Đi theo “Áo lụa Hà Đông”

30/04/2005 20:35 GMT+7

Đây không phải là lần đầu tiên đi theo một đoàn làm phim, nhưng cảm giác của tôi lại rất hồi hộp, một phần vì tò mò muốn biết vì sao người ta (ba công ty tư nhân) lại có thể bỏ ra cả triệu đô la để làm bộ phim nhựa có cái tên hay như một câu thơ (Áo lụa Hà Đông) mà không phải chuyện tình hay “chân ngắn, chân dài” này nọ; phần khác, muốn tận mắt chứng kiến hai diễn viên Trương Ngọc Ánh và Quốc Khánh vì sao lại được đạo điễn khó tính Lưu Huỳnh chọn vào vai chính của bộ phim “đắt tiền” này khi họ đã được khán giả quá quen với một gương mặt hầu như hoàn toàn khác...

Chị Dần vú em đi ăn bún bò buổi sáng...

Mới gặp, tôi đã nói với Trương Ngọc Ánh rằng, một diễn viên xinh đẹp như cô, khi vào vai diễn một con ở, một vú em, một người cào hến... e sợ người xem khó tin... là thật. Ánh không trả lời thẳng vào câu hỏi mà kể cho tôi nghe chuyện cảnh quay ngày hôm trước: hóa trang xong, mặc cánh áo nâu, quần đen, đội mê nón trên đầu chờ diễn, thấy chị Tú Trinh cùng đoàn ngang qua, Ánh gọi nhưng chị cứ... phớt lờ. Mãi sau, nghe gọi hoài, chị Trinh quay lại: “Trời ơi, mày mà tao cứ tưởng là đứa đi lượm ve chai hay đứa nào đó đứng đây để... cò mồi khách du lịch!”. Chưa tin lắm, nhưng tôi cứ để bụng chờ xem...

Chị Dần vú em đi bán sữa trong phim và Trương Ngọc Ánh đang ăn... bún bò

5h00 sáng ngày 27/4, bấm máy cảnh chị Dần (Trương Ngọc Ánh) đi bán cơm hến trong đêm mưa, bối cảnh được chọn là đoạn đường gần Chùa Cầu của phố cổ Hội An. Thật không dễ gì nhận ra đó là người đẹp Trương Ngọc Ánh, cô đứng bên đường, với mê nón lá trên đầu, tấm áo mưa và gương mặt của một phụ nữ đã vắt kiệt sức mình cho cuộc mưu sinh. Cảnh quay bắt đầu, chị Dần với gánh cơm hến trên vai, tiếng rao “Ai cơm hến” yếu dần trong đoạn đường dài hun hút, dáng chị mỏng manh, liêu xiêu trong mưa gió (dĩ nhiên là nhân tạo)... Tôi đỡ gánh cơm hến trên vai Trương Ngọc Ánh, và tin ngay câu chuyện “người lượm ve chai” hôm trước.

Xem lại đúp quay, đạo diễn Lưu Huỳnh và quay phim Trinh Hoan gật đầu hài lòng. Thế là cô Dần kéo ngay chúng tôi ra quán bún bò góc đường Trần Phú (mà dường như cô đã quen từ khi ra Hội An từ đầu tháng 5 này). Khi trả tiền, tôi bảo: “Chị Dần bán hết gánh cơm hến cũng không đủ lãi để trả một tô bún bò Huế, huống chi đây đến... 5 tô?”. Ánh cười. Nghĩ chuyện vú em đi bán sữa mình để mưu sinh cho gia đình lại ăn sáng bằng bún bò, thấy ngồ ngộ.

Đạo diễn chú ý đến cả cái... móng chân

Giám đốc sản xuất Phước Sang kể rằng, kịch bản này được chính Lưu Huỳnh ấp ủ từ năm... 2000. Từ đó đến khi hoàn chỉnh, Lưu Huỳnh đã nhiều lần ra Hội An và đến các địa danh liên quan để sống, viết và chỉnh sửa ngay tại đó.

Hỏi cảm nhận của Trương Ngọc Ánh khi đọc kịch bản, Ánh lúng túng một lúc trong việc tìm từ để diễn đạt rồi nói: “Đây là một kịch bản rất sâu sắc và thâm thúy, tác giả chú ý đến từng chi tiết nhỏ nhất. Có nhiều trường đoạn dù người trong đoàn đã biết trước, nhưng khi quay vẫn không cầm được nước mắt”. Nhà quay phim Trinh Hoan và người phụ quay của mình cho biết, đạo diễn kỹ đến mức đã tính toán và vẽ ra các khuôn hình, các góc độ của máy...

Bố con anh Gù được che dù và... quạt

9h00 sáng ngày 27/4, đoàn thực hiện cảnh quay ở đường Trần Phú. Cảnh đầu mô tả một cuộc biểu tình của các nhà sư chống bắt lính. Khi phó đạo diễn, hóa trang và phục trang... chuẩn bị xong cho đoàn diễn viên quần chúng, đạo diễn Lưu Huỳnh nhìn xuống bàn chân (các nhà sư đi chân đất) thấy một người đóng vai nhà sư có móng chân hơi dài, anh lập tức cho dừng và yêu cầu phải... cắt cho ngắn lại. Có người đóng ni cô nhưng đang sơn móng chân, anh kiên quyết gọi người hóa trang đến... xóa ngay. Tiếng động được thu trực tiếp (do một chuyên gia âm thanh nước ngoài phụ trách) nên đạo diễn yêu cầu tất cả mọi người tắt điện thoại di động. Nhìn cách làm tỉ mẩn của đạo diễn Lưu Huỳnh, tôi trộm nghĩ: “Kiểu này thì dù có muốn mình cũng không thể nào làm được... đạo diễn”.

Bối cảnh của phim diễn ra từ năm 1954, Dần là con của một gia đình nghèo khó người niền Bắc, phải đi ở đợ. Cũng như nhiều người khác, nghe theo tin đồn Chúa xuất hiện ở miền Nam nên di cư vào theo. Dù đã đến mảnh đất nơi Chúa giáng thế, cuộc sống cơ cực vẫn không dứt bỏ cô. Dần vẫn là người đi ở đợ cho ông bà Tám. Cuộc sống truân chuyên đã đưa Dần đến với anh Gù (Quốc Khánh). Nên vợ chồng, có với nhau 3 mặt con và đang có bầu thêm đứa nữa, cuộc đời vẫn lam lũ như ngày nào. Nhưng họ vẫn phải sống, đặc biệt là phải sống ngay tại mảnh đất miền Trung khắc nghiệt với những trận lũ kinh hoàng. Nhiều người sẽ hỏi rằng, tại sao mảnh đất khắc nghiệt thế mà người ta (trong đó có gia đình Dần) vẫn sống mà không chuyển đi nơi khác? Đó là điều mà tác giả muốn lý giải: cái tình người, tình đất nó lạ lắm, hầu như có một sức mạnh vô hình để níu giữ con người.

Có 3 điều tôi cảm nhận được ở kịch bản, một là phải có niềm tin vào chính mình, đừng nghe lời đồn nhảm; hai là, sự khắc nghiệt của vùng đất miền Trung và sự thủy chung của con người với vùng đất ấy; ba là, chiếc áo dài - đây là sợi dây xuyên suốt như tên gọi của phim - sẽ được tôn vinh. Nếu không nhầm thì cả 3 vấn đề này lần đầu được đưa lên màn ảnh phim truyện. Mà lạ thay, đó lại là bộ phim do tư nhân góp vốn thực hiện. Tác giả kịch bản, đạo diễn và nhà sản xuất mạo hiểm quá chăng? Chính tôi cũng đã từng nghĩ như thế. Nhưng đã nhầm... Đó chính là điều mà sau này khán giả sẽ bị chinh phục.

Ba đứa con của chị Dần và anh chồng gù Quốc Khánh

Đạo diễn Lưu Huỳnh đang chỉ đạo một cảnh quay có nhiều quần chúng tham gia diễn xuất

Trương Ngọc Ánh nhận xét về anh chồng Gù - Quốc Khánh rằng, lâu nay, Quốc Khánh đã quá nổi tiếng với một gương mặt hài, nhưng sau phim này, người ta sẽ biết đến anh với một gương mặt khác và phải mất nhiều nước mắt vì anh. Đó mới chính là điểm mạnh của diễn viên này. Với Trương Ngọc Ánh, cô đã phải tập chèo thuyền vớt củi trong lũ lụt, ngâm mình dưới sông cào hến, làm vú em (đi bán sữa cho một ông già), gánh cơm hến đi bán và bị cảnh sát tra tấn vì bị tình nghi là Việt cộng... Sau vai diễn này, người ta cũng sẽ biết đến một gương mặt khác của Trương Ngọc Ánh vốn đã nổi tiếng lâu nay.
Lần đầu tiên sau phim này, khán giả sẽ biết đến 3 diễn viên nhỏ tuổi đầy tài năng bẩm sinh. Đó là 3 học sinh đến từ Hà Nội (đoàn làm phim đã phải xin chuyển các em vào Hội An để tiếp tục học tập trong thời gian đóng phim và xin bảo lưu kết quả khi chuyển lại trường cũ).

Từ một mảnh vải lụa anh Gù tặng chị Dần thời cùng đi ở đợ, gia đình anh chị mới may được chiếc áo dài duy nhất cho con. Nhưng anh chị có đến hai đứa con đã lớn là An và Ngô cần áo dài đi học. Thế là em Ngô mặc đi học xong, tan giờ phải chạy ra bụi chuối gần trường, nơi có chị An đang chờ sẵn, để cởi áo trao cho chị. Có lần Ngô làm dây mực trên áo, sợ mẹ la và sợ chị không có áo đi học buổi chiều, em bèn mang ra giặt, nhưng càng giặt vết mực càng loang ra, cho đến khi một trận gió lớn cuốn phăng chiếc áo... đứa em tội nghiệp chỉ biết đứng nhìn và nức nở khóc...

Nhiều người trong đoàn đã rơi nước mắt khi các em diễn cảnh này. Họ bảo, dường như các em sinh ra là để dành cho những vai diễn này. Phước Sang cho biết, Thiên Tú (vai Ngô) đang sinh hoạt tại một nhà thiếu nhi tại Hà Nội, khi được giới thiệu, diễn thử, đạo diễn khó tính Lưu Huỳnh ưng liền. Và An “tiến cử” một bạn thân (cùng học lớp 8) vào vai  người chị của mình, đạo diễn nhìn cũng gật đầu luôn. Nhưng tôi vẫn ấn tượng nhất với Thu Hằng (vai Lụt, con thứ ba trong gia đình chàng Gù), một gương mặt “không cần diễn đã biết vai nào”. Nếu có một nhận định, tôi không ngần ngại nói rằng, đây sẽ là những gương mặt sáng giá của điện ảnh nước ta trong tương lai gần.

Đạo diễn Lưu Huỳnh (áo trắng) và phó đạo diễn

Sáng 27/4, khi diễn xong cảnh được bố đèo trên xe đạp đi ngang đoàn biểu tình của phật tử, hai bố con anh Gù và Lụt được anh chị em trong đoàn và nhiều người dân quan tâm nhất, người cầm ô che, người quạt... Hình như họ cũng cám cảnh cho bố con anh Gù.

Hiện bộ phim mới chỉ quay được chưa đầy một nửa, tôi hỏi Trương Ngọc Ánh trong các cảnh đã quay, đối với cô, khó nhất và ấn tượng nhất là đoạn nào, Ánh cho biết: Kịch bản rất hay đến nỗi không thể chỉ ra đoạn nào hay nhất, ví như cảnh Dần đi làm vú em, bán sữa cho một ông già khiến chồng nghi ngờ; cảnh cố chèo thuyền trên lũ cố vớt được nhiều củi khiến thuyền bị chìm rất nguy hiểm và cảnh vào trường tìm con (khi mua được thêm chiếc áo dài) nhưng con đã mất...

***

Tất cả thành viên của đoàn làm phim đều tin tưởng vào bộ phim này, không chỉ vì doanh thu (theo thông tin của chúng tôi là đã có đơn vị ngỏ ý đặt mua) mà còn ở chỗ họ thực sự được làm nghề với một ê-kíp chuyên nghiệp thực hiện một bộ phim ý tưởng sâu sắc và cách nhìn tinh tế và mới lạ.

Riêng chuyện liên kết của 3 công ty Phước Sang, Ánh Nguyêt và BDH cũng thấy được sự chuyên nghiệp của họ, vì Phước Sang có kinh nghiệm trong sản xuất phim (từng làm nhiều phim đạt doanh thu cao), Ánh Nguyệt có thế mạnh về quảng cáo và BHD mạnh về phát hành.

Bộ phim còn tiếp tục quay nhiều cảnh ở các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là Hà Đông - nơi sinh ra áo lụa. Không có điều kiện để “đi theo Áo lụa Hà Đông” mà đồng nghiệp “chọc” là đi theo... chị Dần, không phải, vì chị Dần chưa từng được mặc áo dài, chị lam lũ suốt đời chỉ vì chiếc áo dài cho con, nhưng chính chị lại là biểu tượng của Áo lụa Hà Đông. Là người Việt Nam, ai cũng yêu quý và thực sự vui mừng khi chiếc áo ấy được tôn vinh!

Nguyễn Thế Thịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.