Đối đầu Mỹ - Trung nhìn từ 'Định mệnh chiến tranh' của Graham Allison

21/10/2019 16:56 GMT+7

Đối với người Việt , cuốn sách cung cấp một cách tiếp cận không quá mới, nhưng có hệ thống và lập luận rõ ràng mạch lạc về cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung...

Đối với những ai quan tâm tới cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, câu hỏi thường xuyên được đặt ra trong thời gian gần đây là liệu có xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc hay không? Và làm thế nào để ngăn chặn một cuộc chiến mà theo nhận xét là “không bên nào muốn”? Cuốn sách Định mệnh chiến tranh của Graham Allison, người từng là Giám đốc Trung tâm Belfer về Khoa học và Các vấn đề quốc tế trực thuộc Đại học Harvard (Mỹ), đã đưa ra những lập luận nhằm trả lời hai câu hỏi trên.
Trước hết, Graham Allison là một sử gia ứng dụng, cũng là người đóng vai trò rất lớn trong quá trình hoạch định chính sách đối ngoại và quốc phòng của Mỹ trong thập niên 1960 - 1970, đặc biệt trong các vấn đề có liên quan tới vũ khí hạt nhân và khủng bố. Trên tất cả, ông là một người ủng hộ chủ nghĩa hiện thực trong quan hệ quốc tế, vốn nhấn mạnh vào việc xem xung đột và cạnh tranh quyền lực giữa các quốc gia là một điều hiển nhiên trong một thế giới “vô chính phủ”, ở đó lợi ích của quốc gia là tối thượng. Tư duy này được thể hiện rõ nét trong lập luận chính xuyên suốt cuốn sách Định mệnh chiến tranh: Khi một cường quốc đang trỗi dậy tạo ra sức mạnh quá lớn khiến cho cường quốc thống trị trở nên lo ngại, chiến tranh là một điều gì đó không thể tránh khỏi (giới chuyên gia giải thích quá trình này trong một lý thuyết được gọi là “chuyển dịch quyền lực”).
Lập luận này được Graham Allison chứng minh bằng cách nêu ra 16 ví dụ cụ thể trong 500 năm lịch sử thế giới, trong đó có sự xuất hiện của một cường quốc trỗi dậy đe dọa tới sức mạnh và vị thế của một cường quốc đang thống trị. Hầu như tất cả 16 ví dụ này đều xảy ra ở châu Âu, trong đó chỉ có 4 trường hợp là không xảy ra chiến tranh. Những ví dụ này củng cố cho quan điểm của Graham Allison khi cho rằng chiến tranh là điều hoàn toàn có thể xảy ra, một khi nỗi sợ hãi về chênh lệch cán cân quyền lực, về sức mạnh kinh tế và quân sự, về tư duy vị thế khiến cho một trong hai đối thủ, bất kể là cường quốc đang trỗi dậy hay thống trị, khởi động một quá trình khiến cho cả hai bên đều hướng tới một thảm họa không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, Graham Allison cũng nhấn mạnh hai điểm. Thứ nhất, cuốn sách không có ý định tạo ra một bầu không khí sợ hãi, mà chỉ để nhấn mạnh rằng những bài học từ lịch sử có giá trị quan trọng để định hình hiện tại và tương lai. Đó chính là mục đích của môn “lịch sử ứng dụng” mà ông đang theo đuổi. Thứ hai, chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ chỉ là một “định mệnh” nếu như giới chính trị gia ở cả hai nước liên tiếp mắc phải những sai lầm chính sách như trong quá khứ. Đối với Graham Allison, chiến tranh không phải là điều tất yếu và hoàn toàn có thể tránh được.
Ngoài những ví dụ lịch sử có liên quan tới "Bẫy Thucydides", Graham Allison đã dành một phần nội dung khá lớn của cuốn sách để trình bày về sự trỗi dậy không ngừng nghỉ của Trung Quốc trong suốt hơn 40 năm cải cách mở cửa trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế, quân sự cho tới vị thế toàn cầu của Trung Quốc, cùng những miêu tả của về quan điểm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và đặc biệt hơn, tư duy về mặt bản sắc và văn hóa khiến cho người dân Trung Quốc, mà đại diện cho họ là chính thể Trung Quốc hiện tại, trở nên khác biệt hoàn toàn với Mỹ.
Graham tỏ ra hoàn toàn ủng hộ các quan điểm về văn minh của Samuel Huntington. Đối với Trung Quốc, văn hóa Khổng giáo đề cao “giá trị của thẩm quyền, tôn ti trật tự, và sự coi nhẹ quyền lợi cá nhân, tầm quan trọng của đồng thuận, tránh đối đầu, "giữ thể diện" và một cách tổng quan: sự vượt trội của nhà nước đối với xã hội, và của xã hội đối với cá nhân”. Đây là những giá trị hoàn toàn đối lập với các giá trị và niềm tin của người Mỹ về tự do, bình đẳng, dân chủ và chủ nghĩa cá nhân. Chính những khác biệt về hệ giá trị này, theo một số nhà phân tích, sẽ là thứ khiến cho xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ khó có thể điều hòa được trong tương lai.
Nhiều độc giả sẽ nhận thấy quan điểm của Graham Allison mang một màu xám xịt và đầy bi quan. Đó cũng là do Graham đại diện cho một nhóm chuyên gia và những nhà hoạch định chính sách ở Mỹ xem Trung Quốc là một đối thủ cần phải được xử lý, bằng cách này hay cách khác. Tuy nhiên, góc nhìn của Graham và những người đồng quan điểm với ông cũng chỉ đại diện cho một trong nhiều trường phái khác nhau trong giới chiến lược gia Mỹ. Thế giới của chúng ta ngày nay đã hoạt động theo những cách thức hoàn toàn khác biệt so với cách đây 30 năm, chứ chưa nói tới khoảng thời gian hỗn loạn của các thế kỷ trước. Chủ nghĩa hiện thực thường xem nhẹ vai trò của các tổ chức quốc tế, của các mối quan hệ kinh tế và văn hóa ngày càng bền chặt giữa các quốc gia.
Cuốn sách là một nguồn tài liệu tham khảo bổ ích, không chỉ cho giới chuyên gia, mà còn cho đông đảo người đọc có mong muốn tìm hiểu sâu hơn về các sự kiện lịch sử cũng như những nút thắt khó gỡ, dù vô tính hay hữu ý của số phận, khiến cho chiến tranh trở thành thứ không thể tránh khỏi. Đối với người Việt, cuốn sách cung cấp một cách tiếp cận không quá mới, nhưng có hệ thống và lập luận rõ ràng mạch lạc về cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, một cuộc cạnh tranh có ảnh hưởng lớn đến Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.