Dấu xưa Đồng Tháp Mười: Kỳ bí Gò Minh Sư

Gò nằm trong quần thể di tích khảo cổ Gò Tháp Mười tại ấp 1,xã Tân Kiều, H.Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Gò nằm trong quần thể di tích khảo cổ Gò Tháp Mười tại ấp 1,xã Tân Kiều, H.Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Di tích Gò Minh Sư sau khi khai quật - Ảnh: Hoàng PhươngDi tích Gò Minh Sư sau khi khai quật - Ảnh: Hoàng Phương
Vào khoảng năm 1919 - 1920, một người theo đạo Minh Sư tên là Trần Văn Huê đến đây, thấy cảnh quan u tịch nên cất một cái am tu hành, tổ chức cầu cơ quy tụ tín đồ. Từ đó người dân địa phương quen gọi là Gò Minh Sư.
Mặc dù nằm giữa vùng Đồng Tháp Mười nhưng trong trận lụt lịch sử năm 2000, người dân địa phương cho biết trong khi khu vực xung quanh nước ngập sâu qua khỏi ngực thì Gò Minh Sư chỉ hơi mấp mé. Gò có diện tích 1.500 m2, cao 4,311 m, xung quanh trồng cây ăn trái và nhiều loại cây dại bao phủ tạo không gian mát mẻ. Hiện nay Gò Minh Sư được bảo quản bằng công trình mái che 2 lớp thông thoáng.
Phát lộ đền thần Shiva
Dấu xưa Đồng Tháp Mười: Kỳ bí Gò Minh SưNhẫn vàng phát hiện ở Gò Minh Sư năm 2009    Ảnh: Võ Tấn Nghĩa



Từ năm 1989, Gò Minh Sư được Bộ VH-TT xếp hạng là di tích cấp quốc gia. Đến năm 2012, Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là “di tích quốc gia đặc biệt”. Hiện nay Gò Minh Sư là một trong những điểm tham quan hấp dẫn du khách mỗi khi Gò Tháp có lễ hội, đồng thời cũng là nơi còn chứa đựng nhiều điều bí ẩn đối với các nhà khảo cổ.

Theo tài liệu của Ban Quản lý khu di tích Gò Tháp thì Gò Minh Sư được xác định là một trong những quần thể di chỉ khảo cổ của Vương quốc Phù Nam thuộc nền văn hóa Óc Eo từ hàng ngàn năm trước. Năm 1984, đoàn khảo cổ thuộc Phân viện Khoa học xã hội TP.HCM đã đào một hố sâu trên đỉnh gò và kết luận rằng đây không phải là gò đất tự nhiên mà do con người đắp. Chiều cao của gò được cấu tạo gồm 12 lớp đất xen kẽ nhau, cứ mỗi lớp đất được cách một lớp gạch nhằm tạo nền móng vững chắc cho ngôi đền.
Qua các đợt khai quật từ năm 2001 - 2003, các nhà khảo cổ đã mở rộng vị trí ở phía đông nam cách chân Gò Minh Sư chừng 100 m và đã làm rõ các đặc điểm của di chỉ cư trú ở vùng này. Đây là hình thức cư trú trên các đồi gò thấp bên các con lạch nhỏ. Đến đợt khai quật năm 2009 đã khẳng định đây là một trong những kiến trúc đền thờ thần Shiva thuộc nền văn hóa Phù Nam, sau khi phát hiện từng mảng lớn những khối gạch được lát theo kiểu hình trụ đứng. Từ trung tâm di tích tỏa đi các hướng là khối gạch được xếp theo hình chữ nhật với chiều dài khoảng 12 m, ở giữa có một lỗ hình chữ nhật kéo dài và cắt một cạnh của hình chữ nhật khác, có rãnh khoảng 0,5 m...
Khi ngôi đền được khai quật tổng thể đã xuất lộ một bình đồ kiến trúc xây dựng bằng gạch khá phức tạp, gồm khu vực trung tâm có dạng hình ngôi đền khối vuông, hành lang ngoài, bờ tường, kiến trúc cổng đền và máng dẫn nước thiêng. Ở phía tây khối gạch trung tâm, các nhà khảo cổ đã thu được lớp tro đen và những vật dụng như đồ gốm cổ, đầu ngựa làm bằng đất nung. Lớp cuối cùng là những cột gỗ mà các nhà nghiên cứu nghi là người Phù Nam đã sử dụng để chống lún.
Ngoài ra, trong đợt khai quật lần này, nhiều hiện vật đã được phát hiện như khuyên tai bằng vàng, vòng đeo tai bằng đồng, đầu ngựa bị vỡ, vật hình bánh xe và một số đĩa nhỏ... Đặc biệt là tìm thấy ở bờ tường khu vực phía nam một chiếc nhẫn vàng khắc hình con ốc Sankha, biểu tượng của thần Vishnu, xung quanh có chạm dây lá cách điệu. Theo anh Võ Tấn Nghĩa (Ban Quản lý khu di tích Gò Tháp) thì đây là hiện vật thuộc loại “độc bản” quý hiếm.
Đến năm 2013, tiếp tục khai quật phía tây Gò Minh Sư, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một số tượng thần Vishnu bị mất tay nhưng còn nguyên chân đế và khoảng 80 hiện vật bằng vàng, có chạm khắc hình con bò rất sống động, hình bánh xe và một số đồ trang trí mỹ nghệ khác... “Những hiện vật này nhà khảo cổ Đặng Văn Thắng cho là đồ tế lễ, cúng thần. Gò Minh Sư có 2 lớp di chỉ, trùng tu nhiều lần, lớp trên đậy lớp dưới và các nhà khảo cổ khẳng định đây là đền thờ thần Shiva”, anh Nghĩa cho biết.
Nhiều hiện vật được hiến tặng
Cũng theo anh Võ Tấn Nghĩa thì trước khi khai quật, ở chính giữa Gò Minh Sư có miếu Ông Tà, bên cạnh có hai phiến đá bùn. Hiện nay, miếu Ông Tà đã được dời dựng cạnh Gò Minh Sư. Ở đây người dân thường nhặt đá chất xung quanh miếu để thờ cúng, trong đó có cả một số hiện vật đá như linga - yoni.
Cũng tại đây đã phát hiện được phiến đá vỡ tạo hình 2 bàn chân của thần Vishnu, giới chuyên môn gọi là “dấu chân thần”. Năm 1992, một người dân cũng đã hiến tặng một cục gạch có hình dấu chân thần. Trước đó người dân địa phương cũng đã hiến tặng rất nhiều hiện vật như chân đế tượng thần Vishnu đá, cánh tay gãy của tượng thần Vishnu, rìu đá, xương cá sấu, tượng Phật bằng gỗ, linga - yoni bằng đá...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.