Chuyện về những thầy phù thủy - Kỳ 3: 25 năm làm bạn với voi

12/01/2012 00:31 GMT+7

Nhỏ bé, giọng lơ lớ của người Hoa nhưng Cẩm Minh (Tchiu Cửu Chảy) lại có tâm hồn rất Việt. Tôi bất ngờ khi biết anh đã có hơn 40 năm lăn lộn với nghề.

>> Kỳ 2: Ông trùm khăn con rắn

Nhỏ bé, giọng lơ lớ của người Hoa nhưng Cẩm Minh (Tchiu Cửu Chảy) lại có tâm hồn rất Việt. Tôi bất ngờ khi biết anh đã có hơn 40 năm lăn lộn với nghề.

Con của nghệ sĩ xiếc Miến Điện

Bước sang tuổi 52, anh buồn, lặng lẽ rút lui khỏi sân khấu, nhà bạt để làm công tác chăm sóc y tế cho diễn viên Đoàn xiếc TP.HCM tại Công viên 23.9. “Muốn diễn nữa cũng chẳng thể vì sức khỏe không cho phép. Cột sống cứ đau nhức suốt, phản xạ đâu còn như xưa, chỉ sơ sẩy một chút thôi là có thể tàn tật hoặc mất mạng”, Cẩm Minh tâm sự.

Cha Cẩm Minh, ông Mạch Tín, sinh ra tận Miến Điện. Mới mười tuổi đầu, ông Mạch Tín vào làm công nhân cho một đoàn xiếc của Anh. Sau đó thấy ông sáng dạ, nhiều nghệ sĩ dạy ông kỹ năng xiếc. Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, cùng với đoàn người di tản, ông lưu lạc qua tận Thượng Hải (Trung Quốc) và lập nghiệp ở đây được 6 năm.

Số phận run rủi đưa ông Mạch Tín cùng những người bạn một lần nữa sống lưu vong. Họ quyết định sang Sài Gòn thử thời vận. Nhóm xiếc của ông đóng đô tại Đại Thế Giới (nay là Trung tâm văn hóa Q.5, TP.HCM). “Thời đó người dân Sài Gòn - Chợ Lớn gọi nhóm của ba tôi là “Xèn Hổi Lũ” tức “Mấy ông Thượng Hải”. Những trò đu bay, nhào lộn, chồng người… do nhóm ba tôi biểu diễn luôn được hoan nghênh”, anh Cẩm Minh kể.

Một thời gian sau, chàng trai Mạch Tín phải lòng cô gái hát Quảng (người Hoa) cũng diễn tại Đại Thế Giới. Họ thành thân và có với nhau 8 người con, 4 trai, 4 gái, anh Cẩm Minh là con trai áp út. Mới 4 tuổi, anh được cha truyền nghề, tập những trò như giữ thăng bằng, nhào lộn, chồng ghế… 11 tuổi, anh theo cha đi diễn khắp nơi. Gánh xiếc gia đình anh rong ruổi cả miền Nam và đặc biệt diễn nhiều trong các vũ trường, nhà hàng, khách sạn nổi tiếng Sài Gòn thời đó như Maxim, Majestic…

Cẩm Minh nhớ mãi hình ảnh cha già gân guốc, đứng tấn chịu trận cho 8 đứa con lần lượt xếp chồng lên thành tháp người cao vút. “Sau này chính tôi diễn lại màn đó mới thấu hiểu sức chịu đựng của cha. Đằng sau tiếng hò reo của khán giả là cả nước mắt ngậm ngùi, nỗi nhọc nhằn làm nghề vì miếng cơm manh áo. Đời nghệ sĩ vinh quang đâu chẳng thấy, bao quanh tuổi thơ tôi là những màn biểu diễn đầy nguy hiểm có thể tàn tật suốt đời hoặc mất mạng như chơi. Vậy mà cái máu diễn cứ chảy mãi, thôi thúc mình bước ra sân khấu”.

Nghỉ hưu non cùng với voi

Sau ngày 30.4.1975, Cẩm Minh gia nhập Đoàn ca múa xiếc Ngọc Giao rồi Sông Hồng. Năm 1978-1980, anh là diễn viên cho Đoàn Tiếng ca sông Hậu, sau đó đầu quân về Đoàn xiếc Tuổi Trẻ (tiền thân của Đoàn xiếc TP.HCM ngày nay).


Cẩm Minh (trái) và voi Ny đang biểu diễn - Ảnh: Nhân vật cung cấp 

 
Diễn viên xiếc Cẩm Minh - Ảnh: Đ.T 

Khán giả yêu xiếc biết đến Cẩm Minh qua các tiết mục: đu bay, thăng bằng đôi, vòng treo nghệ thuật, xà đơn trên đùi, chồng ghế… nhưng độc đáo nhất vẫn là phần biểu diễn với chú voi Ny, hơn 25 năm tuổi, nặng 3 tấn.

Nhắc đến đàn thú, Cẩm Minh nặng lòng: “Hơn 40 năm theo nghề giờ nhìn lại tôi thấy sao hẩm hiu quá. Thú của Đoàn xiếc TP.HCM ngày càng teo tóp, chỉ còn vài con chó. Voi Ny gắn bó với tôi suốt 25 năm dài, cuối năm nay phải cho vào Thảo Cầm Viên vì đoàn không đủ khả năng nuôi dưỡng nó. Để duy trì đàn thú buộc phải có cơ ngơi, chuồng trại. Đằng này chúng tôi nuôi chúng giữa sân, bị bó buộc như cầm tù, những con thú không điên là may lắm rồi. Nhất là đến thời kỳ động dục, không có con đực hay cái để phối ngẫu, chúng trở nên cực kỳ nguy hiểm. Rồi còn tiền chữa trị bệnh, bác sĩ thú y thăm khám sức khỏe, tiền thức ăn cho đàn thú mỗi tháng ngốn hàng mấy chục triệu đồng. Chi phí đó đoàn không kham nổi”.

Là người quản tượng kiêm “thầy” dạy voi, anh Cẩm Minh cho biết voi Ny rất tình cảm, biết phân biệt người quen và lạ. “Hằng ngày tôi chăm sóc, cho ăn, tắm rửa nên nó thân thiện với tôi lắm. Xiếc mà không còn thú thì còn gì buồn hơn. Nhà hát xiếc nói hoài chẳng thấy. Cả thành phố gần chục triệu dân không có đến một nhà hát xiếc thì thử hỏi bộ môn nghệ thuật này lấy cơ may đâu mà phát triển?”.

Anh thổ lộ diễn viên xiếc ngày càng ít chịu diễn những tiết mục lớn, dàn dựng đầu tư cao vì thù lao không bao nhiêu mà tập luyện rất lâu, có khi 6 tháng đến cả năm. Trong khi nếu diễn trò nhỏ thì dễ chạy sô, thu nhập khá hơn lại ít bị chấn thương.

Năm 2011, Cẩm Minh giã từ sân khấu cũng là năm voi Ny bị đưa về Thảo Cầm Viên. Anh cười thú nhận mình và voi có chung số phận, khác chăng giờ đây anh đang bị chứng đau cột sống hành hạ sau 40 năm lăn lộn với nghề. Nỗi đau đó, với anh chẳng thấm vào đâu so với sự lạnh nhạt, vô cảm - thứ mà những nghệ sĩ xiếc như anh đang nhận lấy. Vậy mà khi con trai có ý định theo nghiệp bố, anh gật đầu cái rụp. “Vài tháng nữa nó tốt nghiệp Trường Xiếc trung cấp Hà Nội. Tôi đã dạy nó những động tác cơ bản của nghề từ năm 4 tuổi. Giờ nó sắp theo nghề của ông nội, tôi vui lắm nhưng rồi chợt buồn. Con đường xiếc chật hẹp, tăm tối tiếp tục đón nó như đã đón tôi cách đây hơn mấy mươi năm”.

Nghệ sĩ xiếc Cẩm Minh từng nhận giải nhì (1987) tiết mục tạo hình nghệ thuật do Bộ VH-TT cấp. Huy hiệu VH-TT 1975-1990 do Sở VH-TT TP.HCM cấp năm 1990... Giấy khen do UBND TP.HCM, Sở VH-TT TP.HCM, Đoàn xiếc TP.HCM cấp vì những đóng góp cho nghệ thuật xiếc thành phố từ những năm 1991 đến nay.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.