Chọi trâu sẽ chỉ còn là ký ức?

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
21/04/2018 07:57 GMT+7

Có ý kiến cho rằng không nên tiếp tục cho tổ chức chọi trâu vì tính bạo lực của nó. Chọi trâu chỉ nên lưu giữ dưới dạng ký ức mà thôi.

Không có đề án tốt thì dừng chọi trâu
Ý kiến về chọi trâu của ông Nguyễn Vũ Phan, quyền Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Tuyên Quang, tại Hội nghị sơ kết mùa lễ hội 2018 do Bộ VH-TT-DL tổ chức ở Hà Nội ngày 20.4, khiến nhiều nhà quản lý chú ý. Theo ông Phan, tính chất bạo lực của chọi trâu là có. Vì thế, quản lý văn hóa nên dựa trên bản chất lễ hội để xem có nên dừng dứt khoát hay không.
Cũng theo ông Phan, tại Tuyên Quang, hội chọi trâu Hàm Yên có một bề dày văn hóa. Đây cũng là lễ hội truyền thống được các nhà khoa học nghiên cứu, người dân công nhận. “Bộ cứ nói là dừng lễ hội chọi trâu không phải truyền thống. Chúng tôi có hồ sơ đủ. Tuy nhiên, chúng tôi dừng tổ chức, chỉ lưu lại hồ sơ để sau này con cháu chúng ta biết văn minh nông nghiệp như thế nào. Còn chọi trâu Đồ Sơn có thể coi như một di sản ký ức thôi”, ông Phan phát biểu.

Chúng tôi dừng tổ chức, chỉ lưu lại hồ sơ để sau này con cháu chúng ta biết văn minh nông nghiệp như thế nào

ông Nguyễn Vũ Phan, quyền Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Tuyên Quang

Về các hội chọi trâu, ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL, đặt câu hỏi: “Người dân hưởng thụ văn hóa gì ở chọi trâu? Tại sao các doanh nghiệp cứ thích chọi trâu?”. Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho rằng, đó là vì lý do lợi nhuận, lợi nhuận của việc bán vé, bán thịt trâu giá cao, lẫn cá cược. Những điều này gây mất an ninh.
Bà Thủy cũng cho biết, các địa phương như Hải Lựu (Vĩnh Phúc), Phù Ninh (Phú Thọ) cần xây dựng đề án tổ chức chọi trâu cũng như giá trị truyền thống của nó. Nếu có giá trị giáo dục thì hoàn thiện hồ sơ di sản để xem xét. Nếu không, có thể dừng tổ chức. Trường hợp các địa phương có thể chứng minh được hội chọi trâu của mình có giá trị từ lâu đời thì có thể nộp hồ sơ để công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Mặc dù vậy, bà Thủy nói: “Hiện tại, không lễ hội chọi trâu nào nộp hồ sơ để công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.
Chống bạo lực, lãng phí
Yếu tố bạo lực trong lễ hội không chỉ ở hội chọi trâu mà còn có thể xảy ra ở các hội cướp phết như ở Hiền Quan (Phú Thọ). Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Thọ băn khoăn có nên khôi phục phong tục đánh phết hay không. “Truyền thống là đánh phết, dùng gậy đánh. Nhưng với đông người như thế thì cũng là nguy hiểm. Phải có sân riêng để đảm bảo an ninh”, vị đại diện Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Thọ nói.
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL), cho rằng: “Nếu Hiền Quan tiếp tục tổ chức mà không có thay đổi đề án thì công an cũng không thể giữ trật tự được. Cũng làm gì có kinh phí mười mấy tỉ để xây sân riêng. Nhưng tại sao không thay đổi thời gian hội? Tổ chức cướp phết lúc 3 giờ chiều thì từ trưa thanh niên đã ăn, uống rượu, đỏ mặt phừng phừng. Tại sao không đào hào để không ai vào được chỗ đang cướp phết?”.
Bà Thủy cho rằng, với các lễ hội, đề nghị địa phương xây dựng các phương án kỹ càng để lựa chọn. “Quan điểm của Bộ, nếu không đảm bảo an ninh trật tự thì dứt khoát không cho tổ chức”, bà Thủy nói.
Nên chủ động bỏ tập tục lãng phí, nhân rộng lễ hội tốt
Ông Nguyễn Vũ Phan, quyền Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Tuyên Quang, nhấn mạnh: “Bộ nên tham mưu lộ trình tuyên truyền cho Chính phủ tới năm 2020 hoàn toàn chấm dứt tục đốt vàng mã. Rồi có những lễ hội cần lan rộng, như hội thề chống tham nhũng Minh Thệ rất hay, sao không định hướng để nó lan tỏa”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.