Chợ tranh online

25/10/2016 05:56 GMT+7

Việc mua bán tranh online ở VN tuy mới diễn ra thời gian gần đây, song đã có những nhóm quy tụ hàng ngàn thành viên thực hiện việc trưng bày, mua bán và đấu giá tranh trên mạng xã hội rất sôi động.

Hai nhóm hoạt động mạnh nhất có thể kể đến là Vietnam Art Space (VAS, hơn 9.400 thành viên), Viet Art Now (VAN, hơn 4.200 thành viên). Theo họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan, một trong những người sáng lập và điều hành nhóm VAS, bán tranh online là một xu thế mới, tạo thêm sân chơi cho họa sĩ và cũng tạo thêm sự thuận tiện cho những người mới bắt đầu sưu tập mua tranh. Các tác phẩm đã bán thành công trên mạng của nhóm này phần lớn là tranh sơn dầu phong cảnh, như Tĩnh vật hoa (Đoàn Văn Đức, 15 triệu đồng), Tĩnh vật mùa hè 2 (Mai Xuân Oanh, 38 triệu), Nắng thu (Đặng Đình Ngỡ, 25 triệu), Sương thu 2 (Phạm Hải Hà, 48 triệu), Sương sớm 1 và Sương sớm 2 (Lê Văn Minh, 45 triệu/bức), Bóng thu 2 (Phạm Hà Hải, 48 triệu), Hoa ly trắng (Bùi Xuân Lộc, 25 triệu), Thác Bản Giốc (Trần Thảo Hiền, 45 triệu), tranh màu nước Vườn quê (Hồ Hưng, 25 triệu đồng)...
Cảm tranh qua “phây”
Họa sĩ Bùi Thanh Tâm cho rằng ưu điểm của các chợ tranh online hiện nay là kéo công chúng xích lại gần với nghệ thuật hơn. Công chúng ở đây, theo anh, chỉ dừng lại ở mức độ người chơi chứ không phải là nhà sưu tầm chuyên nghiệp, và họ đến với chợ tranh online chủ yếu để thỏa mãn nhu cầu trang trí của mình.
Họa sĩ Lưu Tuyền cũng đánh giá mua bán tranh online ngày càng được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, anh cho rằng khi mua online, khách hàng khó cảm nhận trực tiếp bức tranh về màu sắc, đường nét, chất liệu... như khi xem thực tế. Bởi đặc thù riêng của tranh là cần cảm nhận trực tiếp, nên việc “cảm” tranh qua mạng khiến không ít người mua rất khó khăn để nhận thức đầy đủ về giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Họa sĩ Đặng Phương Việt cũng cho rằng: “Đa phần khách hàng mua online không thể nhận thức nổi đâu là tác phẩm thật, đâu là giả. Nói thật, những tác phẩm tốt và hay ít khi được người sáng tác đưa lên mạng bán vì sợ bị sao chép”. Anh cho biết từng phát hiện khá nhiều gallery bán online gắn tên anh vào một tác phẩm nhái, giả để lừa khách hàng. Để tránh tình trạng khách mua nhầm tranh chép, họa sĩ Việt cho biết anh không bán tranh online cho khách khi khách chưa gặp và xem tranh thật của mình.
Chợ tranh online 1
Bức Nắng thu của Đặng Đình Ngỡ được bán online thành công với giá 25 triệu đồng Ảnh: T.L
Tranh bán trên mạng không “sang” ?
Họa sĩ Bùi Thanh Tâm không khuyến khích mua tranh trên mạng xã hội. Anh cho rằng người mua tranh thực sự chỉ nên tìm tới trang cá nhân của các họa sĩ trên các mạng xã hội để tìm hiểu kỹ hơn về tác giả mà họ quan tâm, cũng như hiểu hơn về nội dung và yên tâm với tác phẩm mình muốn mua.
Họa sĩ Nguyễn Văn Đức, người bán thành công 2 bức tranh trên trang mạng xã hội qua nhóm VAN (do họa sĩ Phạm An Hải lập) với giá 25 triệu và 36 triệu đồng, vẫn cho rằng việc bán tranh tại gallery phải là chính và là cầu nối cho người mua đến với tác phẩm. “Nếu các họa sĩ vẽ ít và chất lượng không đều thì may ra chỉ bán được trên mạng, chứ khó được các gallery nhận bán”, họa sĩ Đức nói. Tuy nhiên, với mức chiết khấu vừa phải (từ 15 - 30%), doanh thu của các họa sĩ khi bán tranh online cao hơn bán ở các gallery (tỷ lệ chia ít nhất là 50 - 50%, thậm chí họa sĩ chưa có danh thì phải chia cao hơn).
Theo một số nhà sưu tập, họ chỉ chọn mua các bức tranh giá rẻ trên chợ tranh online, hoặc chỉ “lượn chợ” ngắm nghía để tìm hiểu về gu và phong cách của họa sĩ mới, rồi tìm thẳng đến các họa sĩ hoặc gallery để đặt mua. “Việc mua tranh trên mạng cũng không phải là không gặp khó khăn. Phần lớn tranh trên mạng là ảnh chụp, nhiều người mua tranh không được xem tranh thật, không biết tranh có như ảnh chụp hay không mà đã phải trả giá, nên về tâm lý cũng có phần e ngại”, một nhà sưu tập giấu tên chia sẻ.
Họa sĩ Vũ Như Hải (hiện sống tại Sri Lanka) cho biết anh từng được các chủ “chợ tranh” trên mạng mời tham gia rất nhiều lần, nhưng đều từ chối, với lý do “Người tuyển tranh trong các nhóm này chưa đủ tầm. Nhiều tranh được bán có chất lượng nghệ thuật chưa đạt”.
Trong khi đó, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình lại có cái nhìn khác về chợ tranh online. “Tôi không cho rằng việc bán tranh online lại làm giảm giá trị của tác phẩm. Điều ấy vô lý, vì mua qua mạng hay mua trực tiếp, tác phẩm ấy không thay đổi chất lượng... Chuyện tranh nhái chen vào là chuyện của trình quản lý trang mạng đó, chứ không phải lỗi của họa sĩ nhái và bị nhái. Tranh, cũng như những mặt hàng khác, có nhiều phân khúc, cho nhiều đối tượng... Người tổ chức chợ phải phân loại và chọn lọc kỹ càng, trình bày một cách thật chuyên nghiệp”, anh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.