Chống tham nhũng qua góc nhìn họa sĩ biếm

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
22/11/2018 07:06 GMT+7

Ông Lương Xuân Đoàn, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật VN, cho rằng không nên đùa với họa sĩ biếm khi họ vẽ biếm họa về tham nhũng.

Bức tranh thời sự tham nhũng
Họa sĩ Hà Xuân Nồng (bút danh NOP) đã vẽ một mê cung cho kẻ tham nhũng trong bài thi của mình. Ở đó, tội phạm tham nhũng có thể chạy vào trốn, phía sau là nhiều người đuổi theo. Với mê cung rắc rối, khả năng tìm thấy gần như bằng không. Ông Nồng cho biết đây cũng là tác phẩm ông tâm đắc nhất trong chùm tác phẩm gửi dự cuộc thi biếm họa phòng chống tham nhũng do Bộ VH-TT-DL tổ chức từ ngày 22.6, nhận bài từ ngày 4 - 7.9.
“Người tham nhũng đều là người làm cho nhà nước. Họ có trách nhiệm công vụ. Chỉ vì họ không hoàn thành nhiệm vụ nên sinh ra bao hệ lụy sau này. Nhưng sau khi làm xong họ lại trốn. Tôi muốn nhắc tới những khe hở pháp luật khiến họ trốn dễ. Hình tôi vẽ là mê cung, là nơi ông trách nhiệm trốn vô đó thì khó tìm ra luôn. Không tìm ra được. Đó là ẩn dụ về việc ai để ông vô đó hoặc ông trốn được vô đó là trách nhiệm của nhà nước. Chứ không phải chỉ mỗi chuyện ông tham nhũng ấy”, ông Nồng nói.
Tác phẩm Tìm trách nhiệm của Hà Xuân Nồng
Có nhiều “từ khóa” thời sự được nhắc tới trong các tác phẩm biếm họa chống tham nhũng như: cả họ làm quan (15 tác phẩm), các biệt phủ (5 tác phẩm), làm giàu bằng chổi đót (5 tác phẩm), du lịch nước ngoài bằng ngân sách (4 tác phẩm), bổ nhiệm thần tốc, đánh bạc qua mạng, nuôi lợn làm giàu...
Với tệ “cả họ làm quan”, tác phẩm Cả nhà làm quan (Trần Văn Thọ) vẽ một người đàn ông đang dùng cây bút kích cỡ lớn ký liền một lúc cả “quyết định bổ nhiệm đồng chí vợ” lẫn “quyết định bổ nhiệm đồng chí con” và “quyết định bổ nhiệm đồng chí em”. Tác phẩm Con ông cháu cha (Đỗ Hữu Liên) lại vẽ một tòa nhà cao của cơ quan X, với ông sếp ngồi tầng cao nhất. Xung quanh ông là những máy bay con ông, cháu cha bay lên để nộp đơn xin việc mặc những người khác không bay lên được nhìn theo. Họa sĩ Đỗ Hữu Liên cũng vẽ tác phẩm Cả huyện nghèo. Trong đó, khi thầy giáo hỏi: “Một người làm quan cả họ giàu, cả họ làm quan thì sao”. Đáp lại, học trò nói: “Dạ thưa thầy thì cả huyện nghèo”…
Với việc “buôn chổi đót”, tác phẩm Vỏ bọc của tác giả Trần Hải Nam thể hiện một quan tham với bộ quần áo lông cừu. Chú cừu này rao rất to: “Ai chổi đót nào” trong khi dưới chân cừu chi chít xác phong bì. Tác phẩm Lòng tin của họa sĩ Trần Quyết Thắng vẽ một lớp học dạy làm giàu. Khi thầy giáo nói có thể làm giàu bằng bán chổi thì học trò đồng lòng phản đối vì bố mẹ em chuyên bán chổi đót. Tác phẩm Kê khai tài sản của tác giả Vũ Ngọc Bách vẽ một quan tham ngồi kê khai nguồn gốc tài sản của mình là chạy xe ôm, nuôi heo, gà và mua bán chổi…
Kiến trúc sư Lý Trực Dũng, thành viên ban giám khảo, cho biết trong triển lãm này, các tranh châm biếm tham nhũng, hối lộ mang tính thời sự, tính báo chí. “Đó là chuyện là các quan chức tham nhũng có cùng kiểu giải thích về sự giàu có của mình là từ buôn chổi đót, bán cây cảnh. Cách quan chức tham nhũng na ná nhau, đến khi giải thích thì lại kết tiếp thành một bè lũ dựa vào nhau”, ông Dũng nói.
Tác phẩm Đồng bọn - Đồng phạm của Nguyễn Hữu Lộc
Trách nhiệm công dân nghệ sĩ và nhà quản lý
Cuộc thi biếm họa phòng chống tham nhũng lần này không có giải nhất. Lý giải về điều này, ông Lý Trực Dũng cho biết: “Cuộc thi không có giải nhất vì không có tác phẩm nào xứng đáng là nhất. Thường những cuộc có tác phẩm giải nhất khi người ta xem thấy nó nổi trội hơn hẳn những tác phẩm khác. Còn lần này có những tác phẩm tốt nhưng bình bình. Vì thế nhiều thành viên ban giám khảo có ý kiến không cho giải nhất, chỉ có giải nhì. Chuyện đó cũng bình thường. Nếu mình cố tình cho giải nhất thì nó sẽ thành không nghiêm túc”.
Ông Lương Xuân Đoàn, một thành viên ban giám khảo, nhìn nhận cuộc thi đặt thẳng vào vấn đề xã hội đang quan tâm. Tuy nhiên, các tác phẩm cho thấy cách nhìn vấn đề xã hội của họa sĩ biếm vẫn cần sự sắc sảo, đáo để nữa. “Ở đây không có vùng cấm. Chỉ sợ các họa sĩ biếm không đủ cái nhìn sắc sảo. Nghệ thuật biếm họa VN so với nghệ thuật biếm họa thế giới còn khoảng cách hết sức xa. Nhưng dẫu sao lần này nội dung cũng đạt được điều ban tổ chức chờ đợi ở các họa sĩ biếm”, ông Đoàn nói.
Cũng theo ông Lý Trực Dũng, tuy còn bình bình về chất lượng, nhưng toàn bộ cuộc thi rất khả quan. “Tính chất tượng trưng và cường điệu hết cỡ của tác phẩm còn thiếu. Nhưng vấn đề tham nhũng là đề tài khó, kể cả trên thế giới đó cũng là đề tài khó. Ở đây, chúng ta có nhiều họa sĩ tham gia, nó sẽ thành phong trào và điều đó tích cực. Còn những tác phẩm mang tính cô đọng, để người ta xem thấy sung sướng, để nó trở thành phi thời gian, không phụ thuộc vào thời sự thì khó vô cùng. Nó phụ thuộc tài năng xuất chúng. Trên thế giới cũng vậy”, ông Dũng nói.
Ông Lương Xuân Đoàn đánh giá cao việc Bộ VH-TT-DL cho phép Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức cuộc thi biếm họa này. Trong cuộc thi có 2 bức tranh nói đến tệ nạn “ăn” tượng đài, xây nhà hát, là vấn đề Bộ VH-TT-DL quản lý nhà nước. Tranh không đoạt giải nhưng được xếp treo và in sách. “Có nhiều vấn đề trong xã hội. Và khi chấm, chúng tôi chấp nhận đề tài, không ngần ngại gì cả, không có vùng cấm gì cả. Để thấy là không đùa với họa sĩ biếm VN được nếu họ có lý do vào cuộc”, ông Đoàn nói.
Cuộc thi biếm họa phòng chống tham nhũng công bố kết quả vào chiều 22.11. Giải nhì thuộc về tác phẩm Sự thật phũ phàng của tác giả Trần Hải Nam, Dân chơi của Lê Đức Hùng, Tìm trách nhiệm của Hà Xuân Nồng. Giải ba thuộc về tác phẩm Họp cơ quan của Nguyễn Duy Sơn, Chế tài xử lý tham nhũng của Nguyễn Văn Thường, Thanh tra phong bì của Nguyễn Văn Thưởng, Vỏ bọc của Trần Hải Nam, Phong bì và gỗ lậu của Vũ Ngọc Bách, Cửa quan của Vũ Thanh Hiền, Chuyến tàu cuối cùng cũng của Vũ Thanh Hiền.
Có 128 tác phẩm đoạt giải và lựa chọn trưng bày tại triển lãm cùng tên tại Bảo tàng Phụ nữ VN, Hà Nội từ ngày 22.11. Các tác phẩm này đồng thời cũng được in thành sách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.