"Diễn xiếc" trên ghita điện

13/02/2011 14:48 GMT+7

Từng tốt nghiệp hạng giỏi, đứng thứ nhì trên hơn hai trăm học viên cùng khóa trường Quốc gia m nhạc Huế, từng xoay xở đủ trò kiếm sống, từng bị giam vì những lý do vu vơ và được chính Tố Hữu cứu, nay Quang Dũng nghệ sĩ tài danh biết làm cây đàn ghita điện vang lên giai điệu Tây Nguyên, đang đôn đáo thực hiện album đầu tiên của mình vào tuổi xế chiều.

Trước và sau nghệ sĩ ghita Quang Dũng, cho tới bây giờ, chưa ai khác làm oà vỡ khán phòng bằng chuỗi âm thanh đẫm chất Tây Nguyên sống động, độc đáo, mãnh liệt đến vậy trên cây đàn ghita điện tử. Gần đây nhiều người mộ điệu ghita ngơ ngác: Anh ấy mất hút đâu rồi ?

Tiếng cồng chiêng trên ghita điện

Thật ra Quang Dũng vẫn chẳng ngày nào không cầm đàn ghita trong căn nhà nhỏ gắn trên đầu cổng tấm biển chiêu sinh học đàn, bên con đường bụi mù chưa nâng cấp xong tên Ama Dhao. Đang ngược xuôi tất bật bị níu lại hỏi đi đâu mà vội, nghệ sĩ tiết lộ anh đang xoay xở kiếm tiền thực hiện DVD tiếng đàn Quang Dũng.

DVD đầu tiên và duy nhất cho một đời cống hiến hết mình vì nghệ thuật. Lại giống DVD của cố nghệ sĩ nhân dân Y Moan! Ngón đàn Quang Dũng- Giọng ca Y Moan. Đôi nghệ sĩ tài danh cùng thời gắn bó dài lâu với Đoàn Ca múa Đắk Lắk, với Tây Nguyên, sao mà nghèo khó vậy!

Tốt nghiệp chính quy nhạc pháp về ghita và kèn clarinet, sau 1975 Quang Dũng tạm quên cây đàn, xoay xở đủ trò kiếm sống, đem đồng hồ, cat - set ra chợ trời mua bán mưu sinh. Vất vưởng đến năm 1979 anh mới được vào Đoàn Ca Múa Nhạc Dân tộc Đắk Lắk làm nhạc công, hoà âm phối khí, có dịp thâm nhập vào sinh hoạt và văn hoá các dân tộc bản địa, từ đó xác định và hình thành dần phong cách sáng tác mang đậm bản sắc Tây Nguyên.

Xuất hiện trên sân khấu Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc lần đầu tiên năm 1980, lập tức Quang Dũng hâm nóng khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội và "ẵm" về cho tỉnh Đắk Lắk liền 2 huy chương vàng. Vàng cho 2 bài độc tấu ghita "Vũ khúc Tây Nguyên", "Tiếng đàn B'rố đêm trăng" cộng thêm Vàng cho vai nhạc công đệm đàn xuất sắc suốt chương trình.

Ba năm sau, trong Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1983 tại TP Hồ Chí Minh, Quang Dũng khiến Ban Giám khảo sững sờ với tiết mục độc tấu "Khúc nhạc trên buôn mới" rộn rã âm thanh cồng chiêng, chim hót suối reo, đại ngàn thâm u, sinh hoạt vui tươi đầy sức sống của buôn làng ngày mùa trên cây ghita...? điện.

Trước Quang Dũng, người ta chỉ chơi solo nhạc cổ điển bằng ghita thùng đóng bằng gỗ bởi âm sắc ấm sâu đầy biểu cảm. Quang Dũng đã nâng giá trị của ghita điện bằng cách thể hiện đàn điện tử cũng có thể trình tấu biểu cảm không kém ghita gỗ, qua cách anh làm chủ trọn vẹn được các kỹ thuật ép, rê, lay, rung, nhún, nén, búng, lướt, chặn, vỗ, chạy ngón...?

Tạo chuỗi âm thanh sống động tưởng chừng phát ra bởi dàn nhạc cụ Tây Nguyên làm bằng tre nứa, đá, đồng, sừng trâu; Tựa như tiếng B'rố, T'rưng, Kypăh, Đingnăm, tiếng gõ bổng trầm uy lực của dàn chiêng vang ngân qua "mười sông chín núi"... ?

Nhuần nhuyễn kỹ thuật trên cây đàn điện, Quang Dũng còn làm sôi động khán phòng với những tràng pháo tay bùng nổ như sấm khi anh "làm xiếc" trên cây đàn, vừa chơi vừa tung hứng, lòn đàn sau lưng, vắt đàn qua gáy mà mười ngón múa lượn tung tẩy vẫn bung tràn chuỗi âm thanh tròn đầy, lịm ngọt độc tấu tự biên tự diễn.

Tôi tò mò:

- Người yêu ghita thường lặng lẽ, sao anh lại luyện trò xiếc với cây đàn điện ?

Quang Dũng mỉm cười, hồi tưởng:

- Tôi xiếc vì khán giả ở đâu cũng thích vui, thích lạ, tôi cũng muốn xem mình có thể làm chủ cây đàn tới độ nào. Còn chọn đàn điện, vì tiếng ghita thùng với kỹ thuật khuếch âm ngày ấy không đủ độ vang cho nhiều người nghe. Còn nhớ sau kỳ hội diễn đầu tiên, Đoàn đến đâu cũng trịnh trọng giới thiệu tiết mục độc tấu ghita đã đoạt Huy chương vàng của nghệ sĩ Quang Dũng.

Đêm đó tôi chơi trên sân khấu Câu lạc bộ Lao Động, tức Nhà Văn hoá trung tâm tỉnh Đắk Lắk bây giờ. Tôi cố tới bật máu các đầu ngón vẫn không nghe rõ được tiếng đàn của mình mà chỉ nghe khán giả lao xao í ới, tiếng trẻ em khóc. Tôi buồn, về trăn trở cả đêm, nghĩ phải làm sao để đông đảo thính giả ở không gian nào cũng có thể thưởng thức ghita cổ điển. Tôi bắt đầu mày mò trên cây ghita điện và nhận ra mình hoàn toàn có thể hiện đại hoá giai điệu dân tộc trên nhạc cụ Tây phương.


Quang Dũng chơi đàn cùng ca sĩ Y Moan, năm 1985

Gặp họa mới biết ân nhân

Sự xuất hiện độc đáo của Quang Dũng khiến các nhà tổ chức biểu diễn thích thú. Một số đoàn nghệ thuật mời anh ở lại Thủ đô, hoặc về TP Hồ Chí Minh làm việc, với chế độ đãi ngộ cao. Quang Dũng day dứt mãi câu hỏi đi hay ở, khi nhìn lại nheo nhóc mẹ già vợ dại con thơ vẫn cư ngụ trong căn phòng chật hẹp tồi tàn trong khu tập thể ngày càng xuống cấp thảm hại của Đoàn Ca múa Đắk Lắk. Rốt cục, anh lắc đầu với mọi lời mời.

Bỗng dưng Quang Dũng biến mất!

Bản độc tấu ghita "Khúc nhạc trên buôn mới", Quang Dũng sáng tác và biểu diễn, được Đài Phát thanh Truyền hình Đắk Lắk chọn làm nhạc hiệu phát vào mỗi buổi trưa. Réo rắt, tha thiết, nồng đượm nghe như thấy những vạt đồi lao xao hoa cúc quỳ vàng rực trong nắng mùa đông. Thoăn thoắt bắp chân thon sơn nữ thấp thoáng qua trảng cỏ thảo nguyên vi vút gió?
Sau hội diễn, Quang Dũng vừa từ thành phố Hồ Chí Minh về tới nhà thì công an ập đến bắt vào lúc nửa đêm 27-1-1983, nhốt vào trại tạm giam. Cho tới bây giờ, nhắc lại đoạn đời kinh hãi ấy, anh chưa thôi bàng hoàng. Nghệ sĩ ghita được biết anh bị bắt để điều tra anh có hay không phạm tới 11 tội như một lá đơn tố cáo, trong đó có tội khai không đúng lý lịch, có tư tưởng phản động, nghe nhạc vàng, chia rẽ dân tộc v.v...?dù không vượt biên, không dính líu với tổ chức phá hoại nào cả.

Quang Dũng bị giam đúng 3 tháng 10 ngày, như có phép lạ, nhà thơ Tố Hữu vào Đắk Lắk. Lúc bấy giờ, Tố Hữu đang là Bí thư Ban chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Đoàn Ca múa nhạc Đắk Lắk được giao nhiệm vụ dàn dựng một chương trình nghệ thuật gọn nhẹ chào mừng chuyến thăm Đắk Lắk của nhà thơ Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, trong đó có tiết mục đơn ca "Huế, Quê Mẹ”.

Tố Hữu nghe, xúc động kêu lên: Ủa, ai phổ thơ tôi hay rứa? Biên đạo múa Long Ta thưa: Dạ, đó là nhạc sĩ Quang Dũng. Tố Hữu hỏi: Có phải Quang Dũng chơi ghita liên tục đoạt huy chương vàng trong mấy lần hội diễn đó không? Anh ấy đâu?

Nghe kể Quang Dũng đang bị giam, Tố Hữu sửng sốt, tức tốc cho mời ngay một số lãnh đạo các ngành tuyên giáo, văn hoá, an ninh đến hỏi han cặn kẽ cơn cớ thế nào. Ông lắng nghe mọi người trình bày xong hết mới ôn tồn bảo:

- Đáng tiếc. Tâm hồn nghệ sĩ họ trong sáng, có gì đâu. Các đồng chí nên cân nhắc cho kỹ. Nếu họ lỗi nặng thì nên giảm xuống thành nhẹ, lỗi nhẹ nên bỏ qua!

Hôm sau, Quang Dũng được lệnh sắp xếp ra để Tố Hữu gặp mặt trước khi ông về Hà Nội. Nhưng, xong các thủ tục trích xuất, Quang Dũng hồi hộp lên xe đến nhà khách mới biết ân nhân đã ra sân bay.

Quang Dũng được nhận về lại Đoàn Ca múa. Hai tháng sau Sở cấp cho anh 1 gian phòng rộng 27m2 trên tầng hai căn nhà chung với mấy hộ cán bộ khác ở đường Mạc Thị Bưởi. Dù sinh hoạt vẫn rất bất tiện, chật chội, nhưng so với nơi ở cũ trong khu tập thể đoàn thì thế cũng đã may mắn, tươm tất hơn nhiều rồi.

Nhiều năm sau Quang Dũng mới có dịp ra thăm và cảm ơn Tố Hữu tại nhà riêng, khi nhà thơ đã quá già yếu. Tố Hữu mất, Quang Dũng đặt trang trọng chân dung ông lên bàn thờ gia tộc, nguyện trọn đời không quên ơn ân nhân cứu vớt.

Vui cùng tri âm, tri kỷ

Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc năm 1985, Quang Dũng có thêm huy chương vàng cho tiết mục độc tấu ghita"Khúc nhạc trên buôn mới". Anh được chọn đi lưu diễn ở nhiều nước, tới đâu cũng được hoan nghênh vang dội với màn "làm xiếc trên cây đàn điện".

Năm 1990, Sở điều động Quang Dũng về Trung tâm văn hoá tỉnh, làm đạo diễn và chuyên viên âm nhạc. Anh tiếp tục nhận Huy chương vàng chỉ đạo nghệ thuật năm 1996 tại liên hoan VHVN toàn quốc, Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng do Bộ VHTT trao năm 2000, nhiều bằng khen và giải thưởng của Hội Nhạc sĩ VN và tỉnh Đắk Lắk về sáng tác ca khúc, trong số đó số giải "dày" nhất rơi vào ca khúc khi được giới thiệu là Lên cao nguyên đi anh, khi giới thiệu là Lên cao nguyên đi em do Quang Dũng phổ thơ tác giả Yên Ninh (một cái tên lạ).

Mãi tới khi khắp phố gần buôn xa ai cũng thuộc lòng và hát nghêu ngao đến quen mồm ca khúc đi anh/ đi em đó, nhiều người mới vỡ lẽ Yên Ninh là bút danh của Nguyễn Văn Lạng, đương kim Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh kiêm hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk, một vị quan chức "đầy bụng thơ", một Mạnh thường quân đối với nhiều văn nghệ sĩ.

Nhân dịp Ngàn năm Thăng Long, Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng kiêm Trưởng ban quản lý khu Công nghệ cao Láng - Hòa Lạc tổ chức kỷ niệm 12 năm thành lập khu Công nghệ, ông mời Quang Dũng ra dự và tiện hỏi thăm liệu có xem xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú cho Quang Dũng với Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh. Bộ trưởng hỏi Quang Dũng nghĩ thế nào, anh cười xoà: Được làm nghệ sĩ trong lòng dân là quý rồi. Tôi chẳng mơ tưởng gì hơn đâu, anh ạ!

Ngày cận Tết, tôi tìm đến nhà Quang Dũng xem anh làm DVD đầu tiên và duy nhất cho mình thế nào. Đến nơi, vừa gặp một đôi vợ chồng già đèo xe máy tới đứng nghiêng ngó, hỏi thăm đây có phải nhà nhạc sĩ ghita Quang Dũng. Mãi sau, nghe Quang Dũng hỏi "Có phải bác đến ghi danh cho cháu học đàn?", ông mới vui vẻ tự giới thiệu:

- Tôi là Quang, dân châu thổ sông Hồng, vào Tây Nguyên lập nghiệp 24 năm nay ở thôn 6, xã Ea Ktua, huyện Cư Kuin. Cả bốn anh em trong nhà tôi đều chơi ghita, yêu ghita, giỏi nhất là chú em làm nghệ thuật chuyên nghiệp ở Đoàn Ca múa Thái Bình. Tôi từng được nghe những sáng tác về Tây Nguyên của các nghệ sĩ Hải Thoại, Tạ Tấn, Hoàng Hiệp, Đức Minh...

Nhưng cách đây mấy hôm được nghe Quang Dũng chơi ghita trên VTV, mới thấy linh hồn Tây Nguyên thể hiện trên tiếng đàn thuyết phục đến mức nào. Sáng hôm sau tôi xem lại, nghĩ bụng mình phải tìm gặp ông Dũng bằng được và giá gì ông đã phát hành đĩa thì sẽ mua ngay mấy đĩa. Nói thật, là nông dân nhưng hễ được thưởng thức ghita độc tấu lập tức tôi thấy cuộc sống nhẹ nhàng thanh thoát biết bao nhiêu.

Ông Quang xin phép cầm một cây đàn múa rìu qua mắt thợ, dạo bản Romance. Quang Dũng im nghe một lát những âm thanh ít nhiều vướng vấp, vụng về. Rồi ngón tay anh bỗng tuôn chảy trên phím.

Ông Quang tươi tỉnh: Tôi thật không tưởng tượng nổi có một buổi sáng được ngồi nghe nghệ sĩ chơi đàn hay tuyệt, hạnh phúc đến thế này.

Chật vật album làm đầu tiên

Tôi hỏi Quang Dũng : Vì sao chỉ thực hiện có mỗi một đĩa DVD mà anh cũng phải xoay xở khó khăn như vậy?

Ồ, phải có gần trăm triệu, mà mình sau thời gian hoạt động ở Đoàn Ca Múa, chuyển sang làm chuyên viên ở Trung tâm văn hoá tỉnh, lương chỉ hơn 3 triệu đồng mỗi tháng, hoạt động biểu diễn thưa thớt, sô cao nhất trên dưới 2 triệu đồng mỗi năm cũng chỉ đôi lần.

Để lo cho các con ăn học, mình mở lớp dạy ghita tại nhà cho một số em năng khiếu đặc biệt, mỗi lớp 2-3 em, thù lao mỗi tiết dạy 1 tiếng rưỡi chỉ 100 nghìn. Phải nhờ hợp đồng dàn dựng chương trình, sáng tác ca khúc cho Ngân hàng Đầu tư, được lãnh đạo ngân hàng ưu tiên cho vay không tính lãi, mới làm được căn nhà này đấy.

Nghệ sĩ tài danh sống ở Tây Nguyên thường chịu nhiều thiệt thòi, đúng không?

Được, mất luôn là khái niệm mong manh,vô thường. Ai cũng cần điểm tựa quý nhất là tình cảm gia đình. Mình chỉ mong được sống giữa yêu thương, được sống hướng thiện, làm đúng cái tâm và khả năng thực có.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.