len trâu”... khiến những ai có dịp xem phim - trong đó có nhà văn Sơn Nam - phải bàng hoàng bởi sự kỳ công, tỉ mỉ của đạo diễn khi tái hiện cuộc sống người dân Nam bộ đầu thế kỷ 20. Một nhà sản xuất tư nhân nổi tiếng đã bày tỏ với tôi sự ân hận vì đã từ chối đầu tư vào phim này bởi chị không tin một đạo diễn vốn là tiến sĩ vật lý sống nhiều năm ở phương tây có thể đưa con người, cảnh vật từ trang sách của Sơn Nam lên phim.
Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam đã ám ảnh tôi từ hồi còn trẻ và tôi luôn mơ ước sẽ làm một bộ phim về con người, thiên nhiên Nam bộ dù việc nghiên cứu khoa học cứ cuốn tôi đi. Đến một ngày tôi quyết định phải thực hiện ước mơ, hoặc không bao giờ nữa” - Nguyễn Võ Nghiêm Minh kể với tôi về khoảnh khắc anh “xông vào” Mùa len trâu... Giờ đây anh vẫn miệt mài với những thước phim về Nam bộ như một cơ duyên, mà Nước 2030 ra mắt vừa rồi là một ví dụ. Nhà văn Việt Linh, người đã chuyển thể tiểu thuyết Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thành kịch bản phim, cho biết bộ phim là “chiếc vé về tuổi thơ... chưa từng có” của chị. Và tôi nghĩ, đó cũng là chiếc vé cho cả Victor Vũ.
“Tôi là người Việt Nam, mang tâm hồn Việt trong mình” - Victor Vũ trả lời một cách đơn giản cho thắc mắc của những người yêu bộ phim. Có lẽ, sâu thẳm trong tâm hồn những nhà làm phim Việt kiều như anh và Nguyễn Võ Nghiêm Minh, mạch nguồn văn hóa Việt vẫn chảy, tạo thành niềm thôi thúc mãnh liệt khiến họ phải tìm về quê hương để sáng tạo, cũng là cơ hội để họ tìm hiểu sâu sắc hơn về nguồn cội. Các yếu tố đó, cộng với tài năng và việc được học hành bài bản, đã giúp họ làm nên những tác phẩm mang “chất Việt”, “hồn Việt” thực sự lay động trái tim người xem trong nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.