Độc đáo lễ hội rước người ở Quảng Ninh

Lã Nghĩa Hiếu
Lã Nghĩa Hiếu
11/02/2019 17:05 GMT+7

Sáng 11.2 (mồng 7 tháng giêng), hàng vạn người từ khắp nơi đã đổ về thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) để xem lễ rước người độc đáo có một không hai ở Việt Nam.

Gần 400 năm nay, mỗi dịp tết đến xuân về, bắt đầu từ ngày mồng  5 đến mồng 8 tháng giêng, 62 dòng họ ở đảo Hà Nam (thị xã Quảng Yên) lại tưng bừng tổ chức lễ hội rước người, còn gọi là lễ hội miếu Tiên Công. 
Ngay từ sáng sớm, các đoàn rước cụ Thượng (là những người cao tuổi, thường trên 80 tuổi) được con cháu trong dòng họ rước ra miếu Tiên Công (phường Cẩm La, thị xã Quảng Yên) để làm lễ chúc mừng. Các cụ Thượng mặc áo gấm xanh, đỏ được rước bằng kiệu trải nệm hoa 4 người khiêng với đòn được tạc đầu rồng, bên cạnh là con cháu trong dòng họ. Ngoài ra, trong đoàn rước còn có đội hình múa lân sư, trống hội, nhạc bát âm cùng các lễ vật như trầu cau, bánh dày, rượu hồng, thủ lợn.. Lễ rước trở nên sôi động, đông vui bởi ai cũng muốn tới kiệu và được bắt tay cụ Thượng.
Tới cửa miếu Tiên Công, các đoàn rước lần lượt hạ kiệu, đưa cụ Thượng vào trong để tế lễ cảm tạ ơn đức của tổ tiên và cầu cho gia đình hạnh phúc, con cháu mạnh khoẻ, công thành danh toại. Tiếp đó, các dòng họ sẽ mời các cụ Thượng ra trước cửa miếu làm nghi lễ “vượt thổ” (đắp đê). Trên con đê nhỏ tượng trưng, các cụ Thượng đắp những tảng đất đã được xẻ vuông vắn lên trên.
Sau lễ này, các gia đình, làng xã mới bắt đầu đào mương, bồi đê, cày cấy ruộng vườn. Liền sau đó, hai cụ Thượng đóng khố, cởi trần thực hiện nghi thức “đấu vật” tượng trưng. Không chỉ thể hiện sức khỏe, tính kiên cường của người đi mở đất, những phong tục này còn thể hiện truyền thống chống chọi với thiên tai, giáo dục con cháu có ý thức xây dựng, bảo vệ quê hương.
Ông Trần Đức Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên, cho biết: “Từ bao đời nay, lễ hội Tiên Công là một trong những ngày hội lớn nhất của các làng đảo Hà Nam. Lễ hội không chỉ là lễ mừng thọ đơn thuần mà là dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với bậc tiền nhân đã có công lập, giữ làng”.
Ngoài nghi lễ rước các cụ Thượng, lễ hội Tiên Công còn diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi động như hát đúm, hát chèo, đánh cờ...
Theo UBND thị xã Quảng Yên, lễ hội năm nay thu hút khoảng 2 vạn người dân, du khách về xem nghi lễ rước 230 cụ Thượng lên miếu Tiên Công. Năm 2018, lễ hội rước người độc đáo này đã được Bộ Văn hoá - Thể Thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Đoàn rước lễ với đội lân sư Ảnh Lã Nghĩa Hiếu
Các lễ vật trong đoàn rước cụ Thượng không thể thiếu thủ lợn Ảnh Lã Nghĩa Hiếu
Nhiều lẵng hoa của các đoàn đến chúc mừng dòng họ có cụ Thượng được rước lên miếu Ảnh Lã Nghĩa Hiếu
Nhiều đoàn rước mang theo cả bằng mừng thượng thọ của tỉnh Quảng Ninh Ảnh Lã Nghĩa Hiếu
Tuỳ theo điều kiện mà mỗi gia đình tổ chức nghi lễ với quy mô riêng Ảnh Lã Nghĩa Hiếu
Các cụ Thượng là người cao tuổi trong dòng họ, thường từ 80 tuổi trở lên Ảnh Lã Nghĩa Hiếu
Các cụ ngồi trên kiệu có đệm và được khiêng bằng đòn rồng. Xung quanh là con cháu đến chúc mừng Ảnh Lã Nghĩa Hiếu
Cụ Vũ Hoàng Ất, phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên lần thứ 2 được con cháu rước lên miếu tổ Tiên Công Ảnh Lã Nghĩa Hiếu
Gia đình nào cũng vui mừng vì có cha mẹ được rước lên miếu tổ Ảnh Lã Nghĩa Hiếu
Năm nay có 230 cụ Thượng được rước Ảnh Lã Nghĩa Hiếu
Cụ Thượng 100 tuổi được rước bằng kiệu lớn Ảnh Lã Nghĩa Hiếu
Đoàn rước đi đến đâu cũng được con cháu, người dân vây đến chúc mừng Ảnh Lã Nghĩa Hiếu
Nhiều người trèo lên cao xem đoàn rước cụ Thượng Ảnh Lã Nghĩa Hiếu
62 dòng họ ở đảo Hà Nam, thị xã Quảng Yên rước các cụ Thượng lên miếu tổ trong 3 ngày Ảnh Lã Nghĩa Hiếu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.