Cổ vật xứ Đông - Bí ẩn 'tượng đất hóa vàng' trong ngôi chùa hơn 1.500 tuổi

05/10/2015 09:19 GMT+7

(TNO) Pho tượng Phật bà Đồng Quân trong chùa Sùng Bảo hơn 1.500 năm là niềm tự hào của người dân xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên với truyền thuyết 'tượng đất hóa vàng'.

(TNO) Pho tượng Phật bà Đồng Quân trong chùa Sùng Bảo hơn 1.500 năm là niềm tự hào của người dân xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên với truyền thuyết 'tượng đất hóa vàng'.

Pho tượng Phật bà Đồng Quân trong long đình thờ ở chùa Sùng Bảo
Xuân Dục là quê hương của nhà yêu nước Nguyễn Thiện Thuật, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy vào cuối thế kỷ XIX. Trên mảnh đất này, cây cổ thụ, giếng nước, ngôi chùa nào cũng chứa đựng những truyền thuyết nửa hư nửa thực. Vì vậy người dân địa phương cho rằng những ai đến Xuân Dục mà không khám phá bao câu chuyện huyền diệu ẩn trong những trầm tích rêu phong coi như chưa đặt chân đến bao giờ.
“Kiệu bay” trong ngày rước tượng
“Các cụ bao đời truyền lại, ngày xửa ngày xưa, trẻ con chăn trâu ở Xuân Dục thường nặn đất thành các pho tượng, rồi dùng rơm rạ dựng thành những túp lều nhỏ để chơi đồ hàng. Sau một đêm giông tố, sấm sét vang trời, người dân ra đồng phát hiện pho tượng nặn bằng đất của các mục đồng đã hóa thành vàng ròng. Thấy sự lạ, dân làng đã thỉnh mời các vị sư đến đặt tên cho bức tượng là Đức Phật bà Đồng Quân và mang vào thờ trong chùa Sùng Bảo ở thôn Xuân Nhân”, ông Trịnh Quang Tiễu, 82 tuổi, ngồi dưới gốc cây đề cổ thụ cạnh chùa kể cho chúng tôi nghe về truyền thuyết “tượng đất hóa vàng”.
Ông Tiễu cho biết truyền thuyết này nổi tiếng khắp một vùng xứ Đông, phố Hiến, người dân nơi đây từ già tới trẻ đều truyền nhau để giữ gìn. Trong chùa Sùng Bảo, tất cả các pho tượng đều sơn son thếp vàng, tượng Đức Phật bà Đồng Quân đặt trong long đình thờ ở bên phải hậu cung cùng với tượng rồng bằng gỗ gọi là Long Vương. Ông Tiễu kể Đức Phật bà Đồng Quân rất linh thiêng nên dân làng không ai dám tự tiện mở long đình ra xem, sợ mạo phạm. Theo tập tục của làng, chỉ có người có chức sắc mới được mở ra chiêm bái, tắm tượng khi vào lễ hội.
Lễ rước tượng Phật bà Đồng Quân thường tổ chức vào những năm đại hạn để cầu mưa
 Quanh chùa Sùng Bảo là đầm sen gợi cảnh thanh bình
Ngày lễ hội vào rằm tháng 2 âm lịch, dân làng sẽ rước tượng Phật bà Đồng Quân từ chùa Sùng Bảo qua các làng ra tới cánh đồng Đồng Quân, nơi được cho là “tượng đất hóa vàng”. Là người chủ tế trong các lễ hội trước đây, ông Tiễu cho biết tục rước tượng Phật bà Đồng Quân gọi là lễ đảo võ, thường tổ chức vào những năm đại hạn để cầu mưa.
“Rước cùng Đức Phật bà Đồng Quân còn có tượng vua Long Vương, thường rước xong là trời đổ mưa. Điều này càng khiến cho sự tích về Đức Phật bà Đồng Quân trở nên linh thiêng, màu nhiệm”, ông Tiễu nói và chia sẻ về chuyện “kiệu bay” khi rước tượng.
Vì tin Đức Phật bà Đồng Quân chở che, phù trợ cho dân làng nên trong ngày lễ hội có tục “xin khước”. Trong lúc rước tượng, mọi người đua nhau chui vào dưới gầm để mong nhận được sự may mắn, sức khỏe khiến cho kiệu rước chao đảo, xô về phía trước nhưng tượng không hề bị đổ. Ông Tiễu cho biết để “kiệu bay” nhưng lễ hội vẫn an toàn, trật tự thì một đội thanh niên trai tráng đi theo bảo vệ. Lễ hội hiện 5 năm mới tổ chức một lần, thu hút rất đông người dân và du khách thập phương tham dự.
Giếng Sủi trước đình làng Xuân Bản
Theo sư thầy Thích Tuệ Hạnh, là trụ trì chùa Sùng Bảo, pho tượng vàng gắn với truyền thuyết đã bị lấy cắp trong những năm chiến tranh. “Tượng Đức Phật bà Đồng Quân giờ chỉ còn là tượng đất, đài sen làm bằng gỗ thôi”, thầy Thích Tuệ Hạnh cho biết. Tuy nhiên, ông Tiễu cho rằng thực chất pho tượng không bị lấy trộm mà bị đánh tráo.
Ông Tiễu kể vào thời kỳ chiến đấu chống Pháp, các cụ trong làng đã phải chuyển tượng đến một chùa ở vùng Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, rồi một chùa khác ở Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Khi chuyển lại về chùa, các cụ thấy tượng vẫn sơn son thếp vàng nhưng mũi không bị sứt một miếng như tượng vàng trước đây nên phát hiện ra đã bị đánh tráo, đi hỏi nhưng không được đành chấp nhận thờ.
“Dù không còn tượng vàng nhưng trong lòng dân làng chúng tôi vẫn tin vào Đức Phật bà Đồng Quân nhiệm màu, linh thiêng, giúp mọi người tu nhân tích đức, làm nhiều việc thiện”, ông Tiễu bày tỏ và cho biết hiện hơn 250 câu kệ về sự tích “tượng đất hóa vàng” vẫn được nhân dân truyền tụng, chép thành sách giữ cho thế hệ sau.
Cây đề cổ thụ um tùm là vọng gác tiền tiêu của nghĩa quân Bãi Sậy năm xưa
Miếu thờ dưới gốc cây đề cổ thụ
Giếng cổ khiến tướng Cao Biền bất lực
Cách chùa Sùng Bảo không xa là giếng cổ trước cửa đình làng Xuân Bản. Người dân xã Xuân Dục đặt tên là giếng Sủi bởi nước giếng luôn sủi bọt quanh năm. Theo cụ Tiễu, nước giếng luôn trong xanh, không bao giờ cạn, người dân địa phương không ai dám xả rác thải, chất bẩn xuống. Vào đầu năm mới, mọi người thường ra đình làng khấn bái trước khi xin nước gánh về nhà với hi vọng mọi việc may mắn, tốt lành.
Qua tìm hiểu, người dân Xuân Dục lưu truyền chuyện giếng làng Xuân Bản là đầu con rồng luôn phun châu nhả ngọc, còn bụng rồng ở làng Xuân Nhân và đuôi rồng là làng Xuân Đào. Giếng nước hàng nghìn năm tuổi này từng khiến tướng giặc phương Bắc là Cao Biền thất kinh, bất lực khi đến đây làm bùa chú trấn yểm. “Chuyện kể rằng trong lần đi xem long mạch các vùng giáp thành Đại La, ông ta phát hiện một mạch phát vương có tia năng lượng rất mạnh từ giếng Sủi. Sau rất nhiều ngày tính toán để triệt hạ long mạch của giếng nhưng đều bị thất bại, cứ mỗi lần Cao Biền vứt bùa xuống giếng thì đều bị nguồn nước sủi tăm cuốn trôi bùa chú, đành bất lực bỏ về”, ông Tiễu kể lại.
Do giếng sủi bọt tăm nhiều như nồi nước sôi nên người dân trong làng đã từng úp cối đá xuống để bớt sủi nhưng vẫn không ăn thua. Trong lần nạo vét giếng, mọi người đưa bùn đất lên bờ thấy khói bốc nghi ngút, đặt lá cây tươi vào liền bốc cháy. Khi chuyên gia về khảo sát thì phát hiện khí metan dưới giếng đã tạo ra hiện tượng sủi bọt.
 Nhà trưng bày bia khắc sự nghiệp của nhà yêu nước Nguyễn Thiện Thuật
Mộ của cụ Nguyễn Thiện Thuật được đưa từ Trung Quốc về vào năm 2005
Cạnh chùa Sùng Bảo là khu tưởng niệm nhà yêu nước Nguyễn Thiện Thuật, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy với cây đề cổ thụ từng là vọng gác tiền tiêu của nghĩa quân Bãi Sậy năm xưa. Dưới gốc cây đề này có một miếu thờ người phụ nữ được gắn với lời nguyền người dân 2 làng Xuân Đào và Xuân Nhân không lấy được nhau.
Theo câu chuyện lưu truyền trong nhân gian, người phụ nữ ở làng Xuân Nhân lấy chồng làng Xuân Đào, bị gia đình nhà chồng cay nghiệt, đày đọa khiến bà vô cùng uất ức. Trong một lần đi gánh nước, bà ngồi dưới gốc cây đề khóc than thân trách phận và nói lời nguyền: “Nếu người dân 2 làng Xuân Đào và Xuân Nhân lấy nhau thì chết 1 đời cha, 3 đời con. Khi nào nối được con đường từ Xuân Đào ra tới gốc đề thì mới lấy được nhau”. Nói lời nguyền xong, bà khuất núi, khi quan huyện tới nơi thì mối đã xông thành đống lớn. Người dân liền lập miếu thờ, khắc 4 chữ Hán: “Chạt chạt quyết linh”, nghĩa là miếu thiêng.
Ông Trịnh Quang Tiễu chia sẻ người phụ nữ này cùng họ với ông. Kể từ khi lời nguyền đó lan truyền, người dân 2 làng không ai dám lấy nhau. “Cách đây khoảng chục năm, người dân đắp đường nối Xuân Đào ra cây đề và làm lễ giải lời nguyền thì mới có các bạn trẻ ở 2 thôn lấy nhau”, cụ Tiễu kể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.