Đỉnh lũ đỉnh triều - Truyện ngắn của Vĩnh Quyền

19/07/2015 04:00 GMT+7

Miên nhìn vào mặt kính chịu lực của ô cửa lấy sáng hành lang tầng 16 khu chung cư còn đọng lấm tấm mưa đêm qua và thấy bóng mình mờ chồng lên hình nền một góc Sài Gòn cây xanh ngói đỏ tươi tắn dưới kia trong nắng mai. Dành ít thời gian chăm sóc vẻ ngoài ở bàn phấn nhưng cô có thói quen dừng mấy giây trước khuôn kính kích thước lớn này để soi thoáng trước khi bước vào thang máy, dù ở đó các nguồn sáng khác nhau khiến mọi hình ảnh đan xen như một tác phẩm lắp ghép.

Miên nhìn vào mặt kính chịu lực của ô cửa lấy sáng hành lang tầng 16 khu chung cư còn đọng lấm tấm mưa đêm qua và thấy bóng mình mờ chồng lên hình nền một góc Sài Gòn cây xanh ngói đỏ tươi tắn dưới kia trong nắng mai. Dành ít thời gian chăm sóc vẻ ngoài ở bàn phấn nhưng cô có thói quen dừng mấy giây trước khuôn kính kích thước lớn này để soi thoáng trước khi bước vào thang máy, dù ở đó các nguồn sáng khác nhau khiến mọi hình ảnh đan xen như một tác phẩm lắp ghép.

Truyện ngắn của Vĩnh Quyền: Đỉnh lũ đỉnh triềuMinh họa: Văn Nguyễn
Bước vào buồng thang máy, Miên thấy chỉ có mình ở đó và đưa tay bấm nút B tầng hầm để xe như một phản xạ. Thay vì tập trung suy ngẫm ý kiến sẽ phát biểu tại cuộc họp cải tổ tờ báo mà Miên biết sẽ gây tranh cãi, cô lại vướng câu hỏi chợt nảy ra khi ô cửa lấy sáng ngoài hành lang vừa khuất sau hai lá cửa thép xám lạnh khép chặt: “Không mở ra đóng vào được thì có gọi là cửa không? Hay chỉ cần là phương tiện mở tầm nhìn ra bên ngoài hoặc vào bên trong đã là cửa?”. Cảm giác thiêu thiếu cái gì như câu đố và phải một lát lời giải mới vụt hiện khi Miên nhận ra nếu có Khoa bên cạnh câu hỏi của cô sẽ được giải đáp, nghiêm túc hoặc bỡn cợt bằng giọng điệu mỉa mai riêng anh, nhưng chắc chắn sẽ khiến cô mỉm cười. Chuỗi số điện tử màu xanh ngọc hiển thị hành trình thang máy trôi vô nghĩa trước mắt Miên, 12… 11… 10… và chỉ khiến cô nhận ra khi nó dừng ở số 7. Hai người lạ bước vào buồng, dù khoảng trên ba mươi như Miên nhưng có vẻ là đôi tình nhân hơn vợ chồng qua cái nắm tay đầu ngón và ánh mắt liên tục trao đổi lắm điều. Với một ý nghĩ bất chợt, cô bấm nhanh nút tầng 5, nơi có căn hộ của Khoa.
Thất vọng khi bắt gặp nửa trang giấy khổ A3 in thông báo số chữ điện, nước dán trên cánh cửa không gắn mắt kính quan sát, nhưng rồi Miên nhẹ nhõm thấy mình vừa thoát tình huống bốc đồng dành cho người chồng ly thân. Đã gần nửa năm nay Khoa rút về căn hộ cũ, nơi chỉ dành làm văn phòng của anh sau khi cưới Miên. Cô dễ dàng hình dung nụ cười tủm khủng khỉnh dưới hàng ria đẫm mùi thuốc lá khi chủ nhân căn hộ mở cửa. Thời gian tình nhân của hai người kéo dài hơn ba năm và Khoa luôn biết chính xác khi nào Miên đến với anh. Hôm chia tay, trước khi kéo va li ra hành lang, Khoa ngoảnh lại hỏi một câu dễ ghét, “Thời gian chung sống đủ để chúng ta quên đi vài thứ, có cần anh nhắc ám hiệu gõ cửa dành riêng cho em?”. Miên đã lớn giọng, “Chưa biết ai cấp cứu ai!”. Giờ thì Miên bật cười nhớ nhịp gõ Khoa quy định ba nhanh… ba chậm… ba nhanh… - tích tích tích… tè tè tè… tích tích tích... - S.O.S - cấp cứu.
Bước vào buồng thang máy, điện thoại reo. Miên nhận ra giọng Luân.
“Dạ không kịp rồi, em có cuộc họp sáng nay”. Nói xong, Miên cảm giác như vừa tự hủy niềm vui có quyền được nhận và ái ngại cho người bị từ chối, người kiên nhẫn tìm cơ hội gần gũi, lấp đầy khoảng trống của cô. Gần đây, lấy đủ thứ cớ có thể nghĩ ra, Miên từ chối hầu hết những lần Luân mời đi ăn, đi nghe nhạc. Có lẽ tình trạng này bắt đầu từ hôm hai người tình cờ gặp Khoa ở tiệc chiêu đãi của Lãnh sự quán Mỹ. Miên thấy mình thật kỳ cục khi cứ lúng ta lúng túng như bị bắt quả tang ngoại tình không bằng, và càng cáu bởi điều đó diễn ra trước nụ cười tủm của Khoa. Cô chỉ nhẹ nhõm đôi chút khi anh chủ động ngang qua sảnh lớn mời cô nhảy. Bản valse kết thúc, Khoa chỉ kịp khẽ chào Miên, rồi vừa nghe điện thoại vừa đi nhanh ra cửa. Phần còn lại của bữa tiệc trở nên gắng gượng. Và từ hôm đó hai người chưa gặp nhau.
***
Tiếng mưa quật xuống mái tôn đánh thức Khoa. Thế là mưa dữ dội suốt đêm, anh nghĩ khi vừa kịp nhớ ra mình đang nằm giữa chòi canh, nơi nghỉ chân trong những chuyến săn ảnh động vật hoang dã. Đưa tay nhìn đồng hồ dạ quang. 2 giờ rưỡi sáng. Khoa kéo dây khóa túi ngủ lên tận cằm chống cái rét, trở mình tìm tư thế có thể quay lại giấc ngủ. Sàn lát bằng cây lồ ô phát tiếng răng rắc dưới lưng. Phải bảo Điểu Keng dựng cái mới thôi, anh nghĩ. Rồi lan man nghĩ tiếp chuyện này chuyện nọ mà chẳng chuyện nào thật sự vui cũng như không buồn tới mức trằn trọc cữ này. Bỗng tiếc đầu hôm đã từ chối đề nghị ở lại cho có bạn của Điểu Keng. Lúc ấy anh chỉ muốn ở một mình, sự có mặt của người đàn ông Stiêng tốt bụng chỉ vướng thôi, nhất là Kiki sẽ không dám đến gần chòi canh như anh đang mong.
Lại rút tay ra khỏi túi ngủ, nhìn đồng hồ, 3 giờ 10. Mưa như lớn hơn, bắt đầu nghe nước dột tong tỏng đâu đó. Khoa quyết định dậy hẳn, xếp củi vào bếp, từ đống than phủ tro trắng mỏng đột ngột bật lên ngọn lửa bé bằng hạt đậu, rồi cao dần và uốn éo như đầu con rắn đang nghe ngóng chung quanh. Lát sau thì cả bầy rắn lửa bùng lên nhảy múa. Sáng và ấm hẳn. Mưa chán thật nhưng giúp anh cắt đứt hy vọng Kiki tìm đến. Nhớ hôm đem nó trả vào rừng, Điểu Keng phải giở đủ trò hù dọa con khỉ nhỏ mới không dám chạy theo ôm cứng chân anh, chí chóe kêu khóc. Sau đó, trên đường quay về, khi hai người lội đến giữa suối, Điểu Keng ngoái lại, quan sát một lúc rồi chỉ tay lên ngọn cây gõ phía xa. Anh nhìn theo, nhận ra Kiki. Lần đầu tiên leo trèo thật sự, nó run rẩy vụng về, nhưng vẫn cố lên cao hết mức, để có thể dõi theo bước anh đi. Anh vội nâng máy ảnh nhà nghề, ghi nhanh loạt hình cuối cùng về Kiki trước khi quày quả quay đi, cố giấu không cho Điểu Keng thấy hai mắt mình rưng rưng.
Tối đó anh thao thức. Hôm mua con khỉ tí hon khỏi tay gã nấu cao, anh đã nuôi ý định mang trả nó về rừng, nhưng không ngờ chuyện phức tạp hơn anh nghĩ sau chừng ấy thời gian quấn quýt với nhau. Đang lan man vậy bỗng nghe tiếng rên rỉ ngoài cửa chòi. Kiki! Anh mừng rỡ lao ra bế nó vào trong, lấy chăn bông lau khô bộ lông ướt cho nó, rồi cùng sưởi ấm bên bếp lửa cho đến lúc ngủ thiếp. Mờ sáng hôm sau Kiki kêu hốt hoảng, chui vào lòng anh tìm kiếm sự che chở khi nhận ra bước chân Điểu Keng đến gần. Người đàn ông Stiêng lắc đầu khi nghe anh bảo đành phải đưa con khỉ trở lại Sài Gòn.
“Mày ạ, tại nó chưa nhận ra nó là của rừng - Điểu Keng chậm rãi nói - một ngày nào đó nó sẽ thà chết ở đây còn hơn sống giữa Sài Gòn”.
Cuối cùng Điểu Keng cũng thuyết phục được Khoa giao Kiki cho ông để sau đó tiếp tục kế hoạch dở dang. Và ông bắt anh hứa không trở lại “quấy rối” trong khoảng thời gian đủ cho Kiki hòa nhập đàn khỉ, thật sự thuộc về rừng.
Và sáng nay Khoa đã lên đường ngay sau khi nhận được cú gọi chờ đợi khá lâu. Sau bữa cơm trưa, anh hồi hộp theo Điểu Keng vào rừng tiếp cận gia đình mới của Kiki. Chỉ cách chưa tới hai mươi mét nhưng anh không thể nhận ra con khỉ của mình ở đâu giữa đàn khỉ mấy chục con lấp ló trong tán lá trên cao. Cũng không có dấu hiệu nó muốn xuất hiện khi anh rời chỗ nấp, dùng tay bắc loa gọi tên. Trái lại tiếng anh chỉ khiến cả đàn nháo nhác gọi nhau di chuyển nhanh lên một sườn đá dựng đứng, mất hút trong um tùm lá. Trên đường quay về, biết tâm trạng mâu thuẫn của bạn, mừng mà buồn, buồn man mác, Điểu Keng nghiêng ngó trời đất, nói lảng:
“Mây che hết núi rồi, tối này mưa dữ đây, mày về nhà tao cho ấm nhé”.
Khoa lắc đầu.
“Vậy tao ở lại cho mày có bạn”. Điểu Keng nói khi hai người kết thúc cuộc rượu ở chòi canh bên sườn núi và cách làng gần một giờ đi bộ. Nhưng anh lại lắc đầu nói cám ơn.
Tiếng động từ xa và trên cao kéo Khoa khỏi dòng hồi ức. Không phải dấu hiệu xuất hiện của Kiki anh đang mong. Âm thanh đùng đoàng và mặt đất rung lên thế này chỉ có thể là voi, thậm chí cả bầy voi đang theo sườn núi lao xuống với tốc độ khủng khiếp. Bếp lửa bỗng nổ tung như pháo hoa, rồi tắt ngóm gần như cùng lúc. Dòng suối nhỏ đã thành con thuồng luồng nước khổng lồ dâng tràn hai bờ vừa đập tan chòi canh trên đường đi điên cuồng hung hãn của nó.
***
Cuộc họp cán bộ chủ chốt không dễ tìm được tiếng nói chung giữa chuyên môn và phát hành, giữa đột phá và an toàn… Bầu không khí có phần căng thẳng bỗng được hóa giải bởi một nhân vật anh em trong tòa soạn thường gọi sau lưng là “Lão Ngoan Đồng” - nhân vật ngây ngô trẻ mãi không già trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Vị này hưu trí, hợp đồng chân trợ lý biên tập. Ý kiến của ông là khoan bàn đại sự, hãy đi từ việc tưởng vặt vãnh, như chuyện chữ nghĩa:
“Cả nước chưa có chuẩn chính tả, thì báo ta phải xây dựng chuẩn của mình. Hiện nay không chỉ phóng viên, mà biên tập viên cũng xài từ không theo chuẩn nào hết. Như khái niệm mười năm, nhiều người lẫn lộn giữa “thập kỷ” với “thập niên”, không thèm biết một “kỷ” theo lịch Đông 60 năm, còn lịch Tây những 100 năm. Lại còn nạn nghèo chữ, hàng chục tờ báo in, báo mạng lặp suốt những “đắng lòng”, “gây sốt”, “lộ hàng”…”.
Cuộc họp được trận cười giải lao. Đến đấy thì Miên nhận được tin nhắn từ phòng thư ký tòa soạn, cô đứng lên xin phép chủ tọa đi làm tin nóng đột xuất.
“Cộng tác viên cho biết rạng sáng nay ở Cát Tiên xảy ra lũ quét, thiệt hại nhất trong
vòng 20 năm”, phó ban thời sự nói khi trao Miên bản in bức thư điện tử.
Miên đọc, lẩm nhẩm, “Có tác động của xả lũ hồ thủy điện” - rồi ngẩng lên, phân công một phóng viên đi ngay Cát Tiên, “Phối hợp với cộng tác viên, khai thác yếu tố xả lũ, thấy ô kê sẽ triển khai cover, chú ý ảnh...”.
Bỗng ai đó cắt ngang, “Khó rồi chị Miên ơi, xem VTV kìa”.
VTV đang đưa hình ảnh nước sông Đồng Nai dâng tràn bờ, tuyến đường 721 sạt lở nặng, tạm thời gián đoạn giao thông, ngăn cắt vùng rốn lũ.
Miên không bỏ cuộc, “Tôi quen phó chủ tịch huyện, biết đâu ổng có cách đưa người mình vào được”.
Cô bật loa ngoài điện thoại di động để mọi người cùng nắm việc. Kẻ gọi chưa kịp lên tiếng thì người nhận đã nóng sốt, “Miên hả? Đừng quá lo,
bọn anh đang cho người tìm thằng Khoa”.
Miên lặng đi. Anh em phóng viên chung quanh dừng hết việc, ái ngại theo dõi cuộc điện đàm.
“Anh ơi, có cách gì giúp bọn em vào hiện trường?”, Miên sực nhớ mục đích cuộc gọi.
“Phải đợi thông đường thôi, sớm nhất là tối nay”.
“Sao anh biết có Khoa ở đó?”.
“Lần nào lên nó chẳng vứt ô tô ở sân ủy ban trước khi theo xe máy trưởng thôn Điểu Keng chạy vào trỏng? Anh em vừa báo không thấy nó đâu, trạm cứu thương cũng không. Giờ túi bụi lắm, có gì mới sẽ gọi ngay, nhé...”.
“Chị tìm cách liên lạc
anh Khoa, việc ở đây để tôi”, phó ban đỡ lời khi thấy Miên đứng sững.
Về tới phòng mình, Miên tựa lưng vào cánh cửa vừa đóng, bưng miệng khóc. Giật mình nhớ việc cần làm, cô lóng ngóng với chiếc điện thoại nhòe nước mắt. Mấy lần gọi Khoa chỉ nhận mỗi một câu vô cảm “số thuê bao này tạm thời không liên lạc được”. Nhưng chưa bao giờ Miên thấy “tạm thời” lại có thể giúp cô nuôi hy vọng đến thế. Bỗng chuông điện thoại reo, liếc thấy số của ông phó chủ tịch huyện, Miên kêu lên, “Gặp Khoa rồi hả anh?”.
Đầu dây bên kia im lặng. Vài giây im lặng đó đủ chôn Miên vào trăm năm kinh sợ. Giọng cô run run, “A lô? Nói cho em biết đi, Khoa thế nào rồi…, anh?”.
“Anh đây… Khoa đây…”.
Đến lượt Miên im lặng. Im lặng cho đến khi vui mừng cực điểm không còn chèn cứng cổ họng cô mới thốt lên được, “Quỷ sứ, làm em hết hồn! - rồi đổi giọng sau một hồi tiếp tục im lặng - chụp cho em một sê ri ảnh hiện trường trận lũ, “meo” về càng sớm càng tốt, nghe”.
“Lũ cuốn hết đồ nghề rồi, điện thoại nữa, phải mượn máy ông phó chủ tịch gọi em đây”.
“Xoay xở đi, thế nào trên đó chẳng có máy ảnh, không cần chất lượng cao đâu, thời sự là được, nghe!”.
***
Lơ mơ thức giấc, Khoa lập tức cảm nhận toàn thân đau ê ẩm và nhớ là đầu mình đang quấn băng vì một vết xước dài khi dòng lũ ném anh vào rặng lồ ô. Miên không còn nằm bên Khoa, vẫn thoảng mùi hương đàn bà và vết lõm cô để lại trên tấm drap màu vàng đất xô lệch. 11 giờ đêm qua anh mới về tới nhà, lát sau thì nghe gõ cửa, tín hiệu “cấp cứu”. Kết thúc phần việc ở tòa soạn là Miên tất tả đến với anh.
Khoa mở lá cửa bước ra lan can hẹp đầy nắng sớm. Anh lại tủm tỉm khi thấy Miên dừng xe trước sạp báo dưới sân chung cư. Cô không thể đợi đến tòa soạn để trông thấy tờ báo mới của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.