Chuỗi ngọc từ cao xanh - Truyện ngắn của Bích Ngân

31/07/2016 04:35 GMT+7

Ông Nguyễn gặp lại bạn văn trong một trại viết ngắn ngày. Trại viết được “cắm” ở nhà sáng tác, tọa lạc tại một góc đường, cách Biển Đông một con đường hai làn xe xuôi ngược.

Từ nhà sáng tác đến căn hộ của ông Nguyễn nằm trong tòa chung cư cao cấp chỉ nhỉnh hơn một cây số. Ông Nguyễn đăng ký ở lại trại viết vào ban ngày. Đêm ông về nhà. Bạn viết ghé tai: “Ông già ghiền vợ!”. Ông Nguyễn chỉ cười. Nụ cười hiền, gương mặt hồn hậu với bên tai phải nghễng ngãng sau hai lần đột quỵ. Mà ông Nguyễn ghiền vợ. Ghiền cái mùi không lẫn được với ai của vợ. Và, hình như có cả mùi thanh khiết của ánh trăng.
Ở tầng 15, trăng sáng, trăng tròn, trăng mờ, trăng khuyết, với ông Nguyễn, đều mang vẻ đẹp khiến tuổi già bồn chồn. Ông ghi hình trăng non, trăng xuân thì, trăng quá lứa, trăng nhợt nhạt, trăng héo tàn vào bộ nhớ chiếc iPad. Ông tẩn mẩn xem lại từng khoảnh khắc. Lại xóa. Lại chụp mới. Lại nhìn ngắm. Lại chọn những ánh trăng lung linh nhất, kỳ ảo nhất, lần lượt post lên Facebook. Ông kết được nhiều bạn mới cũng nhờ trăng và nhờ những ảo ảnh từ trăng. Vài người bạn từ thế giới ảo lại trở thành bạn có thể gọi là thân, bởi ông có thể chia sẻ chuyện buồn vui. Bà Tuyết là một người bạn như vậy. Giờ, bà không chỉ là bạn văn cùng trại viết, mà còn là bạn của vợ ông. Vốn là một nhạc sĩ tài sắc, với bà Tuyết, sức khỏe, tuổi tác, dấu hiệu lãng quên là những thứ không dễ dàng chịu đựng. Đôi lúc bà cũng không giấu được vợ chồng ông những niềm riêng, kể cả tiếng khóc lặng thầm trong ngôi nhà quạnh quẽ của mình.
Bà Tuyết, cùng hai bạn văn nữa, được ông Nguyễn mời tới nhà mình.
Ăn chiều xong, trời sụp tối, đường phố lên đèn. Gió mát. Biển rì rầm. Đường thưa thớt người xe. Ba người đàn bà định thả bộ nhưng ông Nguyễn đã gọi taxi.
Tòa chung cư cao cấp bên bờ biển lồng lộng gió. Bước vào thang máy, ông Nguyễn ấn ngón tay vào con số 15. Thang máy di chuyển thật êm.
Bước ra khỏi thang máy đã thấy bà Nguyễn đợi khách trước cửa nhà. Bà Nguyễn nhỏ người, đi lại còn nhanh nhẹn, đon đả nói cười. Bà Nguyễn và bà Tuyết chào nhau bằng cái ôm thật chặt. Ông Nguyễn giới thiệu hai người còn lại với vợ. Bạn chồng, lại là bạn văn, bà Nguyễn đón khách với ánh mắt, cử chỉ gần gũi, thân tình.
Vào nhà. Trên bàn ăn cạnh lối vào, bà Nguyễn bày tươm tất nào bánh, trái cây, nước hoa quả. Phía cao hơn, trên một chiếc tủ thờ đặt chân dung ông, bà, cha, mẹ của ông bà Nguyễn. Từ khung ảnh trắng đen, có cảm giác những gương mặt nghiêm nghị ấy cũng đang chào đón những vị khách ồn ào. Khách xin phép được thắp hương rồi xin phép chủ nhà được đi một vòng ngắm căn hộ rào rạt gió trước khi ngồi vào bàn.
Bước ra tới ban công, khách bị hút vào giàn khổ qua rừng. Dây mảnh, lá nhỏ, xanh như ngọc, leo thành giàn, trái be bé, treo lủng lẳng. Và trăng. Trăng đang lơ lửng, như chỉ cách giàn khổ qua một khoảng rất gần, có cảm giác chỉ cần nối dài những cánh tay là chạm tới.
Trăng tròn, nổi rõ trên nền trời rải rác những vì sao. Bà Tuyết reo lên: “Đẹp quá!”. Bà Kim nói to: “Máy ảnh, máy ảnh đâu, anh Nguyễn, nhanh lên!”.
Ông Nguyễn lấy chiếc iPad đã sờn vỏ bao, mở camera: “Các cô đứng cạnh giàn khổ qua, hôm nay đúng trăng rằm!”.
Đứng một hàng, lưng tựa vào ban công. Trăng sáng trên đầu, biển rì rầm, gió lồng lộng, hương hoa lài thoang thoảng... Một, hai, ba... ông Nguyễn đếm và bấm liên tục.
Bà Kim lên tiếng: “Đề nghị phó nhòm kiểm tra lại ảnh, pô nào không đẹp thì xóa. Chụp không đẹp là chị em tôi bắt đền!”. Ông Nguyễn mở album, xem lại từng ảnh.
Trăng lung linh từ lưng chừng trời như sà xuống giàn khổ qua và treo trên mái đầu của ba người đàn bà. Những gương mặt thật gần ánh trăng và chói ánh đèn flash. Môi miệng ai cũng kéo giãn nụ cười trên gương mặt bồn chồn. Kẻ ít, người nhiều, gương mặt nào, nơi khóe mắt, khóe miệng, cằm, cổ, cũng hằn nếp nhăn. Cơ mặt của những người đàn bà đã không còn nhiều khả năng cầm cự trước sức trì kéo của tháng năm, bắt đầu chảy xệ, xộc xệch. Bà Kim ghé mắt vào mấy tấm ảnh, la lên: “Chụp lại, chụp lại, sao tụi tui già chát, xấu quắc vậy?”. Ngàn cũng chồm tới, ghé mắt vào ảnh. Gương mặt cô cũng lồi lõm tối sáng. Cô chợt thấy mình như già thêm mười tuổi dưới ánh trăng. Ngàn lại nhận ra mình già thêm năm tuổi nữa trước hai người đàn bà tuy lớn hơn cô nhiều tuổi vẫn không cần che giấu cái ham muốn tìm lại thời xuân sắc.
Ông Nguyễn lật đật xóa hết ảnh cũ, mở camera, chụp mới, liên tục ấn phím. Ông bảo vợ bước ra hành lang, chụp cùng với ba người bạn. Ông cũng nhờ vợ bấm vài pô có mình đứng bên những người đàn bà dưới ánh trăng đang trôi đi.
Ông Nguyễn lại xem từng tấm một. Lại xóa gần hết những tấm ảnh vừa chụp, chỉ để lại hai pô chộp được khoảnh khắc tròn đầy lung linh của ánh trăng và những gương mặt vùng vằng xê dịch trong ráng chiều cuộc đời.
Khi hình ảnh giàn khổ qua rừng, ánh trăng rằm và những gương mặt trông khá sinh động ở góc chụp ít đổ bóng được đưa lên dòng thời gian, được vài người bạn Facebook xem và “like”, khách và chủ mới hỉ hả ngồi vào bàn. Bà Nguyễn rót trà. Ông Nguyễn rời cái iPad, bước đến tủ sách, đem ra tập truyện ký mà mình là tác giả. Ông mang kính, nắn nót viết lời đề tặng và ký tên vào trang sách. Ngàn cầm quyển sách được tặng, thoạt đầu chỉ lướt qua, nhưng sau ít giây, cô không rời mắt khỏi quyển sách.
Trà đãi khách cũng là loại trà do chính bà chủ nhà chế biến từ trái khổ qua rừng. Tách trà vàng đậm, bốc khói. Khách nâng ly, uống từng chút. Đăng đắng, thơm thơm, có cả vị mặn mòi. Ông Nguyễn uống cạn tách trà, chậm rãi cho biết. Từ lâu, các loại trà thông thường ông hiếm khi uống. Ông và vợ chủ yếu uống trà khổ qua. Loại trà góp phần cải thiện hệ thống tim mạch đã xơ vữa, vài lần suýt tắc nghẽn của mình. Bà Nguyễn phụ họa với chồng bằng cách mang từ ngăn tủ ra hai chiếc hộp thiếc mà trước đó có lẽ là những hộp đựng trà, đựng đầy trà khổ qua đã sơ chế. Bà mở hộp trà, đưa cho khách xem thành phẩm. Khổ qua rừng đã được cắt thành từng lát mỏng, sao vàng. Lúc đầu bà Nguyễn phải đi lùng mua loại khổ qua này từ nhiều nơi, khi ở chợ, khi lên rẫy hay vào vườn. Rồi bà đem dây khổ qua và mua phân về trồng vào những cái chậu, rồi làm giàn. Giàn khổ qua trên tầng cao hít thở khí trời, gió biển nên tốt dây tốt trái. Nhiều năm rồi, trong nhà ông bà Nguyễn luôn trữ trà khổ qua. Ông bà còn gởi biếu loại trà đặc biệt này cho bà con, cho bạn bè.
Bà Tuyết uống được nửa tách trà, lên tiếng: “Bịch trà anh chị gởi cho, em vẫn chưa uống hết”. Bà Nguyễn nói ngay: “Em phải uống mỗi ngày mới có tác dụng!”. Bà Tuyết nhìn khói tỏa từ tách trà: “Biết là vậy nhưng... một mình, em ngại uống!”. Bà Kim mau miệng: “Uống trà trị bệnh mà chị cũng... đèo bòng”. “Trà... đắng mà em!”, bà Tuyết cười. “Tuổi này rồi mà chị còn muốn ngọt, hơi bị khó à nghen!”, bà Kim “móc máy” bà Tuyết. Ông Nguyễn quay hỏi bà Kim: “Còn cô, uống trà này, thấy ngọt hay đắng?”. Bà Kim bưng ly trà, uống thêm một ngụm, cân nhắc rồi nói: “Mới uống thì thấy đắng nghét, nhưng uống một hồi thấy cái hậu coi bộ ngọt”. Bà Tuyết nói với ông bà Nguyễn: “Cũng lạ là, uống trà khổ qua ở đây em có cảm giác không đắng như uống một mình”. “Thì anh chị chẳng đã rủ em mua một căn hộ ở gần đây cho vui!”, bà Nguyễn nói và còn cho biết thêm: Giá nhà đang hạ. Căn hộ quay mặt ra bờ biển như căn hộ ông bà đang ở, chỉ còn bằng 70% so với giá mà ông bà đã mua. Bà Tuyết lưỡng lự: “Khi em ra đây được, biết đâu, lúc đó...”. Ông Nguyễn tiếp lời: “Ý cô nói là biết đâu lúc đó tôi... đi theo ông bà, đúng không?”, rồi ông cười: “Mà không chừng cô lo cũng đúng. Năm tháng trước, nếu xe cấp cứu không đến kịp và trên xe không phải là một lương y, thì giờ này, mộ tôi chắc đã xanh cỏ”. Bà Kim mau miệng: “Chị Tuyết còn thảm hơn anh nhiều. Nếu không có người đi ngang vườn nhìn thấy thì biết đâu...”.
Không khí rôm rả chợt chùng xuống. Bà Nguyễn vội rời bàn trà, bước về phía tủ thức ăn, lục đục mở tủ. Bà mang thêm mấy lọ mứt tắc, mứt gừng, mời khách.
Phải mấy phút sau, bà Tuyết mới đưa mắt nhìn bà Kim: “Chuyện chị suýt chết ngoài vườn, anh chị Nguyễn biết cả rồi!”. Bà Kim nhìn ông bà Nguyễn, giọng ấm ức: “Huyết áp, tim mạch trồi sụt thất thường mà chỉ cũng ráng lê lết làm vườn làm tược. Miếng vườn um tùm cây cỏ đó không biết có cái giống gì mà trù quến chỉ dữ vậy?”.
Mặt ai cũng thoáng buồn. Ngàn rời mắt khỏi bài ký mà ông Nguyễn ghi lại năm tháng ông cùng đồng nghiệp lùng sục thăm dò địa tầng địa chất, góp phần mở những con đường huyết mạch của đất nước. Cô gấp trang sách lại, chuyển hướng cuộc trò chuyện đã trầm lắng, bằng câu hỏi: “Lúc đi khảo sát những con đường từ cao nguyên cho tới đồng bằng, anh Nguyễn gởi bà chị lại cho ai? ”. Ông Nguyễn chỉ vào bức ảnh chân dung của cô gái treo trên tường, nói: “Ảnh chụp nhà tôi lúc đó đó. Vừa trẻ vừa xinh lại là giảng viên của một trường đại học. Mà thời đó, đâu chỉ riêng gì chúng tôi, ai ai cũng dồn hết tâm sức cho việc chung”. Bà Nguyễn nhìn chồng rồi nhìn bạn của chồng: “Cho tới lúc gối mỏi chân chùn ông nhà tôi mới dành thời gian cho vợ, cho con”. Bà Kim nói luôn:“Chớ thân tàn lực kiệt như anh Nguyễn bây giờ ai mà dám lãnh!”. Ông Nguyễn cười: “Bởi vậy, tôi đâu dám rời nhà tôi”. Bà Nguyễn nhìn chồng: “Ông không dám rời cái giàn khổ qua ngoài kia, thì có”, rồi bà nhìn khách: “Nhiều lúc ở trong nhà mà hồn vía ông nhà tôi để tận đâu đâu. Thú thật, đôi lúc tôi cũng thấy tủi thân”. “Thì anh Nguyễn còn là thi sĩ nữa mà, chị!”, bà Tuyết lên tiếng. “Thi sĩ gì tôi, cô! Tôi chỉ ghi lại cảm xúc của mình. Thứ cảm xúc mà khi còn trẻ mình không đủ thời gian để lắng nghe và cảm nhận. Thôi thì, ai cũng có một thời và cố gắng sống trọn một đời!”.
Cứ thế, chuyện trò, đối đáp, đưa đẩy, dẫn dắt hết chuyện này đến chuyện khác. Rồi đem khoe hình ảnh và kể chuyện học hành, làm việc, trưởng thành của con cái - đứa đi đông, đứa đi tây, đứa dạy chữ, đứa cầm cọ, đứa đánh đàn... kể cả việc nuôi dạy con của con, vừa của chủ nhà vừa của khách. Cho tới lúc chia tay, khách được chủ nhà gói ghém trái cây, trà khổ qua mang về.
Cái dư vị nhẫn đắng của “khổ qua” vẫn khiến bà Tuyết khó ngủ, sau khi đã trở về căn phòng hai giường trong khu nhà sáng tác.
Sau nhiều nỗ lực dỗ giấc không thành, bà Tuyết ngồi dậy. Đèn ngủ mờ mờ. Bà Kim đắp tấm mền đến cổ. Bà Tuyết nghe tiếng thở còn khò khè của bạn. Cơn cảm cúm vẫn chưa buông tha người đàn bà luôn dùng loại dầu gió xanh, dù nóng hay lạnh, mưa hay nắng. Phòng mở máy lạnh, có lúc mùi dầu khiến bà Tuyết phải mở cửa, bước ra hành lang. Bà Tuyết vừa chịu đựng, vừa thấy gần gũi người đàn bà bộc trực, kém tuổi mình. Cả hai đều đơn chiếc. Đều thui thủi trông ngóng. Ngóng tín hiệu tin nhắn. Ngóng tiếng chuông điện thoại. Ngóng hình ảnh con, cháu gởi về. Ngóng tiếng gọi cửa. Ngóng bước chân. Hai người đàn bà gắng gỏi lấp cái khoảng trống mênh mông bằng con chữ. Với bà Tuyết còn bằng nốt nhạc.
Qua rồi cái ảo tưởng đeo bám, rằng tác phẩm của mình có giá trị như một liều thuốc giảm đau. Qua rồi những cơn mơ chập chờn về cái đích cao vời mà mình sẽ tới. Giờ, ở tuổi xế chiều, viết lách với bà Tuyết và bà Kim, giống như thói quen tập thể dục dưỡng sinh. Tuy nhiên, thể dục tinh thần khác với thể dục thân thể mỗi ngày. Những dằn vặt triền miên khiến cả hai đều khó ngủ. Càng thiếu ngủ càng lắm ưu tư. Đôi lúc bà Kim mềm oặt như lúa non bị ngập nước. Có lần, nửa đêm, qua điện thoại, bà Tuyết nghe giọng khẩn thiết: “Chị có biết loại thuốc nào uống vô ngủ thật sâu không?”. Bà Tuyết bảo bà Kim nên uống loại thuốc an thần mà bà vẫn dùng khi khó ngủ. “Không, em cần loại có công dụng mạnh, uống vô ngủ thật sâu, ngủ vùi dưới ba tấc đất”. Sau giây phút hốt hoảng, bà Tuyết biết mình phải bình tĩnh và cứng cỏi. Bà nói, giọng ráo hoảnh: “Có đó em! Tuy nhiên, loại thuốc này, em phải nhờ con gái hoặc con trai hay cháu nội cháu ngoại mua giúp!”. Hôm sau, vượt qua cơn mê sảng tinh thần, bà Kim lại gọi: “Chị Tuyết nè! Con người ta, nếu biết được mình chết đi như thế nào thì có lẽ khi sống sẽ đỡ khổ hơn”.
Nghe hơi thở đều đều khó nhọc, biết bà Kim đang ngủ, bà Tuyết lại nằm xuống, đặt đầu lên gối, kéo tấm đắp ngang ngực.
Bà Tuyết có cảm giác nằng nặng trên ngực dù tấm đắp bằng vải xốp, nhẹ. Bà kéo tấm đắp ra khỏi người. Vẫn không thoát được cái cảm giác ngột ngạt như bị chốt giữ trong một không gian khó bề xê dịch. Cố nhắm mắt, bà vẫn biết rõ cái remote ti vi đặt trên đầu bàn, cách bà chỉ một cái với tay. Bà muốn bật ti vi, muốn nhìn hình, nghe tiếng nhưng lại sợ bà Kim giật mình.
Nằm im trong thinh lặng, bà Tuyết nghe rõ hơn những cơn gió rượt đuổi trên mái nhà, trên những tầng cao và tiếng sóng từ Biển Đông oàm oạp vỗ bờ. Một trăm năm nữa, một triệu năm nữa, vẫn là bản hòa âm cồn cào bất tận đó.
Bà Tuyết chợt nghĩ đến ông Nguyễn. Bà không nghĩ đến ông như nghĩ về một người đàn ông, một đối tượng còn có thể đem lại cho bà thứ cảm xúc luyến ái. Bà nghĩ đến một tâm hồn, một chỗ dựa tinh thần. Ông Nguyễn có thể chia sẻ với bà về cái cảm giác mong manh được mất của cuộc đời. Bà mở điện thoại, vào Facebook, nhìn lại tấm ảnh mà bà post lên mấy ngày trước. Tấm ảnh chụp hơn 30 năm trước, lúc bà đứng bên dòng thác tràn nắng với mái tóc dày, ngực căng tròn, nụ cười rạng rỡ. Nhan sắc quyến rũ đó nhận được hai trăm chín mươi lăm cái “like” và nhiều lời bình, toàn mỹ từ, có gã trai trẻ còn xin... được chết. Bất giác, bà muốn gọi cho ông Nguyễn. Nhưng rồi bà chợt nhớ đến người đàn bà đang nằm cạnh ông. Liệu người đàn bà đảm đang hạnh phúc ấy có thấu hiểu được nỗi khao khát được sẻ chia đang trồi lên đầy ứ, nơi bà?
Bà Tuyết thoát khỏi Facebook, tắt điện thoại rồi lại mở điện thoại. Do dự một hồi, bà cũng chọn được một cái tên để gởi tin nhắn: “Nếu còn thức, em lên sân thượng ngắm trăng với chị!”.
Ngàn nhận được tin nhắn của bà Tuyết lúc cô đang xem đoạn cuối bộ phim được chiếu trên kênh HBO. Dù đã xem bộ phim này đến lần thứ ba, Ngàn vẫn muốn xem cho đến hết. Cô nhắn lại: “Em đang xem phim!”. “Em cứ xem đi, chị chờ!”. Không thể để một người đàn bà nhiều tuổi và có vấn đề về tim mạch chờ trong khuya khoắt, Ngàn gọi lại: “Lên sân thượng nhiều gió lắm đó, chị!”. Bà Tuyết nói ngay: “Không sao, chị sẽ mặc đủ ấm. Em cũng mặc ấm nha!”.
Ngàn cầm remote. Cô chưa tắt ngay mà chờ cho nhiếp ảnh gia luống tuổi bấm cho người tình duyên dáng của mình những pô ảnh bên chiếc cầu có mái che nổi tiếng ở Madison. Ánh mắt, nụ cười, mái đầu nghiêng nghiêng, cả cái cách người đàn bà đang yêu đưa những bông hoa đồng nội lên ngực trước “tầm ngắm” người yêu. Cử chỉ nào cũng đắm đuối nồng nàn. Cử chỉ nào cũng khiến Ngàn ao ước. Bà Tuyết gọi lại: “Em đi thang bộ, đừng đi thang máy nha!”. “Sao vậy chị?”. “Lúc chị em mình đến nhà anh Nguyễn, có bốn người bị kẹt trong thang máy hơn nửa giờ đồng hồ. Có ông già không nhịn được nên tè luôn trong đó. Họ chưa kịp tẩy rửa nên mùi khai lắm”. Ngàn vội tắt ti vi, như sợ sự ô uế vấy bẩn vẻ đẹp tinh khiết của tình yêu.
Sau khi mặc vào người cái áo khoác và choàng vào cổ chiếc khăn dài, có thể quấn nhiều vòng quanh cổ và bỏ chai dầu gió vào túi áo, Ngàn theo lối thang bộ lên sân thượng.
Lúc bước từng bước lên cầu thang, Ngàn không còn nghĩ đến cặp tình nhân trên phim. Cô nghĩ tới sự cố thang máy xảy ra mấy giờ đồng hồ trước. Từ khá lâu, cô cũng như các thành viên khác khi tham gia trại viết ngắn ngày tại nhà sáng tác này, đều được biết thang máy “có vấn đề” và thường xảy ra sự cố, như thang máy đang chạy bỗng dừng hoặc khi dừng, cửa lại không mở được. Nỗi lo về sự bất trắc có thể ập đến cho bất cứ ai, luôn ám ảnh. Nhưng rồi, sự cố thang máy vẫn không được khắc phục. Các trại viên của các trại viết đều không có sự chọn lựa nào khác, trừ khi họ phải đi thang bộ. Tuổi cao, sức yếu, lê hết mấy chục bậc thang khá dốc, khó nhọc cũng chẳng khác gì trèo lên những nấc thang dẫn đến huyệt mộ.
Lên đến được nấc thang cuối, Ngàn thở dốc và vấp chân. Khi gượng đứng lên, cô thấy bà Tuyết tay vịn lan can, tay đưa cho Ngàn: “Chị thấy ân hận khi đày em giữa khuya khoắt thế này. Chị có gọi lại em, định bảo em xem phim đi nhưng em không nghe máy”. Ngàn nắm bàn tay bà Tuyết: “Em không mang điện thoại theo”.
Bà Tuyết cùng Ngàn lần theo ban công ra sân thượng. Hai người cùng ngồi vào chiếc ghế đá trơ trọi giữa một không gian không cây, không hoa và nếu dưới ánh sáng ngày, sẽ thấy rõ nhiều vết nứt, tường vôi tróc lở rải rác khắp hành lang bao bọc quanh sân thượng.
Dưới ánh sáng mờ mờ từ những ngọn đèn cao áp giăng giăng theo dãy đèn đường, chỉ có gió, tiếng sóng và những ngôi sao nhấp nháy trên bầu trời. Vầng trăng cũng đã khuất đâu đó sau những tòa cao ốc. Ngồi bên nhau một lúc, bà Tuyết mới lên tiếng: “Rủ em lên đây ngắm trăng mà trăng đâu không thấy”. Ngàn muốn nói, chị em mình thấy nhau là được rồi, nhưng khi nói thành lời chắc nghe sến rện, nên cô làm thinh. Bà Tuyết lại hỏi: “Ờ, mà em đang xem phim gì vậy?”. “Phim Những cây cầu quận Madison, đó chị!”. Cơn gió thốc mạnh vào mặt, vào người. Bà Tuyết cho hai tay vào túi áo khoác, thu người lại: “Chị xem bộ phim đó đến thuộc cả lời thoại. Nhiều lúc, chị nhận ra người đàn bà yêu và được yêu đó cũng chính là chị”.
“Yêu và được yêu...”, Ngàn bỏ lửng câu nói. Một cảm giác chưa rõ ràng, vừa ngưỡng mộ, vừa có chút gì đó ghen tị trước tình yêu vẫn tròn đầy trong giọng nói của người đàn bà đã bước sang tuổi thất thập. “Nghe chị nói, em có cảm giác như chị đang thấy lại tình yêu của mình?”. Bà Tuyết rút tay ra khỏi túi áo, vỗ nhè nhẹ chỗ trái tim: “Không phải thấy lại đâu em, mà lúc nào nó cũng ở chỗ này này”. Ngàn hít vào lồng ngực cả mùi gió biển: “Có một tình yêu để lưu giữ, chị thật hạnh phúc”. Bà Tuyết kéo hai vạt áo khoác vào nhau: “Nhưng nhiều lúc nó cũng khiến chị khốn đốn. Nó án ngữ. Nó không cho chị xê dịch. Nó cầm tù chị...”.
Ngước nhìn một vì sao xanh vừa rời khỏi bầu trời, rụng xuống đâu đó giữa thinh không, bà Tuyết thì thầm: “Giá như người đàn ông chị yêu không bị buộc ràng như anh chàng nghệ sĩ nhiếp ảnh lãng tử trong phim mà em vừa xem. Và... giá như... người đàn ông đó là cha của các con chị...”.
Rồi, bà Tuyết kéo Ngàn về thực tại: “Theo em, chị có nên bán ngôi nhà với mảnh vườn để mua căn hộ ở gần anh chị Nguyễn, và sống quãng đời còn lại ở nơi này?”.
Câu hỏi có lẽ không hẳn để nghe câu trả lời. Ngàn cười: “Chị đang mơ mối tình cuối đời bên bờ biển, mơ cùng chàng lò dò đếm hang dã tràng phải không?”. Giọng bà Tuyết không vui: “Tình tứ gì ở cái tuổi tàn này hả em? Cái ý định về sống bên bờ biển để gần bạn bè tự dưng lại trỗi dậy sau khi chị em mình ngắm trăng bên giàn khổ qua rừng...”. Ngàn xen vào: “Nhưng ở đây, ở thành phố biển này, liệu chị có quên được tiếng chim hót trong khu vườn của mình?”.
Trong giây lát, bà Tuyết chợt quên tiếng sóng, quên ánh trăng chìm khuất, quên giàn khổ qua rừng mượt xanh trên ban công tầng 15, quên người đàn ông cầm iPad sờn vỏ, lọ mọ chụp hình xóa hình, quên vị nhẫn đắng của tách trà khổ qua... Phải rồi, làm sao bà có thể rời xa âm thanh véo von mỗi ngày.
Một trong nhiều loài chim hội tụ trong vườn, bà Tuyết dễ dàng nhận ra tiếng hót của chim bách thanh. Ngày vượt Trường Sơn, cô nhạc sĩ trẻ mê mẩn loài chim có tiếng hót lảnh lót vút cao làm nên giai điệu vừa hư vừa thực vừa xốc con người đứng dậy, bước tiếp. Ngày ấy, cô gọi loại chim có tiếng hót đặc biệt ấy là chim “Thương lắm mà”, đúng với thanh âm nó thường cất lên. Ngày ấy và cho đến bây giờ, bà Tuyết vẫn thường ngồi hàng giờ lắng nghe và ký âm tiếng hót của chim “Thương lắm mà” lên trang giấy. Âm thanh của Thương lắm mà ngày ấy và âm thanh của Bách thanh bây giờ tràn vào nhạc, vào thơ của bà.
Bà Tuyết thì thầm: “Phải rồi, chị luôn có cảm giác là tiếng hót lảnh lót của những con chim Bách thanh kết lại thành chuỗi ngọc. Chuỗi ngọc âm thanh đó như từ trên trời rơi xuống. Và hình như, mỗi ngày, chị lại nhận được quà tặng từ trời xanh”.
Ngàn ngước nhìn bầu trời thẫm đen. Những vì sao cũng đang chuyển dịch. Hình như chúng cũng kết thành chuỗi ngọc...
* Thân tặng nhạc sĩ Trương Tuyết Mai
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.