Cỗ mới trung thu tài khéo cũ

20/09/2020 06:08 GMT+7

Vẫn là con giống bánh nướng nhưng không chỉ loanh quanh cá và lợn. Vẫn là hoa tỉa nhưng đã có thêm dáng sen ngoại, cúc nhập khẩu.

Lục tục chuẩn bị trung thu sớm

Chưa sang tháng 8 âm lịch, nghệ nhân tỉa hoa Nguyễn Thu Bình An đã nhận được không biết bao nhiêu là tin nhắn qua Facebook. Rất nhiều mẹ mong chờ bà mở lớp dạy cắt tỉa để được tự tay chuẩn bị mâm cỗ trung thu cho con. Điều này làm bà nhớ lại những niềm vui xưa khi có thể tự mình cắt tỉa những bông hoa đu đủ, tự nhuộm màu trong lớp học ở Trường nữ công tinh hoa (Hà Nội). Vì thế, bà quyết định mở lớp, tiền thu về sẽ tặng cho những bệnh nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Những lớp học trung thu như thế này thường được các mẹ nhiệt tình tham gia vì kiến thức thu về rất hữu dụng. Chỉ sau lớp cơ bản, các mẹ đã có thể tỉa được rau củ đủ cho nhu cầu bày cỗ trông trăng. Các kỹ thuật cũng khá khác nhau. Chẳng hạn, nếu những con giống tạo hình từ su su, mướp đắng, nho… thường dùng cách ghép bằng ghim tre. Một số con vật khác lại cần phụ kiện giấy vẽ màu như các hình con thỏ, con gấu, lật đật bằng bưởi. Linh hồn của mâm cỗ là chú chó bưởi bao giờ cũng được các mẹ thích làm nhất. Đây là cách ghép cổ truyền từ rất nhiều năm các cụ để lại. Trong khi đó, những quả dưa hấu khắc hoa, khắc chữ lại là một kỹ thuật cắt tỉa tạo khối từ nước ngoài du nhập vào.
Các lớp bánh nướng, bánh dẻo lại có thêm học viên trẻ em. Có hai dạng lớp. Lớp học ở các trung tâm nấu ăn, học viên đến để học làm từ đầu đến cuối món bánh trung thu. Dạng khác chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” - người hướng dẫn chuẩn bị hết các loại nguyên liệu đến một nửa công đoạn, người tham gia chỉ việc làm nốt một chút việc trộn nhân, nặn và đập bánh dẻo. Đây là cách nhiều lớp học phổ thông tổ chức để học sinh biết về trung thu truyền thống.

“Made in” Hàng Mã, Hàng Đào

Bà Thu Hương, nhà hàng Bể cá (Tô Hiến Thành, Hà Nội), rất ủng hộ việc tiếp tục giữ mâm cỗ trung thu truyền thống trong gia đình. Bà còn đặc biệt nhấn mạnh việc làm sao cho mâm cỗ này càng đẹp càng tốt, càng mang tinh thần truyền thống càng hay. “Tôi thích thế giới mà nghệ nhân truyền thống trên phố Hàng Mã tạo ra để trung thu cho lũ trẻ trở nên cổ tích nhất. Có nhiều đứa trẻ năm xưa mỗi năm lại tìm về phố Hàng Mã để hít thở không khí giúp mình trẻ mãi không già. Tinh thần của Hàng Mã là tinh thần của những bàn tay khéo léo, những màu sắc âm lịch khiến lòng xao xuyến, những món đồ bằng tay mộc mạc nhưng duyên dù có khi ngô nghê vụng về”, bà Hương nói.
Chính vì theo đuổi tinh thần “made in Hàng Mã” đó mà bà Hương năm nay có một sản phẩm bánh rất đặc biệt. Chú chuột ỉn bánh nướng. “Năm nay là năm con chuột. Tôi muốn làm một sản phẩm kỷ niệm cho trung thu năm Canh Tý. Bản thân chuột là con vật vốn không được mọi người yêu thích, do đó ngoài việc tạo ra một chiếc bánh trung thu ngon miệng hình chú chuột, chúng tôi còn muốn chuột ỉn như một nhân vật có tâm hồn, có tính cách, và giàu yêu thương”, bà nói. Chú chuột ỉn của nhà hàng Bể cá vì thế tròn vo, người ngăn ngắn hơi giống lợn bánh nướng truyền thống.
Họa sĩ chuyên vẽ sách ẩm thực Đặng Quân cho biết ông đã nhiều năm theo dõi những mâm cỗ truyền thống. Theo ông Quân, các mâm cỗ hiện nay thiên biến vạn hóa. “Mâm cỗ trung thu hiện đại tiếp nhận thêm nhiều món mới như bánh thạch, bánh dẻo lạnh hay nhím nho, ếch susu... Bên cạnh đó, cũng có món bánh truyền thống như bánh nướng, bánh dẻo, chó bưởi cùng các loại hoa quả tỉa dáng thú. Tôi luôn hứng thú với một mâm cỗ giao thoa tân - cổ, như thế người lớn trong nhà cũng vừa ý - trẻ con thì hoan hỉ mong đến giờ phá cỗ”, ông Quân nói.
Dù mâm cỗ thay đổi, tuy nhiên theo ông, điều không thay đổi chính là nữ tính trong các mâm cỗ. Nó gợi nhớ các mâm cỗ từ rất xưa của các gia đình trên phố Hàng Đào. “Tôi vẫn nhớ khi nhỏ, mỗi lần trung thu là một lần xem những cuộc trổ tài của những người mẹ, người chị. Tôi thấy phụ nữ hiện đại không hề thua kém khi bày mâm cỗ trung thu kiểu truyền thống”, ông Quân tâm sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.