'Chủ động mời tác giả trẻ vào hội thay vì đợi họ xin'

11/08/2017 08:08 GMT+7

Bà Nguyễn Thị Thu Huệ nói như vậy khi trả lời phỏng vấn của Báo Thanh Niên ngay sau khi trở thành tân Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội vào hôm qua 9.8.

Được bầu vào vị trí Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội với số phiếu rất cao, bà có bất ngờ không? Ban chấp hành (BCH) có 2 thành viên nữ là bà và bà Y Ban. Đó là do cơ cấu hay do ý muốn của chính hội viên?
Yếu tố bất ngờ là điều luôn xảy ra trong các kỳ đại hội, và mọi người đều “quen” với những bất ngờ đó. Cá nhân tôi có bất ngờ, sau đấy là cảm động trước niềm tin và tình cảm của các nhà văn dành cho mình. Kết quả bầu hoàn toàn do ý muốn của các hội viên vì ai cũng muốn BCH có đầy đủ nam - nữ, các độ tuổi, các chuyên ngành.
Về nhiệm kỳ 2010 - 2015, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Ủy viên BCH Hội Nhà văn Hà Nội, cho rằng việc thu hút người viết văn trẻ hiện rất khó khăn. Có hiện tượng một số nhà văn khi có danh rồi thì xao lãng, không tham dự thường xuyên các hoạt động của hội nữa. Bà có dự định gì trong việc thu hút người viết văn trẻ trong nhiệm kỳ tới?
Đây là một trong những việc quan trọng của BCH phải làm trong thời gian tới với những chiến lược hoạt động cụ thể. Ngoài việc tổ chức hội nghị nhà văn trẻ, BCH cần chủ động mời các tác giả trẻ vào hội thay vì đợi họ đến hỏi thủ tục và xin vào.
Nói đến người viết trẻ, người đọc trẻ, hiện đang có việc họ thích đọc văn học mạng. Vậy, hội có chấp nhận hội viên là người viết văn học mạng?
Tại sao lại từ chối một loại hình văn học khi nó vẫn sáng tạo và vẫn có những giá trị về nhân bản, giá trị của sự tìm tòi vẻ đẹp câu chữ? Xu hướng phát triển các nội dung trên mạng là một xu hướng chung của thế giới. Người trẻ lại là người nắm bắt xu hướng này nhanh hơn cả, có nhu cầu hơn cả về nội dung số, văn học mạng. Thế thì văn chương cũng vậy, phải đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Ở VN còn xa lạ, song trên thế giới cũng đã có những trường hợp tác phẩm có xuất phát điểm trên mạng, sau đó in thành sách giấy hoặc ngược lại. Miễn là tác phẩm đó có vẻ đẹp văn chương thì tác giả của nó hoàn toàn có thể chấp nhận. Ngay cả quy chế hội viên hội nhà văn cũng cần thích nghi với đời sống văn chương. Có lẽ, BCH chúng tôi cũng sẽ bàn bạc về việc này để thu hút nhiều người sáng tác trẻ hơn, đa dạng phong cách hơn.
Ở đại hội, nhà văn Văn Giá có ý kiến cho rằng là nhà văn trên 70 tuổi mà 3 năm không viết thì đề nghị tự động không là hội viên nữa. Bà nghĩ sao về điều này?
Cá nhân tôi tin nhiều nhà văn khác chưa đồng tình với ý kiến này. Hội Nhà văn Hà Nội có bề dày lịch sử và là niềm tự hào của thủ đô với rất nhiều nhà văn lớn từ ngày thành lập đến bây giờ. Ai cũng sẽ từ trẻ thành già. Tất nhiên, có nhiều nhà văn lớn tuổi vẫn sáng tác, và ngược lại do nhiều lý do khách quan, chủ quan mà các bác ít viết hơn, hoặc không viết nữa. Ngay như nhà văn trung niên hay trẻ chưa phải ai cũng sáng tác đều. Nếu không viết nữa mà không còn là hội viên thì không hợp lý. Hội nhà văn như ngôi nhà chung, diễn ra nhiều hoạt động ngoài sáng tác, và càng lớn tuổi, các nhà văn lại càng cần hội hơn.
Trong khi các hoạt động hội giờ đang thiếu kinh phí, thiếu đa dạng, theo bà có nên tổ chức các trại sáng tác nữa không?
Trại sáng tác cần với người viết vì nhà văn tham dự vào một không khí sáng tác, có giao lưu với đồng nghiệp, có sự tách biệt với công việc hằng ngày để tập trung vào ý tưởng mới hay hoàn thiện một phác thảo. Nếu có kinh phí thì duy trì trại sáng tác là cần thiết.
BCH cũ cho biết có nhiều hội viên không đóng hội phí. Kinh phí nhà nước bao cấp hiện cũng khó khăn. Vậy bà sẽ làm gì để giải quyết kinh phí của hội trong nhiệm kỳ này?
Tôi nghĩ điều này sẽ được bàn bạc trong BCH nên chưa thể có ý kiến ngay.
Xin cảm ơn bà!
Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội nhiệm kỳ 2016 - 2020 diễn ra trong hai ngày 8 và 9.8 tại Hà Nội, kết thúc gần 2 năm không thể tổ chức đại hội vì chậm soạn thảo điều lệ và hồ sơ nhân sự. Đại hội đã bầu BCH gồm 11 người.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ được bầu làm chủ tịch hội. Ba phó chủ tịch hội gồm các ông Nguyễn Sĩ Đại, Nguyễn Việt Chiến và Trần Quang Quý. Bà Nguyễn Thị Thu Huệ (51 tuổi) tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Một số tác phẩm đã xuất bản của bà: Cát đợi; Hậu thiên đường; Phù thủy; Tân cảng; Nào, ta cùng lãng quên và tập truyện ngắn Thành phố đi vắng (nhận giải thưởng Hội Nhà văn 2012).
Hội Nhà văn Hà Nội hiện có 644 hội viên. Trong nhiệm kỳ vừa qua, các hội viên có 500 tác phẩm được in, một nửa trong số này là tự bỏ tiền ra in. Trong đó, 44 tác phẩm được các giải thưởng cao như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hội Nhà văn VN...
Trinh Nguyễn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.