Độc đáo di cảo Bùi Giáng

16/06/2006 22:45 GMT+7

Bạn đọc yêu thơ Bùi Giáng rất ngạc nhiên với các thi tập được trình làng sau khi ông mất như: Rong rêu, Đêm ngắm trăng, Như sương, Mười hai con mắt (Di cảo 1), Thơ vô tận vui (Di cảo 2), Tuyết băng vô tận xứ (Di cảo 3) và nhiều tác phẩm khác.

Người đứng ra thực hiện những ấn phẩm này đã được Bùi tiên sinh ủy quyền, đó là anh Nguyễn Thanh Hoài, một người cháu rể gọi ông là bác. Chuẩn bị cho giỗ 8 năm ngày mất "Trung niên thi sĩ", anh đang xúc tiến để in tập Mùa màng tháng Tư (NXB Văn Nghệ), di cảo thứ tư của nhà thơ  trong tháng 6/2006 này.

Tài năng dị biệt

Anh Hoài cho biết, để làm trước tác Bùi Giáng là "duyên nghiệp". "Tôi yêu mến thơ ông từ rất lâu nhưng cho đến khi lập gia đình, được gọi Bùi tiên sinh bằng bác thì cơ duyên mới nảy nở".  Về quan hệ gia tộc, Bùi Giáng là anh em thúc bá với bố vợ anh là ông Bùi Văn Võ. Từ  năm 1978, Bùi  tiên sinh đã về sống với gia đình. Anh Hoài là người được Bùi tiên sinh tin cậy. Như anh kể vui thì chỉ có một mình anh được vào phòng riêng của ông, được tiếp xúc, cất giữ những gì ông viết. Vì thế, anh biết nhiều chuyện "bí mật" của nhà thơ. "Ông là người rất cô đơn. Một cá tính dị biệt, một thế giới riêng khó ai có thể lấp đầy, chia sẻ nổi. Bùi tiên sinh gần như không có bạn tâm giao". Anh tiết lộ: "Một năm ông tịnh khẩu 2, 3 tháng, có nghĩa không nói một tiếng nào trong suốt thời gian đó. Khách đến chơi nhiều người như đối diện với... khoảng trống". Nhưng sau thời gian đó, lại đến thời kỳ ông "xuống núi" ngao du sơn thủy.  Như một câu thơ ông viết: "Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi/Đi lên đi xuống đã đời du côn". Anh Hoài cho biết cảm nhận riêng của mình: "Theo tôi, Bùi Giáng chưa bao giờ điên thực cả. Điên như một cách ông ứng xử với đời sống. Thậm chí Bùi tiên sinh còn nói nhờ "hành tung" như thế mà ông mới có "đủ an toàn" để đi hết con đường nghệ thuật mà mình đã chọn". Cách nói đó có thể hiểu rằng, khi mọi người sợ hãi, ngại tiếp xúc hay xa lánh, ông càng có thêm nhiều thì giờ để tận hiến cho thơ. Một tinh thần hiền minh, nghiêm túc với nghệ thuật rất đáng kính trọng ẩn trong phong cách một "cuồng sĩ".

Anh Nguyễn Thanh Hoài (người ôm vai), nhà thơ Bùi Giáng và bạn bè

Di cảo đồ sộ

Có lẽ nhờ thế mà ngoài 60 tác phẩm đủ các thể loại từ thơ, văn xuôi, bình giảng, dịch thuật, nghiên cứu... đã xuất bản trong ngoài nước thì trước tác của Bùi Giáng để lại sau khi mất khá đồ sộ. Bắt đầu từ 1995, anh Hoài cùng nhà sách Cảo Thơm (Đà Nẵng) đã in mới Rong rêu, Mười hai con mắt, Thơ vô tận vui... và tái bản Cõi người ta - Saint Exupéry, Nhà sư vướng lụy - Tô Mạn Thù, Khung cửa hẹp - André Gide..., tất cả khoảng 15 đầu sách của Bùi Giáng. Tuy nhiên, anh cho biết: "Mỗi năm, chúng tôi gắng ra một cuốn di cảo thơ của ông thì cũng phải mất 10 năm nữa mới in hết". Đó là nói về những tập thơ đã được chính Bùi Giáng hoàn chỉnh bản thảo. Còn thơ lẻ cũng khá nhiều. "Chúng tôi đang cố gắng sưu tầm từ nhiều nguồn, bạn bè, thư tịch để tập hợp lại. Làm sao để có một chân dung Bùi Giáng rõ nét nhất". Ở các thể loại khác như văn học dịch, anh Hoài cho chúng tôi xem bản thảo hai cuốn Thục nữ học đường (L'École des Femmes) và Dưỡng chất trần gian (Les Nourritures Terrestres) của André Gide, nhà văn Pháp mà ông vốn rất yêu thích, đã dịch xong. Bình giảng có Tuyển tập luận đề. Tạp văn, ghi chép, tạp bút... cũng đang tiến hành phân bố theo từng thể loại. Đặc biệt, anh Hoài mong muốn tập hợp Bùi Giáng trong mắt bạn bè qua nhiều thập kỷ nhà thơ sống. Như ước nguyện của anh Hoài thì "xúc tiến dần dần để có thể làm được toàn tập Bùi Giáng cho bạn bè người đọc yêu quý ông. Những gì hôm nay có thể làm, nếu không cố gắng thực hiện sẽ bị mai một. Bình luận về cái hay của mỗi tác phẩm thuộc về bạn đọc. Nhất là những nhà thơ lớn - như Bùi Giáng - đã thuộc về lịch sử".

Đông Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.