"Dã tràng ca" trở lại

18/03/2009 23:37 GMT+7

Đó là trường ca của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, được nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân tìm thấy vào năm 2001.

Dã tràng ca được nhiều người xác nhận là bản trường ca đầu tiên của nhạc sĩ họ Trịnh, ghi nhiều dấu ấn ảnh hưởng đến cả cuộc đời sáng tác của ông sau này.

Đêm nhạc đặc biệt tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do Trung tâm văn hóa ATB tổ chức (20 giờ ngày 1.4.2009 tại Nhà hát Hòa Bình, TP.HCM) với sự tham dự của các ca sĩ Ánh Tuyết, Đức Tuấn, Nguyên Thảo, Xuân Phú, Quỳnh Lan, Thụy Long... Nhiều ca khúc nổi tiếng như Người về bỗng nhớ, Xin cho tôi, Rừng xưa đã khép, Để gió cuốn đi, Biển nghìn thu ở lại... được thể hiện với phong cách hoàn toàn mới. Đặc biệt chương trình có tiết mục Dã tràng ca.

Sau ngày Trịnh Công Sơn qua đời (1.4.2001), họa sĩ Đinh Cường từ Virginia (Mỹ) đã gửi cho nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân một bài viết kể về những kỷ niệm của ông với nhạc sĩ họ Trịnh, trong đó có đề cập đến bản trường ca này. Tuy nhiên, cho đến lúc từ giã cõi đời, nhạc sĩ vẫn không hề nhắc đến Dã tràng ca. Tò mò, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã bỏ công sưu tầm, quyết tìm ra Trường ca Tiếng hát dã tràng (tên gọi ban đầu của Dã tràng ca). Qua những người bạn, ông Xuân biết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác và chỉ huy biểu diễn tác phẩm này vào năm 1962 trong một đại nhạc hội của trường Đại học Quy Nhơn. Nhà trường yêu cầu ông soạn một trường ca đánh dấu lễ tốt nghiệp đầu tiên. Dã tràng ca như một lời tự sự về chính cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn.  Từ thông tin ít ỏi đó, ông Xuân vào Quy Nhơn hỏi thăm, nhưng không ai biết về tác phẩm này.

 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân - Ảnh: AT cung cấp

Không nản chí, nhà nghiên cứu tiếp tục vào Nha Trang tìm gặp nhạc sĩ Phan Văn Bình - bạn học, người cùng ở trọ và hoạt động âm nhạc với Trịnh Công Sơn trong những năm 1960. Ông Bình chính là người hát rất đạt Dã tràng ca thời đó. Năm 1973, ông chỉ huy sinh viên dựng lại trường ca nhân lễ trao bằng tốt nghiệp của Viện Đại học cộng đồng Duyên Hải (Nha Trang). Tham gia buổi lễ, ngoài Trịnh Công Sơn còn có nhà dịch thuật Bửu Ý, họa sĩ Đinh Cường, điêu khắc gia Lê Thành Nhơn... Nhưng đáng tiếc là Văn Bình cũng không có Dã tràng ca trong tay. Tình cờ trong một tiệc cưới, Nguyễn Đắc Xuân gặp ông Nguyễn Hồ - một trong những sinh viên của buổi lễ tốt nghiệp tại ĐH Quy Nhơn năm 1964 - còn giữ được bản nhạc này khi tập hát. Theo lời của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân thì: “Có lẽ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn muốn giao cho tôi làm công việc này nên mới phù hộ tôi gặp may mắn đến thế!”.

Dã tràng ca gồm hai phần với 13 đoản khúc. Về hình thức, đây là một bài hát thơ dài, thể hiện đầy đủ nhất phong cách âm nhạc Trịnh Công Sơn. Kỷ niệm 8 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca sĩ Ánh Tuyết và phòng trà ATB sẽ dàn dựng lại tác phẩm này trong 15 phút với sự tham dự của 30 ca sĩ trong dàn hợp xướng. Ca sĩ Ánh Tuyết cho biết đây sẽ là hình thức kể chuyện bằng âm nhạc, như lời tự sự của người nhạc sĩ tài hoa về thân phận, về cuộc đời.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.