Di cảo thơ đồ sộ của Trần Quang Long

16/04/2017 06:41 GMT+7

Trong số các tác giả tiêu biểu trong phong trào đấu tranh tại các đô thị miền Nam trước 1975, phải kể đến nhà thơ Trần Quang Long.

Năm 25 tuổi, ông đã cho ra đời bài thơ nổi tiếng Thưa mẹ, trái tim với tuyên ngôn đanh thép: “Con sẽ vót nhọn thơ thành chông/Xuyên vào gan lũ giặc/Con sẽ mài văn như kiếm sắc/Trả thù cho cha, rửa hờn cho nước”.
Hối ức cảm động
Ông Trần Thiện Tứ, người bạn vào sinh ra tử cùng nhà thơ, năm nay đã 79 tuổi (sống tại Q.Gò Vấp, TP.HCM), nhớ lại: “Sau khi tham gia đấu tranh ở Huế, vào tù ra khám như cơm bữa, Trần Quang Long tốt nghiệp ĐH Sư phạm, chuyển vào Nam dạy học và gắn bó với phong trào học sinh - sinh viên Sài Gòn. Năm 1968, chúng tôi gặp nhau tại cơ quan T.Ư Mặt trận đóng ở Tây Ninh. Long, tôi và nhà báo Trần Triệu Luật ở chung công sự. Mỗi khi làm bài thơ nào xong, Long chép ra cuốn vở nhỏ rồi đưa cho tôi đọc, thẩm định trước. Chiều 10.10.1968, Trần Quang Long (lúc đó 27 tuổi) nhận được thư nhà báo tin vợ mới sinh con trai. Anh mừng đến phát… run, còn cầm thư đi khoe khắp nơi. Sáng hôm sau, máy bay Mỹ quần đánh. Sau đợt đầu tiên, tôi vừa vọt lên công sự thì thấy một đồng đội bị thương nặng, cả khuôn mặt máu me đầm đìa do sức ép của bom nên chạy tới trạm y tế lấy thuốc. Vừa quay trở về nửa đường thì máy bay địch quay lại, thấy nguy hiểm anh Lê Hiếu Đằng kéo tôi tạm lánh vào công sự của anh ấy thì ngay lúc đó một quả bom “đìa” 500 kg rơi ngay chỗ của Long và Luật, xoáy từ dưới đất lên khiến cả hai bạn tôi đều hy sinh”.
Khi đồng đội tìm được thi thể, tập thơ có ghi chữ Trần Quang Long vẫn được anh ôm chặt trong người. Nhiều mảnh bom nhỏ làm thủng một vài trang cuối. Trong tư trang của nhà thơ còn 2 tập thơ nữa và tất cả đều được chuyển ra miền Bắc. Sau ngày thống nhất, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường đã trao lại cho gia đình.
Tập thơ thấm máu
Ngồi lần giở lại những trang vở học trò của người cha đã ố màu cùng năm tháng tại căn hộ nhỏ ở chung cư Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), anh Trần Xuân Thắng nói: “Khi mẹ có bầu thì cha tôi đã vào R nên hai mẹ con đều bị giặc bắt bỏ tù. May mà vợ kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái và bạn tù đấu tranh dữ quá, địch mới cho mẹ ra ngoài sinh trong sự giám sát cẩn mật. Được 9 ngày, mẹ phải vào tù lại, tôi sống với ông bà ngoại từ đó”.
Ông Tôn Thất Dương Kỵ, ông ngoại của anh Thắng, là nhà trí thức yêu nước, từng giữ chức Tổng thư ký Liên minh Các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình VN. Về già, ông dành nhiều thời gian tìm lại những sáng tác của con rể bị thất lạc, nhờ vậy mà gia đình có được di cảo thơ khá đồ sộ.
Ngoài 2 tập chép bằng bút bi trên vở học trò ký tên Trần Quang Long, Thảo Nguyên với hàng trăm bài thơ... cùng những bức tranh tự nhà thơ vẽ minh họa, ông Kỵ còn tìm được cuốn sổ thơ rất dày viết trong giai đoạn Trần Quang Long ở Huế, tặng người yêu tên Đoan, có dán tấm hình trắng đen của tác giả lúc còn đi học. Ông Kỵ đã tuyển chọn một ít in trong cuốn Thưa mẹ, trái tim (NXB Văn nghệ Giải phóng) và khi ông Nguyễn Hữu Ngô biên soạn cuốn Trần Quang Long, cuộc đời và tác phẩm (NXB Thuận Hóa) có lấy thêm một số.
Nhà thơ Trần Quang Long Ảnh: tư liệu gia đình
Cầm tập thơ bằng vở học trò được nhà thơ Trần Quang Long ôm trong người lúc hy sinh, ướt đẫm máu của ông, đọc mà cảm động. Trong tập này có một bài ông viết về mẹ vẫn còn dang dở và một phần dành riêng cho hai người bạn: Quang và Phan Duy Nhân. Để nét chữ không bị hư hỏng, gia đình lấy khăn ướt chùi các vết máu của ông nên dù đã khô các tờ giấy vẫn bị xoắn lại. Các câu thơ hừng hực tính hiệu triệu thanh niên: “Hãy xông lên Phù Đổng, hãy xốc tới Quang Trung/Hãy sống lại thuở bình Mông, phá Tống/Tuổi trẻ thành đô, những người con anh dũng/Từng tay không đối mặt với quân thù” (1.6.1968).
“Nguyện vọng của gia đình là được xuất bản lại toàn bộ di cảo thơ một cách trang trọng, vì đấy không chỉ là mở cửa vào một “gia tài” đồ sộ về thơ của ba tôi mà còn là dịp để đồng đội, những độc giả từng yêu thích thơ Trần Quang Long có dịp gặp lại ông sau một thời gian dài vắng bóng trên thi đàn”, anh Trần Xuân Thắng bày tỏ.
Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập (1957 - 2017), Hội Nhà văn VN đã quyết định truy tặng giải thưởng Hội Nhà văn cho một số nhà văn, nhà thơ nổi tiếng đã hy sinh hoặc đã qua đời, trong danh sách có nhà thơ Trần Quang Long. Gia đình cũng cho biết thêm phần mộ của nhà thơ sau khi tìm được ở Tây Ninh đã đưa về an táng tại nghĩa trang TP.HCM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.