Chuyện ít biết về Sài Gòn xưa: Cuộc đấu giữa cọp và voi

11/08/2016 06:35 GMT+7

So với John White, bác sĩ - nhà thiên nhiên học George Finlayson có cảm tưởng tốt đẹp về Sài Gòn và con người ở đó.

Finlayson nằm trong phái bộ ngoại giao Anh (đến Xiêm và Đàng Trong năm 1821), trong khi John White chỉ là thuyền trưởng tàu thương mại Mỹ đến Sài Gòn để buôn bán, nên sự tiếp đãi và đối xử có khác nhau.
Finlayson đã viết hồi ký về chuyến đi. Sau khi ông mất trên đường trở về Anh, quyển hồi ký được lưu lại trong viện bảo tàng của Công ty Đông Ấn cho đến khi được in và xuất bản vào năm 1826.
Trong thời gian ở Sài Gòn, Finlayson đã được chứng kiến cuộc đấu giữa cọp và voi do Tổng trấn Lê Văn Duyệt ra lệnh tổ chức. Ông thuật lại trong hồi ký: “Ở trước điện là một cái chuồng nhốt một con cọp rất lớn, mà ngài tổng trấn đã ra lệnh bắt để ngài có thể triển lãm cho chúng tôi thấy một cuộc giao đấu giữa con vật hung dữ nhất trong các loài vật, với một con voi. Chúng tôi được hỏi là liệu cảnh tượng của cuộc đấu voi và cọp này có hợp với chúng tôi không, sau khi nhận được trả lời là đồng ý, ngài tổng trấn ra chỉ thị sửa soạn bắt đầu cuộc đấu.
Ở ngay giữa một đồng cỏ dài khoảng nửa dặm, và chiều ngang cũng dài như vậy, có chừng khoảng sáu chục hay bảy chục con voi rất đẹp mắt, đứng xếp thành vài hàng, mỗi con voi có một quản tượng ngồi trên đầu điều khiển và một ghế trống trên lưng voi.
Ở một bên khán đài có các ghế ngồi được xếp đặt thuận lợi; tổng trấn, các quan và nhiều binh lính đều có mặt xem cảnh đấu voi - cọp này. Ở phía bên kia là đám đông khán giả. Con cọp được cột vào một cây cột đặt giữa cánh đồng, bằng một sợi dây chắc nịch buộc chung quanh lưng của nó. Chẳng bao lâu chúng tôi nhận thấy cuộc đấu này rất không cân bằng; các móng vuốt của con vật tội nghiệp này đã bị rút ra và hai môi của nó đã bị khâu lại bằng chỉ chắc, không cho nó mở miệng ra được... Khi được thả ra khỏi chuồng, nó cố gắng nhảy qua cánh đồng nhưng khi biết mọi cố gắng tự giải thoát đều vô ích, nó nằm dài xuống cỏ, và khi thấy con voi lớn với ngà dài tiến đến, nó đứng dậy và đối diện với hiểm nguy đang tới...
Điểm lý thú của cuộc chiến bắt đầu khi con cọp nằm dài dưới đất như là đã chết, nhưng dường như nó không có bị suy suyển gì mấy, bởi vì trong lần tấn công kế tiếp nó đứng dậy trong dáng điệu phòng thủ, và khi con voi sửa soạn húc nó lên, nó phóng vào trán con voi, hai chân sau bám chặt vào vòi voi. Con voi bị thương trong cuộc tấn công này, và quá sợ nên nó chạy qua các chướng ngại vật rồi biến mất. Người quản tượng coi như là không hoàn thành nhiệm vụ, chẳng bao lâu sau với hai tay trói buộc sau lưng được mang tới trước mặt tổng trấn, và ngay tại chỗ bị đánh 100 roi phạt tội.
Một con voi khác được mang ra, nhưng con cọp chống cự yếu dần sau mỗi lần tấn công kế nhau. Rõ ràng các lần bị quăng ra xa chẳng bao lâu sẽ làm nó chết. Tất cả các con voi mang ra đấu đều có ngà, và phương thức tấn công ở mọi lần của các con voi kế tiếp là chạy đến con cọp dùng ngà húc phía dưới rồi nâng lên, và quăng ra xa...”.
Cuộc đấu giữa cọp và các con voi chắc chắn là xảy ra ở phía ngoài, sát cạnh thành Sài Gòn vì đồng cỏ nơi diễn ra trận đấu có chiều dài và ngang khoảng nửa dặm và thành Sài Gòn cũng lớn bằng cánh đồng cỏ này. Khả năng lớn là cánh đồng cỏ này chính là cánh đồng tập trận ở phía tây kế thành Sài Gòn và cạnh cánh đồng mả.
Đàn bà đảm nhận việc cực nhọc
Cũng trong hồi ký, Finlayson mô tả khu chợ ở Bến Nghé như sau: “Những sản phẩm mà người bản xứ dùng đều có rất nhiều ở mọi cửa hàng. Có lẽ không có nước nào sản xuất nhiều trầu hay cau như nơi này. Cá, gạo, khoai lang chất lượng rất tốt; ngô bắp Ấn Độ (Indian corn), măng (tre) đã được nấu chín; gạo, đường thô, chuối lá, cam, bưởi, mãng cầu, lựu và thuốc rất nhiều. Heo được bán ở tất cả các cửa tiệm, và gà trong tình trạng tốt đều bán rất rẻ. Thịt cá sấu rất được chuộng, và người thông ngôn Hoa kiều của chúng tôi nói rằng ở đây cũng có bán thịt chó”.
Finlayson nhận xét rằng ở Sài Gòn cũng giống như ở Xiêm La, những nghề và các việc cực nhọc đều là do những người đàn bà làm, và các ghe tàu trên sông thông thường do những người đàn bà chèo lái. Ông đã bày tỏ sự ngạc nhiên trước một thông lệ mà ông cho là bất công: “Chỉ bắt đàn bà trả tiền khi đò ghe chở khách qua sông rạch còn đàn ông đưa qua thì không tốn tiền. Lý do biện hộ cho thông lệ này là đàn ông tất cả đều được tuyển dụng làm dịch vụ cho nhà vua. Rất là đáng tiếc, khi thấy rằng một số rất lớn đàn ông ở nước này được sử dụng trong những nghề hoàn toàn không giúp ích, sản xuất gì cho xứ sở, cũng như gây thiệt hại cho kỹ nghệ quốc gia. Tất cả mọi viên quan dù nhỏ bé cũng đều có nhiều người hầu hạ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.