Chuyện dài "bể sô"

12/11/2006 21:47 GMT+7

Mùa mưa, sô ca nhạc ngoài trời bị "bể" đã đành, nhưng ngày nắng mà cũng "bể sô" thì nhà tổ chức chắc chắn sẽ bị lên án là thiếu tôn trọng khán giả, thiếu chuyên nghiệp. Biết vậy, nhưng sô cứ "bể" dài dài... >> Người tổ chức phải trung thực >> Phải thực hiện đúng những cam kết với khán giả

Trừ chương trình ca nhạc truyền hình trực tiếp, rất ít sô diễn mở màn đúng với giờ ghi trên vé. Chính vì vậy, tâm lý chung của khán giả khi đi xem là "đừng đi đúng giờ, vô ngồi chờ mất công". Riêng các sô ở tỉnh thường bị diễn trễ vì người hâm mộ không chịu mua vé khi chưa thấy xe của thần tượng vào cổng (họ sợ nhà tổ chức "treo đầu dê bán thịt chó"). Còn BTC nếu thấy các khán đài chưa kín chỗ thì nấn ná "chờ thêm chút nữa".

Sô trễ nhất đến nay có lẽ là chương trình của Công ty TNHH Sao Đêm vào ngày 6.9.2006 tại tỉnh Hậu Giang, kết thúc lúc gần 2 giờ sáng hôm sau! Vừa qua, cũng vì mở màn trễ, lại thêm sự cố mất điện tại Sân vận động Thái Nguyên nên Đoàn nghệ thuật Sao Đêm (Hải Dương) mới "nếm mùi cay đắng" trong sự nghiệp tổ chức biểu diễn. Dù được đền bù bằng đêm diễn khác vào 22.11, nhưng liệu khán giả có còn hứng thú để xem khi dấu ấn chẳng mấy tốt đẹp đã hằn quá sâu trong tâm trí họ ? Cách đây không lâu, hơn 20 ngàn khán giả tại Sân vận động Quân khu 7 (TP.HCM) cũng hụt hẫng khi không thấy Mỹ Tâm biểu diễn trong đêm nhạc của Bi-Rain, trong khi trước đó tên tuổi các ca sĩ được quảng bá rầm rộ. 


Ai cũng ý thức được trách nhiệm nghề nghiệp thì mới mong khắc phục tình trạng "bể sô" - Ảnh: N.V

Trước đây, Ưng Hoàng Phúc từng nhận "án treo... hát" 6 tháng ở Hải Phòng do "bể sô". Chỉ vì muốn được xuất hiện từ phía khán giả đi lên, nhưng ban tổ chức yêu cầu ca sĩ ra thẳng sân khấu mà Ưng Hoàng Phúc bỏ hát, dù MC gọi tên 3 lần, nhạc đã nổi lên, khán giả và cả màn ảnh truyền hình trực tiếp đang chờ. Chưa xét đến chuyện đúng sai, mà cái chính là thiệt hại cho ca sĩ khi hình ảnh của họ  bị méo mó trong suy nghĩ của công chúng.

Sự kiện Bi-Rain cùng công nghệ tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp của nước bạn khiến các nhà tổ chức và ca sĩ ta bị choáng ngợp. Chưa tính đến mặt công nghệ (sẽ rất khập khiễng khi so sánh), chỉ riêng về ý thức tổ chức và biểu diễn, nếu người tổ chức, bầu sô và ca sĩ có trách nhiệm với nghề nghiệp thì những vụ bể sô hoàn toàn có thể khắc phục. Chẳng hạn như, sẽ không có đêm kinh hoàng trên Sân vận động Thái Nguyên nếu ban tổ chức chuẩn bị đầy đủ máy nổ dự phòng. 

Về phía ca sĩ, bệnh ngôi sao, bệnh "giờ dây thun" và bệnh "ôm đồm" lâu nay được báo chí thường xuyên phản ánh, công chúng bức xúc. Lẽ nào họ không biết ban tổ chức, đạo diễn chương trình lo lắng thế nào khi gần đến giờ diễn vẫn chưa thấy mặt ca sĩ đâu? Lẽ nào họ không lường được phản ứng của khán giả khi "bể sô", để rồi mỗi lời xin lỗi sau đó cũng đồng nghĩa với tình cảm khán giả dành cho mình bị giảm theo? Không chỉ vậy, có những lý do dẫn đến bể sô xuất phát từ suy nghĩ hết sức trẻ con, như tên mình không được đặt đúng vị trí, thứ hạng trong băng-rôn quảng cáo...

Cuối năm, mùa chạy sô đến gần, kéo theo đó là nguy cơ bể sô tiếp diễn...

Người tổ chức phải trung thực

Ca sĩ Nguyên Vũ: "Vụ Thái Nguyên vừa rồi, mặc dù tôi không được mời nhưng nghe một số bạn bè kể lại là họ vẫn cho treo tên tôi. Tôi nghĩ người tổ chức chương trình phải trung thực, đàng hoàng với khán giả. Làm ăn gian dối theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”, khán giả sẽ cảm thấy bị lừa dối, nên sự phẫn nộ của họ cũng là điều dễ hiểu.

Thường mỗi khi có sô, tôi phải hỏi kỹ càng rồi mới tham gia. Tôi cũng chỉ chọn những nhà tổ chức có uy tín, công ty làm ăn đàng hoàng. Chỉ buồn là những người làm ăn thiếu uy tín, lâu lâu nhảy ra làm bầu một cách cẩu thả, không những xảy ra những tai nạn cho họ mà còn làm ảnh hưởng đến những người làm ăn đàng hoàng khác".

Bà Lê Trinh - Giám đốc Công ty Babi: "Trong những chương trình chúng tôi tổ chức, nếu ca sĩ đến trễ mà có lý do, có thông báo trước thì chúng tôi cũng tìm cách giải quyết. Nhưng nếu họ trễ mà còn có thái độ không tôn trọng nhà tổ chức biểu diễn thì buộc lòng chúng tôi phải cắt tiết mục để đảm bảo cho buổi diễn xuyên suốt.

Có trường hợp ca sĩ có tên trong chương trình nhưng không được hát vì không tham gia buổi diễn phúc khảo thì chúng tôi cũng cho thông báo trực tiếp với khán giả và thay thế vào đó là một ca sĩ khác.

Chúng tôi cũng không ngại việc đụng chạm với các ngôi sao, bởi vì cảm thấy ngôi sao nào đó làm việc không chuyên nghiệp, không có thái độ tôn trọng nhà tổ chức... thì lần sau chúng tôi sẽ không mời nữa, thế thôi".

Th.An  (ghi)

Phải thực hiện đúng những cam kết với khán giả


Ảnh: U.L

Quản lý địa bàn có nhiều nghệ sĩ, ca sĩ nhất, Sở Văn hóa - Thông tin (VHTT) TP.HCM không ít lần phải tiếp nhận những công văn từ các Sở VHTT địa phương khác phản ánh tình trạng "bể" sô, chậm sô của các ca sĩ, bầu sô TP.HCM. Về cách giải quyết tình trạng này trong tương lai, bà Nguyễn Thế Thanh (ảnh) - Phó giám đốc Sở VHTT TP.HCM nói:

- Khi cấp phép cho các đơn vị tổ chức đến tỉnh khác biểu diễn, chúng tôi yêu cầu họ phải có báo cáo tường trình lúc trở về. Nếu có sự việc xảy ra, chúng tôi sẽ mời phía tổ chức đến để trao đổi, nếu họ còn có những vướng mắc chưa thể giải trình hết thì chúng tôi sẽ yêu cầu họ trở lại Sở VHTT tỉnh đó để làm việc tiếp. Còn nếu đơn vị tổ chức đã nhận lỗi thì chúng tôi sẽ có biên bản cảnh báo, nhắc nhở, nhưng sau đó vẫn tiến hành cấp phép những chương trình khác một cách bình thường.

Những vi phạm như thế này trước đây vẫn chưa có những quy định nào hướng dẫn xử phạt về mặt vật chất. Hơn nữa, không phải bầu sô, ca sĩ nào cũng "sợ" phạt tiền nên chúng tôi dự đoán hình thức chế tài này sẽ không mang tính răn đe cao. Hiện chúng tôi đang nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật hiện có để hướng đến cách giải quyết: Trường hợp đơn vị tổ chức nào đã bị cảnh cáo, kiểm điểm mà vẫn lôi thôi thì chúng tôi sẽ có công văn đề nghị cơ quan có thẩm quyền cho chúng tôi quyền từ chối cấp phép, với lý do những đơn vị này không đủ năng lực tổ chức biểu diễn.

* Tình trạng "bể" sô, chậm sô đã dẫn đến những phản ứng của khán giả ở nhiều nơi. Ở góc độ là nhà quản lý, bà đánh giá sự việc trên như thế nào?

- Vấn đề ở chỗ các nhà tổ chức không tự giác, có hành vi lừa dối khán giả về giờ giấc biểu diễn, ca sĩ vắng mặt... Tôi cho rằng phản ứng của phía khán giả trong các trường hợp này là rất chính đáng, trừ những trường hợp vi phạm pháp luật mà thôi.

Chúng tôi cũng không đồng ý với cách giải thích của nhiều bầu sô rằng vì có nhiều hợp đồng nên xảy ra tình trạng "bể" sô, chậm sô. Bởi vì biểu diễn nghệ thuật là một loại hình kinh doanh thì họ phải đặt chữ tín lên hàng đầu, thực hiện đúng những cam kết với khán giả. Còn nếu họ không bảo đảm được điều đó, buộc lòng chúng tôi sẽ có biện pháp để vừa bảo vệ quyền lợi khán giả, vừa giữ được kỷ cương pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.  

Q.Thi (thực hiện) 

Nguyên Vân

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.