Người đẹp màn bạc Việt một thời - Kỳ 9: Đa truân trong phim, hạnh phúc ngoài đời

12/03/2013 03:15 GMT+7

Người đẹp Thanh Nga đã hợp tác với tôi trong ba phim truyện, lần nào cũng giữ vai chính rất thành công.

Đó là các vai Dung người yêu của Loan (Huỳnh Thanh Trà) trong Loan mắt nhung (1970), vai Lan người yêu của Điệp (Thanh Tú) trong Tình Lan và Điệp (1972), và vai Nhàn người tình của Mẫn (Đoàn Châu Mậu) trong Sau giờ giới nghiêm (1972).

Thành công của Sau giờ giới nghiêm

Cả ba vai trong phim đều là những phụ nữ bất hạnh. Dung và Lan đều đau khổ tận cùng đến lúc chết giữa tuổi thanh xuân. Còn Nhàn thì sau khi tan nát cuộc đời lại phải tiếp tục sống để cố tìm lại hạnh phúc đã mất. Câu chuyện ấy được kể trong phim Sau giờ giới nghiêm, phóng tác theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mai Thảo.

Phim Sau giờ giới nghiêm của Liên Ảnh Công ty (Giám đốc sản xuất Lưu Trạch Hưng và Quốc Phong), được trình chiếu tại 12 rạp lớn trong đô thành, kể từ ngày 9.5.1972. Tuần đầu phim này được chiếu ở 6 rạp: Rex, Văn Hoa, Đakao, Nguyễn Văn Hảo, Khải Hoàn, Victory và tuần lễ thứ nhì phim này được chiếu ở  6 rạp khác... “Đây là lần đầu tiên phim Việt Nam được chiếu tại nhiều rạp liên tục trong hai tuần như vậy. Giới điện ảnh Việt Nam đang thừa thắng xông lên, và việc bộ phim Sau giờ giới nghiêm của Liên Ảnh Công ty trình chiếu ở 12 rạp lớn, được coi như mở đầu kỷ nguyên tươi sáng của làng phim” (trích Báo Nghệ Thuật Mới - 4.5.1972). Trong sự thành công đó có phần rất lớn của Thanh Nga.

Hạnh phúc trong đời sống

Chịu đựng đau khổ trong phim, nhưng ngoài đời Thanh Nga rất vui trước sự thành công của bộ phim nổi tiếng với vai chính của mình được thể hiện xuất sắc. Nhất là trong lúc này Thanh Nga đang sống hạnh phúc với người chồng rất yêu thương mình.

Chuyện bắt đầu từ ba năm trước. Nhân dịp Tết Kỷ Dậu 1969, đoàn Thanh Minh  - Thanh Nga được Đổng lý văn phòng Bộ Thông tin, Phạm Duy Lân gợi ý xuất ngoại sang Pháp trình diễn cho kiều bào xem. Đối với Bộ Thông tin, đó là công tác tranh thủ tình cảm của Việt kiều tại Pháp. Còn đối với đoàn hát đó cũng là lối ra tốt để ổn định doanh thu đang sa sút. Vì vậy bà bầu Thơ đồng ý cho đoàn đi Pháp, và Phạm Duy Lân thường xuyên đến để giúp giải quyết mọi thủ tục đưa đoàn xuất ngoại. 

Chuyến xuất ngoại của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga kéo dài 2 tháng, bắt đầu tại thủ đô Paris, diễn ở hai hội trường lớn Maubert và Pleyel. Tiếp theo, đoàn đến nhiều tỉnh miền nam nước Pháp, nơi nào cũng được kiều bào rất hoan nghênh, nhất là đối với nữ hoàng sân khấu Thanh Nga.

Sau chuyến lưu diễn, Thanh Nga chính thức kết hôn với Phạm Duy Lân. Người đàn ông nhẫn nại ấy chiếm được trái tim người đẹp, nhưng phải mất chức Đổng lý văn phòng Bộ Thông tin, vì gia đình bà bầu Thơ bị liệt vô danh sách “thân Cộng”. Bị tước hết công danh và địa vị, nhưng Phạm Duy Lân không hối tiếc, trái lại tình yêu càng thăng hoa hơn, ông càng để ý chăm sóc và bảo vệ vợ mình trong mọi tình huống, đến nỗi ông Tổng trưởng Ngoại giao Phạm Đăng Lâm lúc bấy giờ phải bỏ cuộc sau một thời gian theo đuổi “nữ hoàng”.

Tôi còn nhớ trong lúc quay phim Sau giờ giới nghiêm, với sự chấp thuận của tôi, mỗi ngày Phạm Duy Lân hộ tống Thanh Nga đến phim trường. Suốt thời gian có mặt, ông theo sát để phục vụ vợ như người giúp việc trung thành và tận tụy. Ông mang theo một cái giỏ to đựng thức ăn, nước uống, trái cây, bánh kẹo, quần áo để thay, khăn lau mặt, lau mồ hôi, những thứ lặt vặt của phụ nữ, không thiếu món nào, khi thấy Thanh Nga cần gì thì đem tới ngay. Lúc nào đạo diễn chưa ra lệnh bấm máy quay phim thì chồng đến bên cạnh cầm dù che nắng cho vợ. Nhiều lúc bị vướng, tôi phải “mời” ông ra khỏi trường quay, nhất là trong những cảnh tình cảm ướt át hoặc đau khổ khó diễn. Nhưng khi ra ngoài rồi, ông chồng lại núp ở đâu đó ghé mắt nhìn vào để “ghen” hoặc xót xa khi thấy vợ mình bị hành hạ, đánh đập trong các cảnh quay. Có lần tôi khiển trách Thanh Nga về sự thiếu tập trung trong diễn xuất vì sự có mặt của chồng, lời nói tôi nhẹ nhàng nhưng Thanh Nga vẫn tủi thân ra ngoài ngồi khóc một mình. Ông chồng dỗ dành vợ không xong, phải đến xin lỗi và năn nỉ tôi hãy nói mấy lời ngọt ngào với vợ ông cho cô trở vào trường quay. Tôi phân trần với Thanh Nga: “Tất cả những gì anh nói với em là vì muốn em lên đỉnh cao của nghệ thuật. Hiện giờ em là nữ hoàng sân khấu, đã đến lúc em phải là một ngôi sao điện ảnh nữa! Em hiểu ý anh chưa?”.  Thanh Nga gật đầu, nét mặt vui: “Em hiểu rồi! Em sẽ cố gắng hơn để thành công trong phim này”.

Cuối cùng, Thanh Nga đã thành công.

Tin như sét đánh

Sáng ngày 27.11.1978, người trực văn phòng Hội Văn nghệ TP.HCM gọi điện thoại đến tôi thông báo một tin bất ngờ, nghe như sét đánh bên tai. Đêm qua, lúc diễn xong buổi ra mắt vở Thái hậu Dương Vân Nga ở rạp hát Cao Đồng Hưng tại Q.Bình Thạnh, nghệ sĩ Thanh Nga cùng chồng và con nhỏ về đến cổng nhà, đã bị hai phát súng của một kẻ lạ mặt chấm dứt cuộc đời của đôi uyên ương được nhiều người quý mến.

Tôi bàng hoàng, ngồi lặng im một lúc lâu, bùi ngùi nhớ lại hình bóng người nghệ sĩ trẻ mà tôi xem như là em gái. Tôi cũng nhớ lại người chồng dễ thương Phạm Duy Lân, người chồng hết mực thương yêu vợ, đã từng bị tôi khiển trách vì chăm sóc quá kỹ vợ mình tại trường quay.   (Còn tiếp)

Đạo diễn Lê Dân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.