Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ: Nước cờ tâm lý

05/03/2021 06:13 GMT+7

Chuyện chiếc phi cơ đưa những yếu nhân của đoàn ngoại giao Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến VNDCCH “gặp trục trặc” đã mở màn cho những “đòn tâm lý” trong cuộc hội nghị trù bị Đà Lạt năm 1946.

“Lệch pha” ngôn ngữ ngoại giao

“Một giờ sáng mới được tin chiếc máy bay thứ hai bị hỏng máy quạt, phải ở lại Paksé (Lào), chờ hôm sau dưới Sài Gòn đem máy quạt lên thay mới tới được”. Và ông Trần Văn Tuyên (Đổng lý Bộ Ngoại giao của Chính phủ Liên hiệp) có vẻ vẫn còn chừa lại một khả năng cho thuyết âm mưu: “Hỏng máy thực hay là đòn tâm lý?”.
Hội nghị Đà Lạt được chuẩn bị trong một thời gian khá ngắn, cả hai phía, Pháp và Việt Nam lúc bấy giờ đều có những thay đổi về nhân sự chủ chốt, hơn nữa, với mặc định “trù-bị”, “dọn đường” cho hội nghị chính thức tại Fontainebleau (Paris, Pháp) vào tháng 7 năm đó, cho nên sự khó gặp gỡ trong quan điểm lớn là điều dễ hiểu. Sự lệch pha còn thể hiện trong ngôn ngữ ngoại giao. Điều này, hơn ai hết, ông Trần Văn Tuyên có tỏ bày thái độ rõ ràng nhất so với các thành viên đoàn Việt Nam.
Phản ứng đầu tiên là việc Pháp trước đó thông tin Cao ủy d’Argenlieu làm trưởng phái đoàn, nhưng ngày 18.4 thì đoàn Việt Nam bất ngờ nghe phong thanh rằng ông Max André sẽ thay thế. Ông Tuyên viết rằng về phía đoàn Việt Nam, ngay từ đầu, “mọi người bất mãn ra mặt vì cho rằng Max André không đáng nói chuyện với ta”.
Rồi chuyện Pháp chưa chính thức mời phía Việt Nam có buổi gặp gỡ đầu tiên, tuy nhiên họ đã báo trước với báo chí sẽ có một phiên họp lúc 10 giờ ngày 18.4, rồi sau đó, lại ra thông báo ông Cao ủy chờ mà không thấy đoàn Việt Nam đến, điều này “trái tập quán ngoại giao quốc tế”.
Bữa cơm đầu tiên của hai phái đoàn diễn ra lúc 13 giờ, và nó được thu xếp bằng cách “thư qua tin lại” trước đó 10 phút. Tại bữa cơm lúc xế chiều này, ông Cao ủy d’Argenlieu móc túi lấy ra bản diễn văn Hội nghị để đọc, trình bày chủ trương Liên bang Đông Dương của Pháp. Phía Việt Nam, Trưởng đoàn Nguyễn Tường Tam đã trả lời không phải bằng tiếng Pháp, mà là tiếng Việt để hai ông Nguyễn Mạnh Tường và Nguyễn Văn Huyên làm thông ngôn. Chi tiết này cũng dấy lên một cuộc công kích trên báo chí Sài Gòn và Pháp quốc nhằm vào phép ngoại giao của đoàn Việt Nam. Và trong một cuộc họp sau đó, chính ông d’Argenlieu cũng mỉa mai rằng đó là một thái độ vô ơn, “ăn bánh mì mòn răng ở Paris mà làm bộ không biết nói tiếng Pháp”.
Tuy nhiên, theo những gì được các ông Hoàng Xuân Hãn và Trần Văn Tuyên thuật lại, thì chi tiết Nguyễn Tường Tam đối đáp bằng tiếng Việt là một tính toán chủ động và có “ý đồ ngoại giao” riêng: vì tinh thần dân tộc; để người nói có thì giờ suy nghĩ và nếu cần, để thông dịch viên chỉnh sửa những suy nghĩ của người nói.

Vì sao Nguyễn Tường Tam “ẩn mình” ?

Trong phát biểu của mình, ông Nguyễn Tường Tam khéo léo không nhắc đến cụm từ “Liên bang Đông Dương”, chỉ nói lướt qua về khái niệm “Liên hiệp Pháp”. Trưởng đoàn Việt Nam cũng không đá động gì đến sự lôi thôi về ngoại giao lẫn việc Pháp thay thế người trưởng đoàn. Nhưng sự thay đổi vị trí trưởng đoàn từ phía Pháp cũng kéo theo sau đó là sự tiết chế trong vai trò của Nguyễn Tường Tam.
Ông Tam gần như chỉ xuất hiện trong những phiên họp quan trọng và đưa ra thông điệp cần thiết khi người được xem đồng cấp với ông - Cao ủy d’Argenlieu xuất hiện.
Vai trò của ông gần như là kiểm soát sự chừng mực, đặt tầm nhìn cao hơn những tương phản và tranh cãi, để đảm bảo cho thể diện ngoại giao cũng tạo thế khách quan để nắm bắt tốt nhất các thông điệp mà đối phương (nếu có thể nói là vậy) nêu ra qua hơn hai tuần hội thảo có tính “thăm dò” này. Điều này rất khác với một số định kiến từ chính người trong cuộc cho rằng Nguyễn Tường Tam mờ nhạt hoặc lẩn tránh, không phát ngôn.
Những tường thuật từ báo Tin Điển trong suốt thời gian Hội nghị diễn ra cho thấy ông làm tròn vai của một trưởng đoàn đã được đặt vào vị trí chủ tọa hội nghị, và trong tư cách Ngoại trưởng của một chính phủ mà trước khi lên đường, Chủ tịch Chính phủ đã bàn bạc, nhất quán trong ngôn ngữ ngoại giao.
Trong hồi ký Một vài ký vãng về Hội nghị Đà Lạt (NXB Văn hóa, 1996), Hoàng Xuân Hãn - Trưởng ban Chính trị của đoàn Việt Nam - cũng nói rõ về việc “phân vai”: “Nguyễn Khắc Hòe coi bí thư, Thu thường thư, Trần Văn Tuyên nội vụ và điển lễ. Khoa liên lạc địa phương có Hòe giúp (Hòe trước có làm quản đạo Đà Lạt và Khoa đã làm kỹ sư vùng này), Cận điều tra, Tình và Thanh việc liên lạc xa bằng vô tuyến điện. Mạnh Tường và Huyên là phát ngôn nhân. Nguyễn Tường Tam, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Xuân Hãn, Vũ Văn Hiền, Bùi Công Trừng dự tiểu ban thảo những tuyên ngôn. Riêng tôi được giao công việc liên lạc thường trực” (...), “định rằng khi gặp Phái đoàn Pháp, nếu d’Argenlieu diễn thuyết thì Tam chỉ trả lời vắn tắt mà thôi”.
(Trích Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ, NXB Trẻ, 2021)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.