Đem mặc nưa ra thế giới

08/08/2014 03:00 GMT+7

Nhiều nhà thiết kế VN đã dám chọn những chất liệu truyền thống độc và lạ như lãnh Mỹ A, thổ cẩm, lụa Hà Đông để làm nên những bộ trang phục giới thiệu ra thế giới.

Tìm lại những gì bị quên lãng


Bộ sưu tập Võ Việt Chung mang đến Mỹ bằng chất liệu mặc nưa - Ảnh: Tô Thanh Tân 

Ngày 6.9, nhà thiết kế Võ Việt Chung sẽ mang 30 mẫu thời trang được làm bằng mặc nưa (ni lông pha tơ tằm được nhuộm màu của hạt cây mặc nưa - một chất liệu truyền thống VN đã bị mai một) đến trình diễn tại Couture Fashion Week ở New York, Mỹ. Đây là tuần lễ thời trang nổi tiếng và được chờ đợi trong năm tại Mỹ, quy tụ các nhà thiết kế hàng đầu thế giới cùng ngôi sao thuộc nhiều lĩnh vực tham dự.

Nhà thiết kế Võ Việt Chung là gương mặt duy nhất đại diện VN tham gia tuần lễ này (diễn ra từ ngày 5 đến 7.9 tại Crowne Plaza Times Square Manhattan) theo lời mời của Andres Aquino (người sáng lập và nhà sản xuất của chương trình). Phần trình diễn của Võ Việt Chung sẽ diễn ra lúc 18 giờ ngày 6.9. Để đến với tuần lễ này, anh cho biết: “Tôi sẽ lên đường vào đầu tháng 9 nhằm tuyển chọn người mẫu quốc tế, gặp gỡ các chuyên gia làm đẹp và trao đổi ý tưởng từ đạo diễn chương trình. Riêng về bộ sưu tập, tôi đã quyết định mang Huê khôi xứ Nam Kỳ (Miss Beauty of Southern Region) đến Mỹ. Đây là bộ sưu tập mà tôi mất 2 năm để hoàn thành”.

Khác với những lần trình diễn trước ở nước ngoài, lần này Võ Việt Chung mang một chất liệu tưởng chừng đã đi vào quên lãng của VN (được anh bỏ hàng chục năm khôi phục) đến tuần lễ thời trang lớn tại Mỹ. Chắc chắn đây sẽ là điều thú vị cho một chất liệu độc, lạ như mặc nưa, song liệu nó có đủ lực chinh phục thế giới bởi màu chủ đạo của mặc nưa đơn giản là đen. Kết quả này hẳn sẽ phải đợi ngày nhà thiết kế trở về từ Mỹ. Trước đây, Võ Việt Chung cũng từng chinh phục bạn bè thế giới qua chất liệu lãnh Mỹ A. 

 

Chiếc áo dài VN vốn đã khác biệt rồi, nhưng khi được làm bằng lụa thì nó làm cho tôi cảm thấy mình dịu dàng, đằm thắm hẳn ra

Hoa hậu Hoàn vũ 2008 Dayana Mendoza

Nhà thiết kế Văn Thành Công hiện đang hoàn thành bộ sưu tập với những hoa văn được lưu truyền từ ngàn xưa trình diễn tại Tuần lễ thời trang sinh viên thế giới tại Nhật Bản (vào tháng 11 tới). “Tôi sẽ thực hiện bộ sưu tập kết hợp từ chất liệu thổ cẩm Tây nguyên và từ lụa tơ tằm miền Bắc đến thổ cẩm vùng núi. Lãnh Mỹ A của miền Nam cũng sẽ được tôi mang đi lần này. Tôi nghĩ bạn bè thế giới sẽ thích thú” - Văn Thành Công cho biết.

Nhắc đến chất liệu dành cho thời trang Việt, còn nhớ khi đến VN tranh tài tại Hoa hậu Hoàn vũ 2008 và Hoa hậu Trái đất 2010, hơn 30 hoa hậu các nước đã trầm trồ và muốn sở hữu những chiếc áo dài được làm bằng lụa truyền thống VN, đặc biệt lụa Hà Đông; rồi những mẫu thiết kế làm bằng thổ cẩm. Theo lời Hoa hậu Hoàn vũ Dayana Mendoza (năm 2008): “Chiếc áo dài VN vốn đã khác biệt rồi, nhưng khi được làm bằng lụa thì nó làm cho tôi cảm thấy mình dịu dàng, đằm thắm hẳn ra”. Cô cũng thích dùng lụa VN làm khăn choàng.

Cần thời gian để khẳng định

Về kiểu dáng, đường cắt cúp, màu sắc… các nhà thiết kế trong nước đã được chú ý không chỉ ở châu Á mà còn châu Mỹ, châu u, Úc... Song nhắc đến chất liệu và độ bền theo thời gian, họ vẫn còn đó nỗi khát khao. Văn Thành Công nói thêm: “Tôi đã mang lụa vàng Hà Đông đến trình diễn tại Mỹ và Nhật, tất cả tạo ấn tượng rất tốt. Nhưng với kỹ thuật của VN hiện nay thì chất liệu vẫn chưa đáp ứng nhu cầu và điều kiện của thị trường quốc tế. Vì không bền, mau phai màu, bị rạn, nhăn, chưa đa dạng về màu sắc; kỹ thuật dệt cũng chưa phong phú… là những điểm yếu khiến chúng ta khó bắt kịp thời trang thế giới. Để khắc phục được những điều này quả không dễ”.

Nói như nhà thiết kế Thuận Việt: “Chất liệu truyền thống VN vẫn cần thời gian để khẳng định bởi một số hạn chế về mẫu mã, hoa văn. Phần giữ màu cũng chưa tốt. Để chinh phục thế giới cần phải khắc phục những nhược điểm này”. Thuận Việt từng làm rạng rỡ thời trang Việt khi sáng tạo nên những chiếc áo truyền thống cho các người đẹp tham dự Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Trái đất… làm từ chất liệu truyền thống lụa Hà Đông và vải lanh (loại vải cũng bằng lụa nhưng được dệt bằng sợi thô). Tuy nhiên, điều mà Thuận Việt trăn trở nhất là làm sao đạt đến độ bền từ chất liệu VN cho người sử dụng...

Khắc phục những nhược điểm trên xem ra không quá khó với chất liệu VN đã và đang có. Nhưng vấn đề lớn ta đang gặp phải là chất liệu truyền thống còn lưu giữ đến ngày nay gần như làm thủ công, bằng tay, kỹ thuật dệt chưa được cải tiến đạt tiêu chuẩn quốc tế... Vậy nên sẽ rất khó để đạt được độ bền theo thời gian nếu chúng ta không tìm cách khắc phục.

Nhà thiết kế Quỳnh Paris: “Tôi từng sản xuất và bán những kiện hàng lớn đều làm bằng chất liệu truyền thống VN tại 2 thị trường Pháp và Mỹ. Nhận xét từ khách hàng rất tốt bởi sợi lụa VN mềm, mộc, hoa văn lạ. Nhưng cái chính để đạt độ bền màu, độ sắc nét thì vẫn còn mắc nhiều lỗi. Phần lớn chỉ làm khăn, áo phom suông thì an toàn. Tôi nghĩ, nếu chúng ta tìm kiếm những kỹ thuật mới cũng như cách kết cấu sợi, dệt liên kết tốt hơn thì sẽ khắc phục được nhược điểm. Hằng năm, thế giới luôn tổ chức những show lớn về chất liệu, chúng ta nên tham gia để học hỏi thêm”.

Nhà thiết kế Nguyễn Công Trí: “Theo tôi, vấn đề này cần các nhà sản xuất, nhất là sản xuất về chất liệu lụa tơ tằm, silk... quan tâm. Nếu như chúng ta làm tốt, vì điều này không khó, nằm trong khả năng mình có thì một ngày nào đó chất liệu chúng ta sẽ được thế giới công nhận”.

Dạ Ly

>> Lễ hội văn hóa Áo dài Việt Nam tại Mỹ
>> Áo dài Việt Nam tham gia lễ hội tại Mỹ
>> Siêu mẫu quốc tế thướt tha trong áo dài Việt Nam
>> Hoàng gia Đan Mạch mặc áo dài Việt Nam
>> Gặp lại Hoa hậu Áo dài Việt Nam đầu tiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.