Đọc cũng bị bệnh hình thức

09/10/2012 03:30 GMT+7

Mua sách nhiều hơn, song ít người đọc có sách hay kinh điển “gối đầu giường”. Tại thư viện lớn, lượng sinh viên đọc sách chỉ tập trung vào trước các kỳ thi. Văn hóa đọc cũng đang rơi vào bệnh hình thức.

Cùng công nhận sự xuống cấp của văn hóa đọc đang phổ biến thế giới, song những người dự hội thảo “Văn hóa đọc và ngày đọc sách Việt Nam” đều tỏ ra lo lắng trước thực trạng này trong nước. Hội thảo tổ chức chiều qua (8.10) tại Thư viện Quốc gia Hà Nội.

Đọc cũng bị bệnh hình thức
Mua sách, đọc sách chưa trở thành nhu cầu thiết thân của nhiều người - Ảnh: Ngọc Thắng

 

Đề xuất ngày Sách Việt Nam

Ông Nguyễn Kiểm, Phó chủ tịch thường trực Hội Xuất bản Việt Nam đề nghị sớm phê chuẩn “ngày Sách Việt Nam”. Theo ông và nhiều đồng nghiệp, nên chọn ngày 21.4 là ngày Sách Việt Nam. Đây là ngày trong nhiều năm qua, ngành xuất bản chọn tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Sách và bản quyền thế giới (23.4) do UNESCO phát động.

Theo Cục Xuất bản, năm 2011, toàn ngành xuất bản hơn 27.000 đầu sách, với gần 294 triệu bản; tăng lần lượt so với năm 2010 là 7% và 6%. Tuy lợi nhuận chung giảm 10% so với năm trước, song một nửa danh sách 64 nhà xuất bản trên cả nước đạt lợi nhuận trên 100 triệu đồng, 6 đơn vị có lợi nhuận trên 1 tỉ đồng. “Con số thống kê chính thức, không kể lượng bản in ngoài luồng, cũng cho thấy người ta dù chưa biết có đọc nhiều hơn không, nhưng rõ ràng mua sách nhiều hơn”, PGS-TS Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian cho biết.

Nhưng đúng như cách ông Lý đặt vấn đề, số lượng đọc sách “đỉnh cao”, đọc như “một phần tất yếu của cuộc sống” lại không nhiều. Theo thống kê, số lượt đọc sách tra cứu tại viện nghiên cứu của ông Lý giảm dần qua từng năm. Năm 2008 còn đạt 278 lượt thì tới 2012 chỉ còn 56 lượt. Trong khi đó, đây là cơ quan đầu ngành về văn hóa dân gian, địa điểm tập trung tài liệu văn hóa dân gian nhiều nhất trong cả nước. “Sự sa sút người đọc chuyên ngành cũng đáng xem xét”, ông Lý lo lắng.

Tại thiết chế dành cho việc đọc là thư viện, thống kê cho thấy sinh viên lên thư viện học đông nhất vào thời gian thi cử. Hết mùa thi, thư viện luôn vắng người. Một nhân viên phòng phục vụ bạn đọc tại Thư viện Quốc gia cho biết: “Hầu như các bạn sinh viên lên thư viện đọc sách mang tính chất đối phó để vượt qua kỳ thi, phục vụ cho công việc học tập chứ không có ý đọc để nghiên cứu, tìm hiểu sâu cho việc mai đây ra trường. Bên cạnh đó, những cuốn sách hay có thể làm thay đổi cuộc đời, tư duy thì chẳng bao giờ họ động tới”.

“Văn hóa đọc cũng bị bệnh hình thức, không thực chất”, PGS-TS Lý nói. Việc tạo thói quen đọc sách từ nhỏ cũng rất tệ. TS Lê Bích Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo trung ương cho biết, điều tra cả nước của Trung tâm văn học trẻ em (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho kết quả tiền mua sách báo chỉ chiếm 2% tổng chi phí gia đình cho một trẻ em/tháng. Thậm chí có phụ huynh trả lời “không có tiền dành để mua sách báo” hoặc “không có thói quen đọc sách báo”…

Trinh Nguyễn

>> Ngày Hội sách và văn hóa đọc:Đông nhưng chưa vui
>> Xây dựng văn hóa đọc cho trẻ em: Đừng lãng quên vùng ven!
>> Văn hóa đọc
>> Cà phê sách - Nét đẹp văn hóa đọc
>> Văn hóa đọc, có cần “báo động” ?
>> Văn hóa đọc trên mạng: Vàng thau lẫn lộn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.