Cùng bậc thầy tâm linh Osho trò chuyện với 20 vĩ nhân uyên thâm của thế giới

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
16/10/2020 13:19 GMT+7

Trong cuốn sách mới xuất bản Trò chuyện với vĩ nhân , bậc thầy tâm linh Osho đã phân tích, bình luận về cuộc đời, tư tưởng của những nhà hiền triết trên thế giới từng góp phần biến đổi tâm thức và ảnh hưởng lớn đến nhân loại.

Osho tên thật là Chandra Mohan Jain, sinh ngày 11.12.1931, tại bang Madhya Pradesh (Ấn Độ). Ông tốt nghiệp khoa Triết (ĐH Jain năm 1955) và lấy bằng M.A Triết tại Đại học Sagar năm 1957. Năm 1962, ông thành lập những trung tâm thiền đầu tiên ở vùng quê nơi ông sinh sống và nổi tiếng như một người khơi dậy phong trào thiền học. Khoảng thời gian thập niên 1980 là giai đoạn cao điểm có khoảng 200.000 hội viên và 600 trung tâm tu học theo tinh thần của Osho trên toàn thế giới. Năm 1989, ông chính thức lấy tên Osho. Tờ Sunday Mid-Day của Ấn Độ từng bình chọn Osho là một trong những vĩ nhân đã thay đổi vận mệnh Ấn Độ. Ông mất ngày 19.1.1990 tại thành phố Pune (Ấn Độ).
30 năm sau ngày ông mất, người ta đã phải thừa nhận rằng Osho đã góp phần kiến tạo nên tâm linh nhân loại mà thế kỷ 20 chính là điểm khởi đầu mới cho hành trình tỉnh thức. 20 câu chuyện và phân tích sâu sắc của Osho về cuộc đời và tư tưởng của những triết gia, nhà lãnh đạo tôn giáo lớn đều cô đọng và chạm thẳng đến cốt lõi của việc kiếm tìm minh triết, thông tuệ. Bằng sự uyên bác và thấu cảm đáng kinh ngạc, Osho mở ra cánh cửa để những người bình thường có thể bước vào chiêm ngưỡng, giải mã cuộc đời và tư tưởng của những vĩ nhân đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng tỉ người trên thế giới.

Sách quý Trò chuyện với vĩ nhân vừa được NXB Văn hóa Văn nghệ ra mắt độc giả Việt Nam

Ảnh: Quỳnh Trân

Đọc Trò chuyện với vĩ nhân do First News và NXB Văn hóa Văn nghệ vừa ấn hành, ta có thể nhìn lại bản thân và cảm giác về một hành trình mới thực sự đáng sống. Osho không dạy bảo hay kêu gọi người khác học theo mình mà chỉ chia sẻ các góc nhìn tỉnh thức. Một bậc thầy kỳ lạ không biểu dương tri thức, văn hoá nhưng lại truyền cảm hứng khai mở tâm trí; một bậc thầy tâm linh hiểu sâu sắc về tôn giáo, chính trị nhưng hoàn toàn phi tôn giáo, phi chính trị. Osho lật đổ thành quách sương mù của tín ngưỡng, văn hoá để mở một con đường khai tâm đưa con người hiện đại tìm về với tự nhiên.
Osho có những nhận định sâu sắc về cuộc đời của những bậc thầy tư tưởng. Với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Osho nhận xét Đức Phật là bậc giác giả đã tạo ra dấu mốc lịch sử khi nhắc nhở thiền cần đi kèm với lòng trắc ẩn. Với Trang Tử, Osho ca ngợi: “Trang Tử là một hiện tượng hiếm có” khi đạt được sự minh triết mà không có thiền hay công cụ nào. Hay với Socrate, Osho cảm thán: “Không có Socrates, Hy Lạp sẽ chẳng là gì cả. Với Scorates, Hy Lạp có mọi thứ”. Tuy nhiên, ông cũng chua chát viết: “Vào ngày Athens chọn cách đầu độc Socrates, đất nước này không bao giờ có thể đạt đến những tầm cao tương tự như thế một lần nào nữa”. Còn triết gia người Đức Nietzsche, Osho nhận xét: “Nietzsche có thể là một sự tự do vĩ đại, nhưng không có thiền, đó là một mối nguy hại lớn”; với nhà hiền triết Krishnamurti, Osho cho rằng những lời chia sẻ của ông là “quá nghiêm túc” và “chưa chạm đến trái tim con người”.
Qua câu chuyện và cuộc đời của 20 nhà tư tưởng, Osho như gửi gắm một thông điệp rằng, chúng ta hãy không ngừng đấu tranh và làm mới chính mình, thừa nhận những nghịch lý đồng thời trân trọng những vẻ đẹp mà cuộc đời ban tặng. Sách cũng đề cập nhiều kiến thức về thiền định: Lý do mà ta cần thiền, ý nghĩa của sự sống và cái chết, lợi ích của thiền định đến cơ thể và tâm thức mỗi người. Và quan trọng hơn, Osho muốn thức tỉnh con người hướng đến những giá trị vĩnh hằng, hoàn thiện bản thân và tâm thức trước cuộc sống đầy xô lệch, bất trắc phía trước.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.