Đằng sau hồi ký nghệ sĩ Việt

Đọc hồi ký của các nghệ sĩ Việt có thể thấy nhiều tư liệu nghệ thuật giá trị, nhưng cũng thấy cả công nghiệp khai thác sự nổi tiếng của nghệ sĩ.

Bóng tối sau ánh hào quang
Còn nhớ, dù mạng xã hội chưa phát triển rộng rãi, một cơn bão truyền thông đã ào đến hồi năm 2006 khi Lê Vân ra mắt cuốn tự truyện Lê Vân: Yêu và sống. Trả lời báo chí, NSND Trần Tiến khi đó cho rằng đó là “một sự phản bội và mất dạy”.
Ông còn cho biết chính em gái Lê Vân là Lê Khanh cũng không muốn đọc tự truyện đó. Trong tự truyện Lê Vân: Yêu và sống, Lê Vân kể câu chuyện làm người thứ ba của mình, cũng như chuyện đã bị tổn thương vì chứng kiến cha mẹ không hạnh phúc ra sao... “Trước đây, chúng ta chỉ có hồi ký của anh hùng, tướng lĩnh... Bắt đầu từ tự truyện Lê Vân ta mới có hình thức tự truyện của người nổi tiếng. Dễ nhận thấy ngay rằng cuốn Lê Vân: Yêu và sống đã khiến công chúng tò mò, họ hiểu sau ánh sáng của ngôi sao thì đôi khi có những góc tối. Và nếu nhân vật chỉ toàn ánh sáng thì người ta càng muốn biết sau ánh sáng rực rỡ đó là bóng tối gì”, nhà nghiên cứu văn học Trần Ngọc Hiếu, ĐH Sư phạm Hà Nội, nói.
Sau đó có rất nhiều hồi ký nghệ sĩ nổi tiếng ra mắt. Trần Lập có Bên kia bức tườngRong chơi, Thương Tín có Thương Tín - Một đời giông bão, Khánh Ly có Đằng sau những nụ cười, Ái Vân có Để gió cuốn đi, Kim Cương có Sống cho người sống cho mình... Trong đó, có những tự truyện hoặc hồi ký như của Phạm Duy hay Thương Tín khi ra mắt đã dấy lên câu hỏi về lối sống nghệ sĩ, khi cả hai đều không ngại ngần chia sẻ những cuộc tình quá khứ.
Tuy nhiên, các hồi ký, tự truyện này đều có giá trị tư liệu. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Kha đánh giá tốt tư liệu âm nhạc trong Hồi ký Phạm Duy. Ông Trần Ngọc Hiếu cho rằng sự thành thật và nhu cầu bộc lộ cá nhân qua những tự truyện đã xuất bản là có: “Tự truyện nghệ sĩ cho thấy những dồn nén từ đời sống của một ngôi sao. Nó thể hiện cá nhân của người nghệ sĩ, góc khuất của họ. Các hồi ký này ở VN không phải là tự truyện chỉ nói về thành công, mà nó nói chuyện để người đọc thấy được họ có lỗi lầm, chán chường, thất bại. Điều đó có ý nghĩa. Chẳng hạn, từ giáo dục có thể đặt ra vấn đề về người thứ ba, hay bố mẹ che giấu chuyện xích mích với nhau thì con cái tổn thương thế nào”.
Công nghiệp khai thác “sao” ?
Theo ông Trần Ngọc Hiếu, việc xuất hiện nhiều tự truyện, hồi ký nghệ sĩ cho thấy sự hình thành “công nghiệp khai thác người nổi tiếng” ở VN, tuy nhiên thể loại này vừa nhen lên giá trị văn học thì lại bước ngay vào thời kỳ nhiều ngôi sao coi các cuốn sách như một sản phẩm nối dài phục vụ công việc của họ. “Nhiều khi đó là một sản phẩm truyền thông, trong một chiến lược truyền thông”, ông Hiếu nói.
Mới đây, tự truyện Chạm tới giấc mơ của ca sĩ Sơn Tùng M-TP chỉ trong 5 - 7 ngày phát hành đã tiêu thụ 17.000 cuốn. Sơn Tùng giải thích: “Tùng chỉ muốn truyền cảm hứng, giúp các bạn trẻ có thêm động lực chạm đến ước mơ. Tùng khẳng định không đặt nặng chuyện kiếm tiền, kinh doanh. Hy vọng thông qua những câu chuyện về cuộc đời mình sẽ truyền thông điệp đến bạn trẻ rằng đừng ngại, đừng sợ mà hãy dấn thân”. Tuy nhiên, bên cạnh sự ủng hộ, có ý kiến cho rằng Sơn Tùng đang “kinh doanh” đời tư của mình bởi thành tích 5 năm vào showbiz chưa đáng để viết tự truyện.
Sơn Tùng M-TP ký tặng tự truyện cho các fan Ảnh: Chu Dũng
Sau Sơn Tùng, ca sĩ Hoàng Thùy Linh sẽ phát hành tự truyện Vàng Anh và Phượng Hoàng vào đầu tháng 11 tới. Thông tin này dấy lên ý kiến tranh luận về việc Hoàng Thùy Linh có nên khơi gợi lại câu chuyện Vàng Anh của 10 năm trước (cô dính scandal lộ clip “nóng”)? Cô cho biết: “Tôi nhìn mọi chuyện đã qua, nhìn nhận nó với tâm thế Hoàng Thùy Linh của hiện tại. Tôi coi chông gai của mình là một gia tài, khi mình đã vượt qua chông gai tôi muốn chia sẻ nó đến những bạn trẻ, đặc biệt là những bạn nữ vì dù chuyện gì xảy ra, phụ nữ vẫn luôn là những người chịu thiệt thòi hơn cả. Ai cũng phải vượt qua bóng tối mà bước ra ánh sáng. Đây là lần duy nhất mà tôi đề cập đến vấn đề này”.
Phát hành tháng 8 vừa qua, tự truyện Lột xác của Lâm Khánh Chi kể lại hành trình sống 40 năm với bao đắng cay ngọt bùi từ chàng ca sĩ Lâm Chí Khanh thành cô ca sĩ Lâm Khánh Chi ngày nay. Song, cũng từ cuốn tự truyện này, những câu chuyện tình yêu quá thầm kín tưởng chừng đã ngủ yên được cô “khơi gợi” lại làm showbiz dậy sóng. Chuyện của Lâm Khánh Chi ít nhiều đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người từng đi qua đời cô.
Dù với mục đích gì, các nghệ sĩ, người nổi tiếng cũng nên cẩn trọng khi cho ra tự truyện của mình. Còn nhớ, trước đây Hoa hậu Hà Kiều Anh từng muốn phát hành tự truyện. Nhưng sau khi cuộc đời rơi vào biến cố, cô cho biết đã không viết tiếp và muốn dừng lại vì sợ một lần nữa phải đối mặt với những nỗi buồn trong đời.
Cùng với Hồi ký Phạm Duy, Lê Vân: Yêu và sống trở thành đối tượng nghiên cứu của nhà nghiên cứu Mỹ John C.Schafer. Ông đã tham khảo 2 cuốn hồi ký để gọi ra bản chất của tư duy về nam và nữ giới ở VN được viết trong cuốn Đọc Phạm Duy và Lê Vân - Tư duy về nam và nữ giới. “Đúng như John Schafer giải thích, ông đọc Hồi ký Phạm Duy và tự truyện của Lê Vân đều không phải tình cờ. Ông thấy ở hai tác phẩm đó những cứ liệu đủ để chúng là công cụ thích hợp giúp tìm hiểu ý thức giới ở VN”, TS Bùi Trân Phượng, ĐH Hoa Sen, chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.