Có giấc mơ không bao giờ… chia ly

19/04/2009 10:50 GMT+7

(TNO) 17 chương trình đã phát sóng, hơn 80 trường hợp được đoàn tụ, "Như chưa hề có cuộc chia ly" lấy đi biết bao giọt nước mắt của nhiều người nhưng cũng mang lại gấp bội lần niềm hạnh phúc. Đằng sau chương trình đầy nhân văn ấy là sự làm việc hết mình của một ê kíp rất gọn, với mong mỏi không bao giờ muốn thấy... chia ly.

Có tìm ắt phải ra

Được thai nghén từ tận năm 2000 nhưng mãi đến tháng 12.2007, "Như chưa hề có cuộc chia ly” mới lên sóng lần đầu tiên, đó quả là một thách thức cũng như sự đeo đuổi không biết mệt mỏi của biên tập viên (BTV) Thu Uyên. Khá bận với 5 bản tin quốc tế/ngày của VTV9; biết bao việc phải làm cho công cuộc tìm kiếm cho những chương trình sắp lên sóng, nhưng khi tôi đề nghị, chị nhanh chóng “OK” cho một giờ trò chuyện. 

Gặp chị ngoài đời thấy chị mềm mại và bình dị như bao người phụ nữ, khác hẳn với cái vẻ cứng cỏi, kiềm nén cảm xúc khi là người trực tiếp dẫn dắt câu chuyện, thắt nút mở nút của những cuộc đoàn tụ; lại càng khác một BTV Thu Uyên đĩnh đạc, phong thái trong những giờ bình luận thời sự quốc tế trước đây. 

Vừa gặp, chị mở lòng ngay: “Thật sự đây là một việc chưa có tiền lệ trong ngành truyền thông. Đáng ra, là chương trình xã hội thì những người thực hiện nó sẽ là các Bộ, ngành. Truyền thông không cần phải đảm đương tất tần tật”. Thế nhưng, đứng trước những nỗi đau chia ly quá lớn của nhiều người, nhà báo này đã ấp ủ và thực hiện được một chương trình lên sóng, không những thu hút khán giả mà còn khiến lay động tâm hồn người xem, vì đó là một việc nhân đạo.

Hồ sơ gửi về tới tấp, nếu tính cả điện thoại, email, thư tay, “Như chưa hề có cuộc chia ly” đã tiếp nhận hơn một vạn thông tin tìm kiếm. Một con số quá lớn so với đội ngũ làm chương trình chỉ có hơn chục người.

Nhưng có phương pháp riêng của mình, chị Thu Uyên bật mí, không phải cứ ai gửi yêu cầu đến mình cũng lên kế hoạch. Tất cả được lập trình một cách bài bản, khoa học và logic. Luôn có một bản form khảo sát chi tiết để xử lý thông tin, kèm theo đó là những câu hỏi “nhà nghề” để phân loại, sàng lọc đối tượng, nhằm tránh những trường hợp mạo danh. Bí quyết quan trọng nhất của khâu này chính là việc người xử lý thông tin phải ép mình đứng ngoài cuộc những câu chuyện thương tâm, để bình tĩnh đánh giá và khái quát câu chuyện. Nếu đáp ứng khâu này, sẽ được lập hồ sơ, đặt mã số. Chính vì vậy, đến nay "chỉ có" gần 8.500 hồ sơ trên 1 vạn thông tin nhận được. Chính từ đó, các hồ sơ này luôn nằm trong máy tính chung của các thành viên và kế hoạch tìm kiếm được triển khai.


BTV Thu Uyên trò chuyện cùng một người mẹ đi tìm con gái thất lạc 37 năm - Ảnh: T.L

Đích thân chị Thu Uyên hoặc bất kỳ ai trong đội sẽ nghiền ngẫm bản thông tin để có thể đối mặt trực tiếp với những con người đang tuyệt vọng ấy. Thu thập tin từ tất cả các nguồn có thể; rồi khơi gợi, trò chuyện thân tình và động viên họ với những manh mối rất mong manh, mơ hồ.

Để tìm người thân thất lạc:

Vào trang web: http://www.haylentieng.vn/ hoặc email vào địa chỉ: timnguoithan@haylentieng.vn

Đường dây nóng: (08) 6264.7777

Nhiều lần xem đài, tôi phải ngạc nhiên và khâm phục trước những suy luận của đội tìm kiếm. Chỉ với những ký ức hết sức nhạt nhòa: nhớ có con đê sau làng, có lò gạch, một dòng sông bắc qua, hay một tượng đài nào đó được vẽ nguệch ngoặc bằng tay sau hơn mấy chục năm…, thế mà cuối cùng cũng có đáp án. Nhiều người đã ví đội tìm kiếm là những thám tử kỳ tài, hoặc những điều tra viên giỏi giang. Nhưng chị thì không nghĩ vậy, “thám tử” sẽ phải dùng những thủ pháp riêng tư, úp mở; điều tra viên thì chuyên liên quan đến những câu chuyện có hơi hướng tội phạm. “Chúng tôi là những người công khai đi gõ cửa các địa phương, nhờ hỗ trợ, liên hệ với những con người liên quan đến câu chuyện để có thêm thông tin, mà người thất lạc thì chỉ có một. Đi mãi đến một cái đích thì ắt phải tìm ra” – chị kết luận.

Thế có bao giờ ê kíp của chị nhờ đến may mắn hay nhầm lẫn một ai đó chăng? – tôi mạo muội. Chị phản đối ngay: “Công việc này không cho phép bất cứ một sai số nào cả. Chính vì vậy, không bao giờ ê kíp gấp gáp hay vội vàng kết luận. Nhiều khi có đến 2 -3 người có cùng thông tin như vậy, câu chuyện cũng tương tự nhưng lúc nào nhóm cũng bảo nhau là bình tĩnh, chắc người cần tìm chỉ nằm trong số đó và thế là phải kiên nhẫn thêm để loại suy cho ra người cuối cùng”.

Chị cho biết: “Có tìm ắt có ra, không chờ đợi sẽ không gặp được nhau. Tất cả anh em đều tâm niệm rằng, chính tinh thần ấy mới là thứ may mắn của cuộc tìm kiếm. Người cần tìm chỉ có một và với từng bước loại suy chắc chắn sẽ tìm ra họ”.

Đang làm trước cho tương lai

Do lực lượng còn quá mỏng nên dù làm hết sức mình và liên tục mỗi ngày từ sáng đến tối nhưng đến nay, chỉ mới có khoảng gần 900 hồ sơ thực sự có hy vọng đang được triển khai thực hiện. Chỉ đáp ứng được 1/10 khối lượng yêu cầu có khiến cho ê kíp thực hiện bị áp lực trước những mong mỏi cháy bỏng của nhiều người? Thật ra, đó lại là niềm vui đáng kể của đội ngũ thực hiện, bởi chương trình đón nhận sự tin tưởng nồng nhiệt của người dân, từ nông thôn đến thành thị, cả trong và ngoài nước. Bởi khi lên kế hoạch, mọi người chỉ mong mỗi chương trình có thể tìm kiếm được 1-2 trường hợp đã là quá tuyệt vời. Nhưng bây giờ, mỗi số phát sóng , trường hợp tìm thấy người thân đã nâng lên con số 3-4 một cách đều đặn.

Song song với niềm hạnh phúc ấy, trong họ vẫn tồn tại những ray rứt, vì những trường hợp "vào cuộc" đã lâu mà chưa tìm ra bóng dáng của đối tượng. Đó là trường hợp anh Nguyễn Văn Hùng, được phát sóng từ số đầu tiên đến nay; hay như Bảo Chinh tìm em thất lạc ở đường 7… Bên cạnh đó, hàng trăm trường hợp có thể làm nên những chuyên đề về sự thất lạc tại: Campuchia; Đông u; con lai Hàn Quốc, Đường 7 Tây Nguyên vẫn luôn thôi thúc nhóm tìm kiếm lên đường.


Rất nhiều cuộc đoàn tụ gây xúc động đã được ê kíp thực hiện chương trình mang đến cho mọi người - Ảnh: T.L 

Thời lượng chương trình quá ngắn (chỉ vỏn vẹn  1 giờ đồng hồ) cũng là một khó khăn cho những người thực hiện. Khoảng thời gian này quá "chật chội" cho việc diễn tả số phận của những mảnh đời. “Nếu thời lượng dài hơn, con người nhiều hơn, chúng tôi có thể làm được những phóng sự về phận đời, phận người được chi tiết hơn, hay hơn nữa. Bởi cuộc sống chẳng ai giống ai, những cuộc chia ly bao giờ cũng rạch ròi và không hề có cùng cảm xúc” – chị Thu Uyên mơ ước.

Là một người nổi tiếng trải qua nhiều công việc, sẽ đến lúc chị Thu Uyên vắng bóng trong cuộc chơi này? Hoặc vì là một chương trình truyền hình nên “Như chưa hề có cuộc chia ly” giả như cũng có tuổi thọ cố định? Không trả lời thẳng câu hỏi của tôi, chị nói rằng cả ê kíp đều hiểu điều đó nên giờ đây một dự án mới cũng đang được xúc tiến. Với tiến bộ của kỹ thuật, mọi người sẽ ít lạc nhau hơn, nhưng để hạn chế, cần có những trung tâm xử lý thông tin ngay tức thời với một tổng đài “thất lạc” chung, cùng một số điện thoại khẩn dễ nhớ: 888.888 chẳng hạn. Mỗi đứa trẻ sẽ chỉ cần nhớ số điện thoại trên, và khi trẻ con lạc bố mẹ, mọi người liên quan chỉ cần gọi ngay đến tổng đài để có cơ hội tìm thấy nhau.

"Đó là công việc mà chúng tôi chuẩn bị, hạn chế những vất vả trong tương lai, để không còn ai phải chịu cảnh chia ly đớn đau trong cuộc sống” – chị Thu Uyên hào hứng nói.

Một ý tưởng tuyệt vời và hoàn toàn có thể thực hiện được, với một ý nghĩa lớn lao! Và thật đáng quý, đáng khâm phục, ý tưởng ấy tiếp tục đến từ những con người đã tạo nên sự kỳ diệu mà xã hội phải cám ơn họ...

Dương Thành Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.