“Chỉnh giọng” cho chiêng

02/02/2009 22:57 GMT+7

Với đồng bào bản địa gốc Tây Nguyên, cồng chiêng không chỉ là một tài sản quý giá mà còn mang giá trị tâm linh. Nhưng những dàn chiêng lạc giọng sẽ chẳng bao giờ cất lên đúng tiếng nói linh thiêng của tổ tiên mà còn bị coi là xui xẻo. K’Chung (57 tuổi) là một trong số hiếm những người có thể “chỉnh giọng” cho chiêng.

Đôi tai nhạy cảm

Nhiều ngày qua, K’Glang (Đạ K’Nàng, Đam Rông, Lâm Đồng) cứ buồn bã vì một lá chiêng trong dàn chiêng của mình “bị ốm” nên lạc giọng, không thể giúp K’Giang đánh được những bài Mừng lúa mới, Chào mừng quan khách, Săn con nai... Thế rồi nhớ ra K’Chung, K’Glang liền mang đến nhờ ông và chỉ một thời gian ngắn được K’Chung  “dạy bảo”, K’Glang vui mừng mang chiêng về vì nó đã có giọng âm vang hợp âm với cả dàn chiêng...

Sau nhiều cuộc hẹn, vào một ngày cuối năm chúng tôi mới gặp được K’Chung  tại nhà riêng của ông ở thôn Tân Lin (Tân Văn, Lâm Hà, Lâm Đồng) khi ông vừa đi rẫy ở Đạ K’Nàng  về. Trong ngôi nhà vách gỗ cũ kỹ của mình, K’Chung  vui vẻ tiếp chúng tôi và say sưa nói về văn hóa dân gian của đồng bào cũng như kể về “nghiệp” cồng chiêng của mình. May mắn, K’Chung  được sinh ra trong gia đình có bố là người hiểu biết nhiều về cồng chiêng nên ông có dịp tiếp xúc với chiêng từ nhỏ. Năm 12 tuổi, K’Chung đã biết đánh chiêng, thổi kèn và theo bố đi diễn ở khắp nơi và nhanh chóng tài giỏi ở lĩnh vực này và khi 16 tuổi ông đã biết đánh nhiều bài chiêng. Cũng từ tiếng chiêng, tiếng khèn (kèn) mà K’Chung  đã “lọt” vào “mắt xanh” của sơn nữ Ka Rìu và được nàng bắt về làm chồng. Dù nghề nghiệp chính của K’Chung  vẫn gắn với nương rẫy, nhưng với cồng chiêng như một thứ “bùa mê” đã chảy vào huyết quản khiến ông không thể nào rời xa được. Nhờ có đôi tai thẩm âm nhạy cảm và tài nghệ diễn tấu nhiều bài nhạc chiêng truyền thống và được sự chỉ dạy tận tình của cha nên K’Chung  học được nghề gò chỉnh chiêng khi mới 22 tuổi.

 
Thực hiện chỉnh chiêng - Ảnh: G.B

Theo nghệ nhân K’Chung , để biết chỉnh, sửa chiêng là người phải có tai nghe chính xác, thông hiểu thang âm của từng vùng, từng dân tộc. “Quan trọng hơn phải nắm và nhớ kỹ âm thanh từ con mẹ đến con út của khèn bầu 6 ống, bởi 6 ống khèn bầu hợp âm (âm thanh tương tự) với 6 lá chiêng trong dàn chiêng nên dùng làm thanh mẫu. Bên cạnh đó, phải là người có kinh nghiệm và biết đánh nhiều bài chiêng, phải nghe rõ, nghe kỹ chứ nếu không thì không đánh được chiêng đâu” - K’Chung  cho biết. Với tài năng cùng kỹ năng thẩm âm hiếm có và niềm đam mê âm nhạc cồng chiêng đã thẩm thấu vào máu thịt từ thuở ấu thơ, nên giờ đây nghệ nhân K’Chung  đã có thể chỉnh đúng hầu hết các loại chiêng trong vùng đất Lâm Đồng, Đắk Nông.

Truyền nghề

Dụng cụ để chỉnh chiêng không có gì xa lạ, từ những cái búa, lưỡi dao, miếng sắt hay cái dũa... Mỗi dụng cụ này có một chức năng riêng: búa gõ nhẹ những chỗ dày mỏng, dao để cạo và dũa để cà chỉnh âm vực, trường độ và cao độ. Cồng chiêng mua nơi khác về, chỉ bằng những dụng cụ này và với kỹ thuật gò theo đường vòng tròn quanh núm hoặc tâm điểm, nghệ nhân K’Chung  có thể điều chỉnh sự lan tỏa của sóng âm trên chiếc chiêng để tạo ra âm thanh mong muốn.

“Chỉ cần nghe tiếng là biết chiêng có lạc giọng hay không, và tùy mức độ có thể dùng dao cạo xung quanh hay ở giữa hay dùng búa để gõ hoặc dùng miếng sắt để rạch vuông và đánh chữ thập và chọn âm cho bằng với âm kế tiếp cũng như nghe chuẩn là được. Tuy nhiên phải biết thực hiện có kỹ thuật chứ không phải thích cạo, thích gõ kiểu gì cũng được, không khéo sẽ làm hỏng luôn cả chiêng” - K’Chung  nói. Bí ẩn mà kỳ diệu, bởi nghệ nhân K’Chung  cảm nhận một cách chính xác nguyên lý dao động và lan truyền âm thanh trên bề mặt chiêng và trong không gian mà không cần lý lẽ khoa học nào đã có thể “dạy” cho chiêng “nói” đúng giọng.

Ông Đinh Bá Quang - Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao - Du lịch Lâm Đồng) cho biết: “Chỉnh chiêng là công việc rất quan trọng, bởi khi đúc ra chỉ là chiêng thô chưa có “hồn” nên cần phải có nghệ nhân chỉnh lại. Để là nghệ nhân chỉnh chiêng giỏi thì phải biết đánh nhiều bài chiêng, có kinh nghiệm và tiếp thu những vốn cồng chiêng từ những nghệ nhân chỉnh chiêng đi trước, đồng thời chế tác được nhạc cụ... Và K’Chung là một người như vậy. Có thể nói ông là một nghệ nhân chỉnh chiêng giỏi nhất ở mảnh đất Nam Tây Nguyên này. Không chỉ tiếp thu vốn văn nghệ dân gian từ người cha, K’Chung  còn đi nhiều vùng dân tộc, tích lũy nhiều, đặc biệt ông có kiến thức về nhạc lý, trực tiếp chơi được nhiều nhạc cụ, nhớ được nhiều làn điệu dân ca của đồng bào và còn chế tác được nhạc cụ...”.

 Mong muốn lớn nhất của K’Chung là làm sao tìm được nhiều người trẻ tuổi, giỏi giang và tâm huyết để truyền lại nghề chỉnh chiêng của cha ông nhằm bảo tồn các bài chiêng mà với ông nó đã là hơi thở, là một phần máu thịt rồi. Ông đã tích cực tham gia truyền dạy cho nhiều người ở các thôn trong xã, trong các huyện trong tỉnh nhà.

Vùng đất Nam Tây Nguyên vẫn còn sở hữu những nghệ nhân chỉnh chiêng tài hoa, nhưng những “báu vật nhân văn sống” này ngày càng thưa dần qua thời gian.

Gia Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.