Còn cười... rất ngon lành

06/12/2009 23:43 GMT+7

Đố ai đọc tập Còn khóc ngon lành (bút ký của Lê Giang, NXB Trẻ, 2009) mà không... bật cười, cho dù cười xòa khoái trá hoặc cười mím chi bí hiểm.

52 bài viết, 52 câu chuyện, 52 lời nhắc, từ cuộc sống của một người cầm bút đập cùng một nhịp tim với đồng bào, đến một quá khứ tràn đầy tình yêu nước, nên yêu luôn cả những gian truân không tránh được. Có vẻ như tác giả đã viết rất dễ dàng thoải mái, nhưng đọc kỹ mới thấy bên dưới những ngôn từ hiền hòa xuề xòa ấy là cả một sự lọc lựa cố tình.

Cái gì đã tiếp tục bồi đắp tình yêu cho một người phụ nữ sắp bước sang tuổi bát thập? Chỉ có thể là chính tình yêu. Bàng bạc trong tất cả những bài viết là một tình yêu đầy chăm chút dành cho mọi thứ: con người, cỏ cây, muông thú...

Ai gặp nhà thơ Lê Giang ngoài đời, sẽ nhận ra ngay vẻ hài hước hóm hỉnh trong ánh mắt nghịch ngợm, trong những lời lẽ tưng tửng mà thâm thúy kiểu bác Ba Phi. Bởi vì người phụ nữ Cà Mau ấy dẫu tự nhận: “Tôi cam lòng cho số phận, tôi hát nghêu ngao như một người hát rong vui tính mà buồn tình”, nhưng thật ra, bà luôn biết cách làm chủ cuộc sống riêng cũng như cuộc sống chung, trước đây cũng như bây giờ.

Bà có một tình yêu, và tình yêu ấy đã giúp bà cùng người yêu sóng bước bên nhau đúng như hai kẻ cùng hội cùng thuyền luôn nhìn về một hướng. Đó là hướng của cái đẹp đang lẩn khuất trong dân gian, trong những con người chân lấm tay bùn, vô danh, nhưng bao dung và vĩ đại.

Bao nhiêu bài dân ca đã được sưu tầm, đặt lời mới? Bao nhiêu bài ca dao đã được ghi chép, in ấn, phổ biến, thoát khỏi sự thất truyền? Hãy nhìn những tập sách dày mà bà và ông, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, một người ghi lời một người ký âm, để mang trả cho văn hóa Việt Nam những tài sản lớn đang có nguy cơ biến mất trước khi người ta kịp nhớ ra.

Lê Giang có biệt tài nói những điều sâu sắc bằng cách thức giản đơn mà hài hước. Chỉ có bà mới kể lể theo kiểu “Cái nón bảo hiểm nặng trịch chụp lên cái đầu nóng hầm, vô chợ cứ giựt mình hoài, tưởng ai ăn cắp mất cái đầu” (Tôi bị xử ép). Kể chuyện đi Liên Xô, bà chỉ nhớ toàn sự kiện hài hước: “Đêm thức trắng, ngày ăn sữa chua miễn phí, thỉnh thoảng có đãi đằng muỗng nĩa, nói năng thì toàn ra dấu” (Marích và chúng tôi)...

Thế nhưng, khi cảm xúc mạnh hơn cái tính thích đùa, bà lại có cách diễn đạt rất tinh và sắc: “Chúng tôi nhặt xác nhau mà tự lay tỉnh, định nghĩa lại tình yêu và cuộc sống” (Khoảng lặng), “Còn khóc là còn máu nóng, chớ vô cảm thì coi như tiêu tùng... Bên kia bên này có khác gì đâu đối với những người lấy than ra chở che Tổ quốc” (Còn khóc ngon lành)...

Lê Giang và Lư Nhất Vũ, hai con người không chịu già này vẫn tiếp tục “bôn tẩu”, tìm kiếm và gìn giữ cái đẹp, như bù cho rất nhiều kẻ hầu như đã quên rằng, con người ngoài cái xác còn có cả phần hồn.

Lê Giang có một bà mẹ rất tuyệt vời, một người rất biết đùa kiểu “Nhơn chi sơ tay quơ cơm nguội/Tính bổn thiện cái miệng đòi ăn” nhưng vẫn gọi đúng tên của dân ca là “Những câu kinh của đạo làm người” (Bạc đầu nhớ má). Bà còn có những bạn đồng điệu kiểu Bảy Lam - Kiên Giang, người tranh nhau mê say dân ca với vợ chồng bà: “Những người gần đất xa trời trọi trơn, họ còn đang giữ biết bao câu hò lý đạo đời... Đi với em, có bạc cắc xài bạc cắc..., mình làm riết kẻo không kịp” (Qua cầu soi bóng).

Có được những con người như Lê Giang - Lư Nhất Vũ, như Bảy Lam thì may ra mới níu giữ lại kịp những câu hò vô cùng thú vị còn sót lại vẫn đang vọng vang khắp trên các miệt vườn, sông nước Cửu Long: “Con nước chảy lăng xăng, cật bần run lẩy bẩy/Gió đưa cành trúc gãy tòe loe/Anh ơi, làm sao cho thiên hạ khỏi chê/Gạo em vo một nước, lúa em giê một lần”.

Ngô Thị Kim Cúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.