Cư dân Đông Sơn đã làm chủ biển Đông

07/07/2009 00:15 GMT+7

Theo PGS-TS Trịnh Sinh, chuyên gia khảo cổ học Đông Sơn (Viện Khảo cổ học Việt Nam) thì hai di vật đặc trưng (1 chiếc rìu và 1 chiếc giáo đồng) được các chuyên gia bảo tàng Hà Tĩnh tìm thấy ở vùng biển Vũng Áng cuối tháng 6 vừa qua là bằng chứng về quá trình làm chủ biển Đông của cư dân Đông Sơn cách nay hơn 2.000 năm. Nghe đọc bài

* Từ sự có mặt của 2 hiện vật Đông Sơn ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) để suy luận về con đường giao lưu văn hóa qua biển Đông và xa hơn nữa là quá trình làm chủ biển Đông, liệu có logic không, thưa ông?

 

PGS-TS Trịnh Sinh

- PGS-TS Trịnh Sinh: Đây là lần đầu tiên tìm thấy hiện vật Đông Sơn dưới đáy biển. Nên nhớ, trong phạm vi cư trú của người Đông Sơn ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có một cạnh là biển Đông. Trước đây, chúng ta cũng đã tìm thấy một loạt di tích và hàng vạn di vật Đông Sơn ở vùng ven biển trải dài từ Bắc Bộ đến Bắc Trung Bộ. Hơn nữa, một trong những đặc điểm văn hóa của người Đông Sơn là chứa nhiều yếu tố biển. Vì vậy, việc họ để lại dấu vết ở biển Đông là điều dễ hiểu.

* Vậy quá trình “làm chủ” biển Đông là hiểu theo nghĩa nào?

- “Làm chủ” biển Đông tức là cư dân Đông Sơn thời kỳ đó đã khai thác, sử dụng, giao thương trên vùng biển liền khoảnh với đất liền của họ.

* Còn phạm vi xa hơn của Đông Sơn dưới đáy biển, về phía Nam thì sao, thưa ông?

 - Người Đông Sơn có truyền thống đi biển, và họ đã đi xa đến vùng đảo Kiên Giang. Tại một hòn đảo cách bờ gần 30 km, chúng tôi đã tìm thấy trống đồng, đồ đồng Đông Sơn, xương người và xương người được chôn trong trống (đây là một trong những phương thức mai táng đặc trưng của cư dân Đông Sơn). Điều này chứng tỏ cách nay 2.000 năm, người Đông Sơn đã đi rất xa, vượt qua ranh giới đèo Ngang (Hà Tĩnh). Ngoài cư dân Đông Sơn, cư dân Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam cùng niên đại cũng đã từng một thời làm chủ biển Đông.

 

Hiện vật Đông Sơn được tìm thấy ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) - Ảnh do Bảo tàng Hà Tĩnh cung cấp

* Vậy đến nay đã có bằng chứng nào chứng tỏ phạm vi ảnh hưởng của văn hóa Sa Huỳnh ở biển Đông chưa?

- Văn hóa Sa Huỳnh chủ yếu phân bố ở miền Trung và một phần phía Nam. Cho đến nay, chúng ta đã tìm thấy những hiện vật của văn hóa Sa Huỳnh nằm rải rác ven biển Đông. Đó là các mẩu xương cá, công cụ chài lưới, những di cốt người được chôn trong các mộ vò ở ven biển, những kiểu hoa văn in hình vỏ sò. Từ năm 1966, nhà khảo cổ học người Mỹ Solhem đã miêu tả con đường giao lưu của cư dân Sa Huỳnh - Việt Nam sang quần đảo Philippines và Thái Lan với bằng chứng là những khuyên tai 3 mấu nhọn, khuyên tai 2 đầu thú - hiện vật đặc trưng của Sa Huỳnh được phát hiện tại đây.

* Nhưng cũng không loại trừ giả thuyết những hiện vật nói trên là sản phẩm của quá trình sản xuất tại chỗ của cư dân Philippines hoặc có thể cư dân Sa Huỳnh đã không băng qua biển Đông để sang Philippines mà đi bằng con đường khác?

- Người Sa Huỳnh không thể đi một đường nào khác để sang Philippines ngoài đường biển Đông, băng qua khu vực Hoàng Sa và Trường Sa. Họ cũng không thể đi vòng lên phía bắc, qua Trung Quốc rồi mới đến Philippines. Trong lịch sử, tuyến đường biển này là một trong những tuyến giao thương vô cùng quan trọng. Trước khi người dân đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi thời Nguyễn đi khai thác vùng biển Hoàng Sa thì tại Lý Sơn đã có 2 làng cổ trong thời văn hóa Sa Huỳnh là Xóm Ốc và Suối Chình với nhiều di vật.

* Có thể đưa ra giả thuyết 2 hiện vật (giáo và rìu) Đông Sơn được tìm thấy ở vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) là di vật từ một con tàu đắm thời Nguyễn hay không?

- Cũng có thể giả thuyết cho vui rằng 2 hiện vật Đông Sơn nói trên là của một người chơi đồ cổ thời Nguyễn chăng? Nhưng điều đó khó xảy ra vì mỗi thời đều có một thứ “mốt” chơi riêng. “Mốt” của thời Nguyễn là chơi ấm uống trà, bình vôi, đồ gốm sứ chứ không phải giáo hay rìu. Theo nghiên cứu của chúng tôi, “mốt” chơi đồ cổ Đông Sơn ở các nhà sưu tầm cổ vật mới có khoảng 20 năm trở lại đây, còn thú chơi đồ cổ ở Việt Nam thì không quá sớm và chỉ mới bắt đầu từ thời Nguyễn. Về mặt logic, nếu 2 hiện vật Đông Sơn nói trên là của một nhà chơi đồ cổ thời Nguyễn thì ắt phải tìm thấy cả chiếc tàu cổ bị đắm, chứ không thể chỉ là 2 hiện vật rời rạc.

Y Nguyên
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.