Cổ động cũng cần bản sắc!

30/01/2010 10:28 GMT+7

(TNTT>) Dân Việt là một trong những dân tộc cuồng nhiệt đối với bóng đá. Không ít người nước ngoài khi đến VN cảm thấy sửng sốt trước tình yêu bóng đá của người hâm mộ nước ta. Nhưng chính tình yêu bóng đá "máu lửa" ấy cũng hàm chứa và kéo theo nhiều chuyện bất ổn...

Mỗi khi đội tuyển quốc gia chuẩn bị bước vào một trận đấu lớn, nhiều người hâm mộ đợi chờ đến mất ăn mất ngủ, xếp hàng liên tục cả ngày trời, sẵn sàng chịu tốn kém vô lý để kiếm bằng được tấm vé vào sân.

Những ai có mặt trên khán đài sân Hàng Đẫy trận bán kết Tiger Cup 2008 gặp Thái Lan, hay  những trận đấu trên sân Mỹ Đình ở Asian Cup 2007 có lẽ chẳng thể nào quên hình ảnh những sóng người nối tiếp nhau như bất tận. Và phóng viên nước ngoài những giây phút ấy lia máy về khán đài còn nhiều hơn là theo dõi những pha bóng ở trên sân. Đó chính là bản sắc. Đó chính là một trong những nét đẹp mà nhiều người nước ngoài khẳng định họ chưa từng được thấy trên đất nước của mình.

Những ai có mặt trên đất Lào ở SEA Games 25 vừa qua mới thấy được tinh thần yêu bóng đá của người hâm mộ VN lớn nhường nào. Trước khi U.23 VN bước vào trận đấu gặp Thái Lan vòng loại, hay Malaysia ở chung kết, mọi ngả đường đổ về sân vận động quốc gia Lào đều nêm chặt dòng người trong màu áo đỏ. Nơi đó, nhiều người đã không còn nhận ra mình đang trên nước bạn. Không khí Viêng Chăn khi ấy chẳng khác nào ở ngay xung quanh SVĐ Mỹ Đình thủ đô Hà Nội. Cho dù U.23 VN không thể giành HCV trên sân cỏ, người hâm mộ VN đã thực sự gây ấn tượng mạnh trên khán đài với một tình yêu bóng đá mãnh liệt.

Bản sắc cổ động không chỉ được thể hiện mỗi khi ĐTQG VN thi đấu mà còn ở từng địa phương, nơi có những đội bóng đang thi đấu giải VĐQG hay giải hạng Nhất, người hâm mộ cũng luôn dành cho đội bóng con cưng của mình một tình yêu rất đặc biệt. Sân Lạch Tray của XM.Hải Phòng mùa giải trước nổi tiếng cuồng nhiệt với lượng khán giả luôn gần như chật kín. Sân Chi Lăng của SHB.Đà Nẵng hay sân Cao Lãnh của CS.Đồng Tháp cũng tương tự. Nhiều người sẵn sàng bỏ công bỏ việc, lặn lội đường xa đến xem đội bóng quê hương của mình thi đấu. Họ muốn nhận được những sự tôn trọng từ phía cầu thủ với tinh thần thi đấu lăn xả. Còn nhớ một câu chuyện rất cảm động, khi ngày xưa thân phụ của anh Phạm Hồng Hải (cựu chủ tịch Hội CĐV Cảng Sài Gòn) trước lúc lâm chung đã dặn mọi người hãy chôn cất mình cùng chiếc áo số 10 của cầu thủ Đặng Trần Chỉnh.

Người hâm mộ của mỗi đội bóng đều muốn tạo ra bản sắc cổ động. Bởi đó cũng là một niềm tự hào. Nhưng nhiều người phải công nhận, bản sắc đẹp trong cổ động đang ngày càng bị xâm lấn bởi những biến tướng chẳng mấy hay ho, có khi trở nên lố bịch vì các CĐV quá khích. Chẳng hạn như sân Lạch Tray của XM.Hải Phòng mấy năm gần đây liên tục xuất hiện pháo sáng. Thắng cũng đốt, thua cũng đốt, không thắng không thua mà lỡ mang vào sân rồi cũng đốt. Nhiều thanh niên quá khích muốn đốt pháo để chứng tỏ mình cũng là CĐV cuồng nhiệt dù chẳng mấy ai tán thành. Hậu quả là hiện giờ ban tổ chức sân Lạch Tray đang đau đầu tìm cách đối phó, trước án phạt của Liên đoàn bóng đá VN đang treo lơ lửng trên đầu, thậm chí là cả án phạt của FIFA và khả năng VN mất quyền tổ chức AFF Cup sắp tới.

Sân Vinh từ lâu cũng đã là một điểm “nóng” ở V-League. Người hâm mộ Nghệ An vốn rất cuồng nhiệt và đến sân cũng chỉ vì muốn chứng kiến những đứa con của mình thi thố tài năng. Nhưng những mâu thuẫn đặc thù vốn đã có từ lâu giữa người hâm mộ SLNA với người hâm mộ Thể Công, hay XM.Hải Phòng có thể biến sân Vinh thành một võ đài với các cảnh loạn đả, máu có thể chảy bất cứ lúc nào với những cái đầu nóng không biết dừng lại vì những hiệu ứng dây chuyền trên khán đài. Nhiều sân khác cũng luôn có mức độ xảy ra ẩu đả đáng báo động. Nổi tiếng “hẻo” khán giả như sân Thống Nhất mà năm trước còn xảy ra vụ xô xát giữa CĐV và cảnh sát, hay hành hung phóng viên...

Cũng chính vì thế mà giới cầu thủ vốn rất trân trọng tình cảm của CĐV dành cho mình giờ đây ngày càng sợ và giữ khoảng cách với người hâm mộ. Không sợ sao được khi có những CĐV trên khán đài chỉ mới thấy cầu thủ có biểu hiện đáng “nghi” một chút thôi là dọa đánh, dọa giết... và hàng loạt những chiêu đe dọa khác, cùng những "cuồng ngôn" hết sức khó nghe. Thế mới thấy, dù tình yêu bóng đá của người hâm mộ VN là rất mãnh liệt, nhưng CĐV VN vẫn chưa thật sự "fair-play". Sân cỏ VN vẫn còn đó quá nhiều chuyện đáng buồn và những cảnh chướng tai gai mắt. Quá trình đi tìm và củng cố bản sắc cho văn hóa cổ động của VN, cần lắm những CĐV thật sự có trái tim nóng và cái đầu lạnh, hành xử có văn hóa khi cổ vũ đội mình yêu thích.

Các vụ bạo lực trên sân cỏ Việt Nam gần đây

Ngày 20.5.2007, trong trận TMN.CSG tiếp H.Thanh Hóa, CĐV H.Thanh Hóa cho rằng tổ trọng tài thiên vị. Hàng ngàn chai lọ, mũ cối được quăng như mưa xuống sân khi trọng tài Đặng Thanh Hạ cho TMN.CSG hưởng phạt đền ở phút 55, khiến cầu thủ cả 2 đội và tổ trọng tài phải bỏ chạy. CĐV đã hung hãn đến mức tháo cả ghế nhựa trên khán đài để quăng xuống sân. Trận đấu đã phải hoãn lại và lực lượng bảo vệ cũng "bất lực".

 
Ảnh: Minh Hoàng


Ngày 13.4.2008, ngay sau khi trận đấu giữa SLNA và Thể Công trên sân Vinh kết thúc, hàng trăm CĐV đội chủ nhà đã tràn lên khu vực của CĐV Thể Công để đuổi đánh bằng gậy, gạch. Nguyên do cũng vì CĐV SLNA "ngứa mắt" trước sự cổ vũ của CĐV Thể Công. Do số lượng ít ỏi, CĐV Thể Công đành phải "chịu trận" với hậu quả là rất nhiều người bị thương.

Ngày 25.5.2008, bạo lực tiếp tục xảy ra trên sân Vinh sau trận SLNA gặp XM.Hải Phòng (ảnh). Phút 87, khi Đức Thắng san bằng tỷ số cho Hải Phòng, CĐV đến từ đất cảng đã đốt pháo ném xuống sân, liên tục lăng mạ lực lượng an ninh. Các CĐV Nghệ An ở hai khán đài A, B cũng quay sang công kích bằng các màn "đấu võ mồm", sau đó liên tục ném gạch, đá vào khu vực CĐV Hải Phòng ngay khi trận đấu kết thúc. Các CĐV đất cảng cũng nhặt ngay những cục gạch, đá đó để ném trả lại bất chấp sự can thiệp của lực lượng an ninh. Tình trạng náo loạn vẫn tiếp diễn ngay cả khi các CĐV Hải Phòng đã co cụm vào khu vực kỹ thuật cùng các cầu thủ và ban huấn luyện. Hậu quả là có nhiều người bị thương khá nặng vào đầu và mặt, phần lớn nạn nhân là các CĐV đội khách.

A.T (tổng hợp)

CĐV các môn khác cũng thiếu "fair-play"

Cách đây 3 năm, NTĐ Nguyễn Du từng đăng cai giải pool 9 bi châu Á. Để tránh tiếng ồn của sân khấu Trống Đồng gần đó làm ảnh hưởng đến các cơ thủ, các trận đấu được sắp xếp sao cho kết thúc trước 20 giờ. Cẩn thận là vậy, nhưng BTC cũng đành "bó tay" với các vị thượng đế. Tiếng “dế”, tiếng trẻ con khóc, tiếng CĐV trò chuyện lớn tiếng, di chuyển, thay đổi chỗ ngồi liên tục đã ảnh hưởng không ít tới trận đấu.

Nhiều người nước ngoài cũng rất ngạc nhiên khi thấy CĐV VN vỗ tay ủng hộ khi đối thủ thực hiện 1 đường cơ hỏng (thay vì ồ lên luyến tiếc), như "chọc quê" đối phương. Một trong những điều tối kỵ là CĐV không được cổ động khi chưa kết thúc đường cơ (bi phải ngừng lăn) nhưng các CĐV vẫn không chịu tuân thủ.

Đối với quần vợt, môn cần sự tập trung cao độ, chuyện CĐV vô tư để điện thoại reo hay nói cười ầm ĩ vẫn thường xuyên xảy ra. Tại giải Các tay vợt xuất sắc 2009 mới đây, tay vợt số 1 VN Đỗ Minh Quân đã phải xin trọng tài cho tạm dừng trận đấu vì tiếng ồn của CĐV.

Tại SEA Games 22 tổ chức tại NTĐ Vân Đồn (Q.4, TP.HCM), ông Ignatius Leong, Tổng thư ký Liên đoàn cờ vua thế giới, đã phải yêu cầu ban thư ký dán sẵn một thông điệp trước cửa NTĐ: “Vui lòng không nghe và để điện thoại reng trong khán phòng. Ai vi phạm, phạt 100 USD”. bởi quá "ớn" sự thiếu chuyên nghiệp khi thưởng thức cờ vua ở VN, một môn cần sự tĩnh lặng tuyệt đối.

Hiếu Dân

Ý kiến...

Nói thật, dù rất yêu thích bóng đá nhưng tôi thường hay chọn giải pháp "ở nhà cho xong" vì quá sợ không khí ở các sân bóng VN, đặc biệt là những trận đấu quan trọng. Nào là quá khích, chửi thề, đập phá, đánh nhau... làm tôi thấy rất sợ. Chẳng thà cứ ở nhà cổ vũ đội mình yêu thích qua ti-vi cho chắc ăn, còn hơn lơ ngơ đến sân bóng rồi có thể bị... thiệt mạng như chơi vì những trận ẩu đả như vậy. Tôi có người bạn thân, hồi năm ngoái cũng từng phải nhập viện vì đi xem bóng đá và vô tình đi lạc vào chỗ một nhóm CĐV quá khích, họ đánh nhau và do quá thiếu bình tĩnh không phân biệt được ai với ai, họ đã đánh luôn cả bạn tôi._NGUYỄN TƯỜNG VN, 27 tuổi (socola2012...@yahoo.com.vn)

Xem qua ti-vi, thấy hình ảnh của các CĐV nước mình trên khán đài sao mà nhiệt tình, dễ thương, nhưng chỉ cần một lần được xem "người thật việc thật" ngay trên sân cỏ sẽ thấy rất khác. Phần lớn là sự quá khích, luôn mất bình tĩnh khi theo dõi trận đấu. Tôi cũng không hiểu tại sao người ta lại nóng tính như vậy khi xem thể thao. Nếu đã là đội bóng mình yêu thích, cho dù họ có thắng hay thua thì cũng ủng hộ chứ. Còn cổ động viên đội khác cũng có quyền cổ vũ cho đội người ta, sao lại "căm thù" họ? Vẫn biết cũng có những hình ảnh rất đẹp của CĐV, nhưng vẫn còn ít quá. Buồn thay!_TRƯỜNG NGUYÊN (0838605...)

Nếu như các bar ở Việt Nam cũng có chế độ kiểm tra chứng minh nhân dân như ở Anh họ kiểm tra ID để sàng lọc những thành phần nào có thể vào bar thì nhiều bậc làm cha mẹ như chúng tôi có thể yên tâm hơn. Con tôi không giấu bố mẹ chuyện nó đi bar, và đảm bảo rằng bar là một nơi rất đỗi bình thường, nhưng bản thân một người mẹ như tôi không hề muốn con mình dành nhiều thời gian trong đó. _LÊ HƯƠNG (tranlehuong.88@...com)

Tôi đã từng đi bar ở nhiều nước, nhưng quả thật chưa có nơi nào mà các bạn trẻ lại được tự do vào bar như ở Việt Nam. Việc này thật sự không ổn chút nào. Đó là chưa nói đến chuyện các bar ở Việt Nam luôn khuyến khích khách đến uống rượu, hút thuốc. Vào những nơi như thế, các teen của chúng ta không bị "nhấn chìm" mới là chuyện lạ._VŨ HƯỜNG (daophuquoc...@gmail.com)

Anh Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.