Chuyên thi hát cải lương - Mong cơ hội đổi đời

14/06/2012 10:38 GMT+7

Cải lương không bạc đãi ai, cũng không ưu ái một ai, muốn thành công phải có tâm và tài.

>> Chuyên thi hát cải lương!

Nghề nào cũng có người giỏi, người dở, người thành công, người thất bại. Ngay cả đi thi ca cổ chuyên nghiệp cũng vậy, có người thất bại, quay về cuộc mưu sinh hằng ngày, có người có ý chí, gặp cơ may “bật” lên được và không còn phải khăn gói chạy hết cuộc thi này đến cuộc thi khác.

Thoát vòng luẩn quẩn

Kiên nhẫn, nhiệt tình, có năng khiếu, biết nắm bắt cơ hội, thêm  một chút may mắn là có thể thoát  “kiếp”  thí sinh. Dẫu rằng con số này không nhiều nhưng vẫn đủ an ủi những ai đam mê cải lương, mong cơ hội đổi đời từ năng khiếu bản thân.                                     

Nguyễn Thị Luận, Võ Thanh Tiền, Nguyễn Hoàng Hải, Nguyễn Thị Diễm Kiều, Nguyễn Chí Luông, Từ Ngọc Nhung, Lê Trung Khánh... là những người trẻ may mắn thoát khỏi “nghiệp”  đi thi chuyên nghiệp, có cơ hội biến ước mơ thành hiện thực.

 Chuyên thi hát cải lương - Mong cơ hội đổi đời - nd
Ba thí sinh đoạt giải cao Giải  Nguyễn Thành Châu lần 4-2012 - Ảnh: Thanh Hiệp

Nguyễn Hoàng Hải, quê ở Tây Ninh, là cháu của một ông bầu gánh hát đã rời nghiệp nhiều năm, năng khiếu ca cổ cho Hải niềm tin để dự nhiều cuộc thi văn nghệ cấp xã, cấp huyện. Một lần, anh xem sơ tuyển giải Chuông vàng vọng cổ 2009 tại rạp Hưng Đạo, đọc được bảng thông báo tuyển sinh lớp diễn viên trẻ của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, thế là nộp đơn dự thi lớp đào tạo diễn viên này. May mắn, Hải được làm học trò của NSND Bạch Tuyết, NSND Thanh Hải, đạo diễn Tuấn Phương… Và sau nhiều lần qua lại các cuộc thi, Hải thành công với mùa giải Nguyễn Thành Châu 2012.                         

Tương tự, Nguyễn Thị Luận, quê ở An Giang, quanh năm canh các cuộc thi tuyển sinh để đi thi. Nơi nào có ca hát, dù giải thưởng chỉ là một bộ áo dài, Luận cũng tham gia. “Tôi đi thi nhiều đến mức ban tổ chức không cần thấy mặt, chỉ nghe điện thoại là tự động ghi tên họ, địa chỉ, quê quán, sau đó cấp số báo danh rồi ghi tựa bài ca cổ tôi sẽ dự thi vòng sơ kết” - Luận kể.

NSƯT Diệu Hiền chuyên làm giám khảo các cuộc thi nên hôm Nguyễn Thị Luận đoạt giải 3 giải Nguyễn Thành Châu 2012, xem qua truyền hình, bà vui mừng: “Như vậy cô bé Luận đã thoát khỏi cái nghiệp đi thi, có thể tự tin làm diễn viên rồi”. Ngay khi kết thúc mùa giải Nguyễn Thành Châu, Luận được Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang nhận vào Đoàn 1, đổi nghệ danh Thoại An.

Cùng niềm vui chung, Võ Thanh Tiền, Nguyễn Thị Diễm Kiều sau nhiều lần thi giải Chuông vàng vọng cổ, Bông lúa vàng… được Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang trọng dụng. Từ Ngọc Nhung phấn đấu đoạt HCV giải Trần Hữu Trang 2003, nay là đào chánh của Nhà hát Cải lương Tây Đô. Lê Trung Khánh rời các cuộc thi mà giải cao nhất chỉ ở vòng tốp 10, nay đã được Đoàn Cải lương Văn công Đồng Tháp nhận vào đào tạo...

Rõ ràng nếu thí sinh nào đến các cuộc thi bằng suy nghĩ kiếm danh, kiếm tiền thì chắc chắn khó thành công.

Nỗ lực “chắp cánh”

“Thế hệ chúng tôi vào nghề bằng năng khiếu, rồi tự học là chính. Được hãng đĩa phát hiện, mời thu âm, đĩa bán chạy, được bà con thương, sau đó các sân khấu mời về hát. Nghề dạy nghề cứ tấn tới theo năm tháng. Ngày nay, sàn diễn, hãng đĩa không còn làm công việc phát hiện. Các hội thi, giải thưởng tuyển chọn chính là nơi để các tài năng có điều kiện tự giới thiệu mình. Nhưng không ai chắp cánh cho nghề bằng chính nỗ lực của bản thân. Còn các giải thưởng vinh danh chỉ là bước khởi đầu” - NSND Ngọc Giàu chia sẻ.

Ngoài nỗ lực tự thân của những thí sinh đam mê ca hát, các đơn vị tổ chức thi cũng cố gắng hỗ trợ thí sinh bằng nhiều cách. Tác giả Lê Duy Hạnh,  Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, cho biết:  “Thành ủy TPHCM cho phép Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang liên kết đào tạo với Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM sau 15 năm gián đoạn là một lối mở giúp nhà hát này tuyển chọn được lớp học viên trẻ có năng khiếu bước ra từ các cuộc thi ca cổ để đào tạo. 40 học viên của khóa đào tạo hiện nay là những thí sinh đã có nhiều giải thưởng từ các cuộc thi ca cổ ở ĐBSCL” .                                 

Theo ông Lê Duy Hạnh, những bạn trẻ đó không sống bằng nghề đi thi, không chủ trương tìm đến các cuộc thi vì tiền mà hướng đến việc tích lũy cho nghề những kinh nghiệm. Sau 3 năm học tập, ngày 25-6 tới đây, lớp diễn viên trẻ này sẽ tốt nghiệp, ra làm nghề. 2/3 trong số họ đều được giới chuyên môn đánh giá cao qua mùa giải HCV Trần Hữu Trang lần thứ 11 – 2011.

Ông Phan Quốc Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, cho biết: “Chúng tôi nỗ lực tạo điều kiện để chắp cánh cho các diễn viên trẻ vào nghề. Sau khi dự thi tốt nghiệp với 2 kịch bản Khói sóng tiêu tương (Hà Triều, Hoa Phượng) và Sáng mãi niềm tin (Lê Duy Hạnh), các em sẽ được tuyển vào 3 đoàn của nhà hát, chính thức trở thành diễn viên của đoàn”.

Cải lương không bạc đãi ai, cũng không ưu ái một ai, muốn thành công phải có tâm và tài. Nếu có năng khiếu nhưng chỉ sử dụng chúng như công cụ mưu sinh, không trau dồi, phát triển nó bằng tình yêu dành cho sân khấu, niềm đam mê cháy trong tim thì khó thành công.

Theo Thanh Hiệp / Người Lao Động

>> Những chuyện cười ra nước mắt
>> Một ngày theo chân cascadeur
>> Liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc VN
>> Đờn ca tài tử ở Phú Quốc
>> Giờ thứ 9 - Hát giữa yêu thương
>> Thời niên thiếu ở Phnom Penh
>> Giữ hồn sân khấu
>> Kịch Lôi Vũ lưu diễn tại Mỹ
>> NSƯT Công Thành từ trần
>> Từ Bến xuân đến Cô láng giềng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.