Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 9: Đến với Đại hội Điện ảnh Á Châu

02/08/2012 03:45 GMT+7

Hai lần đến Đài Bắc để lại trong ký ức đạo diễn Lê Hoàng Hoa “những đêm ngà ngọc” trên đồi Kulin và “những ngày không quên” tại Đại hội Điện ảnh Á châu kỳ thứ 17.

Nữ tài tử Hà Tú Anh - ngôi sao sáng của điện ảnh Đài Bắc đã lái chiếc SAAB màu trắng đưa ông lên ngọn đồi nhỏ qua những con đường trồng bạch tùng dẫn đến ngôi nhà bằng gỗ sang trọng dùng làm một tiệm ăn hoàng gia…

Những cuộc hẹn ngoài phim trường

Họ ngồi trên bộ tràng kỷ khảm xà cừ, uống trà với các tách bằng ngọc phỉ thúy, nhận chiếc phong bì màu vàng trong đó có tấm thiệp thông báo thực đơn trong ngày. “Nhìn gương mặt xinh đẹp đang chăm chú đọc tấm thiệp ấy, tôi thật tình không muốn ăn bất cứ món gì cho dù là sơn hào hải vị mà chỉ muốn ngồi yên để nhìn nàng” (Bút ký).

Chợt Tú Anh ngẩng lên bảo hôm nay hai người gặp hên vì thực đơn có món “Xuỵt Cạp” mà mỗi tháng chỉ làm một lần vào ngày nào đó khách không ai biết trước và giải thích: “Xuỵt là tuyết, Cạp là con tắc kè” là loại chỉ sống trên những ngọn núi quanh năm tuyết phủ. Lát sau, người ta đem vào cái hộp bằng gấm, mở ra thấy có xác một con tắc kè đã khô “màu vàng ánh trông rất đẹp”, hai “tỳ nữ” dùng đũa bẻ con tắc kè làm hai, lấy ra từ cái ức của nó một hạt trắng như tuyết và nhỏ bằng hạt gạo, gắp bỏ vào chén nước đường phèn đã nấu lọc trong suốt “chỉ một thoáng sau hạt trắng đó từ từ nở to ra và cuối cùng tràn đầy cả chén như một búp hoa tuyết”. Theo khoa ẩm thực phương Đông, người ăn Xuỵt Cạp vào sẽ giúp hương vị những món họ ăn tiếp đó nhanh chóng được thăng hoa, vì thế “những món ăn đi theo sau Xuỵt Cạp món nào cũng trở nên tuyệt vời”.

Chân dung đạo diễn Lê Hoàng Hoa - Ảnh: Gia đình cung cấp
Chân dung đạo diễn Lê Hoàng Hoa - Ảnh: Gia đình cung cấp
 

Rời bàn ăn, họ bước vào vũ trường lúc ban nhạc hòa tấu bản La Cumpasita. Ông khen “Tú Anh nhảy chachacha thật lạ, những cái đá chân rất nhẹ ở bước thứ năm, những cú quay nửa vòng rồi trở lại ngay trông thật đẹp mắt, dường như nàng không nhảy mà “vờn” theo điệu nhạc, uyển chuyển nhẹ nhàng”. Gần 12 giờ khuya, trong điệu slow “vòng tay tôi từ từ khép lại và không một phản ứng nào từ phía Tú Anh - má tôi áp sát vào má nàng và tôi không còn biết gì nữa”...

Cuối tuần, bạn của Tú Anh là Tiểu Phụng đến chở ông ra khỏi thành phố, lên ngọn đồi Ku-lin, dừng trước một biệt thự xây toàn bằng gỗ làm nơi nghỉ mát của ba má Phụng, có Tú Anh đang làm bếp trong đó để dọn ra mời ông “bữa ăn gia đình Đài Bắc” và nói chuyện về điện ảnh châu Á. Sau đó, ông rời khách sạn đến đó ở và: “không thể nào quên hình ảnh của những đêm ngà ngọc trong ngôi nhà đầy thơ mộng trên ngọn đồi Kulin” với lời hẹn ngọt ngào: “Hoa, em yêu anh vô cùng… Em chỉ mong anh hứa với em một điều như em đã tự hứa là nếu chúng ta còn có dịp gặp nhau thì đừng ngoảnh mặt làm ngơ...”. Hà Tú Anh đã nói với ông như thế trong đêm cuối họ bên nhau trước khi ông lên máy bay về lại Sài Gòn sau chuyến sang Đài Bắc lần thứ nhất năm 1968.

Diễn tiến của Đại hội Điện ảnh Á châu kỳ thứ 17

Lần thứ hai ông khởi hành đến Đài Bắc ngày 3.6.1971 để dự Đại hội Điện ảnh Á châu kỳ thứ 17 cùng các đoàn của Nhật Bản, Hồng Kông, Đại Hàn (Hàn Quốc), Thái Lan, Indonesia, Campuchia, Singapore, Malaysia… Đại hội khai mạc đêm 5.6.1971 tại Tòa thị chính của Đài Bắc - sau diễn văn của Chủ tịch Nagachi Nagata, đại diện các phái đoàn lần lượt ra mắt công chúng và giới yêu điện ảnh. Mở đầu là nữ tài tử Lăng Ba (Hồng Kông), nữ tài tử Sakado Wakai (Nhật Bản), nữ tài tử Lee Soon Jei (Đại Hàn), nữ tài tử Kiều Chinh (Việt Nam)... Đoàn có số diễn viên và quan sát viên nghệ thuật đông nhất là Hồng Kông với gần 200 người.

Tối hôm ấy mở dạ hội diễu hành, dân chúng có thể mua vé vào xem. Bút ký Lê Hoàng Hoa ghi: “Đi đầu là phái đoàn Campuchia với nữ tài tử Tia Ravin, theo sau là phái đoàn Hồng Kông với các tài tử nổi tiếng như Nhạc Huê, Lý Thanh, Khương Đại Vệ, Miêu Khả Tú, Địch Long, La Liệt, Hà Lợi Lợi... tiếp đến là phái đoàn Indonesia với 3 nữ tài tử Sindra Dewin, Riwa Melati và Gabi Mambo. Nhật Bản với các nữ tài tử Tachico Misomoto, Okado Shakai, nữ tài tử kiêm ca sĩ nổi tiếng Shushumo Suzako và tài tử trẻ nhất, dễ thương nhất là cô Masumi Tashibana. Đại Hàn với hai nữ tài tử thật đẹp Lee Soon Jei và Lee Nac Soon, Singapore và Malaysia với hai cô Arizac và Lorac Laiman. Thái Lan với nữ tài tử Lechonbog Nakarin. Việt Nam với các nữ tài tử Kiều Chinh, Kim Vui, Túy Hồng, Ánh Nga và nam tài tử Đoàn Châu Mậu. Những chiếc áo dài tha thướt dịu dàng đã được dân chúng Đài Bắc hoan nghênh nhiệt liệt và đó cũng chính là điểm thu hút số đông phóng viên báo chí và vô tuyến truyền hình. Cuối cùng là đoàn chủ nhà với đông đảo diễn viên, trong đó có Wen Chang, Wen Peiling, Ji Ying, Hà Tú Anh và nữ tài tử nổi tiếng nhất trong phim Long môn thần kiếm là Thượng Quan Linh Phụng”.

Qua diễu hành nghệ thuật trên, Kiều Chinh được giới báo chí Đài Bắc bầu là nữ tài tử khả ái nhất Đại hội Điện ảnh Á châu lần thứ 17. Trong suốt thời gian diễn ra đại hội, một nữ diễn viên xinh đẹp luôn theo sát phái đoàn Việt Nam là... Hà Tú Anh. Ngay khi mới gặp, Tú Anh nắm lấy tay Lê Hoàng Hoa vừa kéo đi về phía chiếc SAAB màu trắng năm xưa, vừa nói: “Đi anh, nhanh lên, không thì em sẽ khóc trước mặt mọi người bây giờ”... (Còn tiếp)

Giao Hưởng

>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 8: Hai điều “đầu tiên” ấn tượng
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 7: Đạo diễn đào hoa
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 6: Những pha “đứng tim” trên gác chuông nhà thờ
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 5: Hòa âm
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Đàn em Đại Cathay bám trường quay
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 3: Yêu những mái tóc thề
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 2: Đạo diễn ở phim trường và trên... mây xanh
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Chân trời tím và cuộc tình bất ngờ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.