'Dòng sông ký ức' của Trần Xuân Tương

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
11/05/2019 12:08 GMT+7

Chẳng phải nhiều nhặn với một tập thơ của một người đàn ông, vốn là thầy giáo đứng bục giảng trong suốt 42 năm cuộc đời, nhưng dòng sông thơ của anh lại chở khẳm con thuyền không hẳn đã… độc hành!

Đó là tập thơ của Trần Xuân Tương, mà mới gặp ít ai nhận ra anh đã ở vào tuổi 64, đủ để đầy đặn cho những suy nghiệm. Chiều mưa Sài Gòn, ở nhà một người bạn cùng quê với anh Quảng Bình, bên ly rượu thoảng hắt vào đôi hạt mưa, anh kể về những ký ức với quê hương, với thời trai trẻ và những năm tháng đứng lớp. Bảng cũng đã mòn, phấn đã vơi đến hàng ngàn hộp, người đàn ông dạy vật lý lại thao thức với quê hương, về mẹ, những cành phượng vĩ mùa hè và cả một cõi vô thường xa lắc, nhưng hiện hữu quanh cuộc đời mỗi người, những khi nghĩ về nó. Tôi đùa với anh khi nhận tập thơ, “lẩy” ra hai câu cũng rất… vật lý: “Thiên hà vũ trụ đâu xa. Đọc thơ lên, biết người ta vô thường!”. Tương cười, nhìn mưa rơi sau cặp gọng kín…
Rời quê Bố Trạch (Quảng Bình), học Đại học Sư phạm Vinh, ra trường năm 1977, anh vào dạy học ở Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai 12 năm, rồi sau đó chuyển sang dạy ở Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (TP.Biên Hòa) cho đến lúc về hưu. Tương nhìn cuộc đời qua những nắng mưa an phận, nhưng hồn anh gửi vào thơ thì lắm nỗi niềm về thoáng nhân sinh: “Biết đâu một thoáng bùi ngùi/Lỡ rơi xuống đất sụt sùi ái ân/Nợ duyên truyền kiếp đong lần/Ta còn gặp lại để cần đến nhau” (Cõi vô thường). Nhưng với những gì về quê hương, dòng sông và mẹ là câu chuyện hoài niệm thao thức hầu như thường trực. Trong bài Dòng sông nỗi nhớ, anh viết: “Nước cứ chảy cho sông đầy biển lớn/Cầu treo đây sắp sửa đến quê nhà/Chiếc ca nô ngược dòng đưa tôi tới/Liên Trạch, Khương Hà, Cu Lạc, Phong Nha…”. Kể về một lần về thăm quê, với những tên đất tên làng và thắng cảnh mà anh đọc thuộc ở vùng Bố Trạch, nơi đã từng sinh ra lớn lên, không giấu được niềm tự hào, coi như ân sủng của đất trời ban phát, cũng là một nét riêng trong thơ của một nhà giáo ở vùng đất lửa những năm tháng chiến tranh!
Và rồi bài viết về mẹ, Tương trang trọng đặt ngay đầu tập thơ, như một niềm tưởng nhớ sâu đậm và da diết: “Mẹ sinh con nơi đầu nguồn sông chảy/Nhũ bạc, đá vàng, hang động sinh sôi/Lúa ruộng, khoai nương, dâu bãi, sắn đồi/Nuôi khát vọng thăng hoa đời con cái” (Mẹ là quê hương). Đọc và thấm, là bởi những gì của hôm nay mà anh có được, “tính sổ” cuộc đời ấy của một người thầy tài hoa, là hàng hàng lớp lớp những lứa học trò qua bao niên khóa anh tiễn ra trường trong suốt mấy mươi năm, chẳng phải là sự kết tinh, vun bồi từ bầu sữa mẹ ngày thơ bé đó sao? Để rồi, những lứa học trò ấy, trở thành những người có ích cho xã hội, lĩnh hội được biết bao điều từ sự truyền thụ kiến thức của anh. Nhưng, Trần Xuân Tương không nói nhiều lắm về chuyện ấy. Anh chỉ bày tỏ một chút buồn nhẹ nhàng mỗi khi hè đến, lúc những cành phượng vĩ đã đỏ rực phía trên cao, và trăng hạ đã chếch về đâu đó: “Trăng đêm heo hút cuối trời/Nghe như tiếng hạc đã rời bay xa/Ngồi buồn cửa sổ trông ra/Cứ vu vơ nhớ như là để quên” (Nỗi nhớ không tên). Hoặc, với bài Chờ đợi tháng tư, tôi rất thích cái cách anh gieo vần rất “nhuyễn và điệu”, không hề gượng: “Anh vừa cởi áo nàng Bân/Loa kèn hé nở tần ngần tháng tư/Con ong say mật lừ đừ/Nắng mang hơi ấm luộc nhừ tím xoan”. Viết về những cơn nắng dữ dội miền Trung, giọng thơ anh vẫn nhẹ như không, đọc lên chỉ còn thấy những cành xoan đã bùng ra những chòm hoa tím!
Có ưu thế về thể lục bát, trôi chảy như nước êm đềm xuôi, bài kết tập thơ gồm 65 bài cũng là bài lấy đặt tựa của cả tập thơ, ký ức của Trần Xuân Tương tung tẩy với những địa danh Xuân Sơn, Rào Son, Cu Lạc, nơi có làng anh thuở “chôn nhau cắt rốn”: “Tre ngà trước gió lao xao/Nồm nam hè đến mận đào xa nhau/Trăng tròn chúm chím buồng cau/Trầu xanh vôi trắng mà đau mất nàng!”.
… Gấp lại tập thơ, với những dư vọng của quá khứ đầy ắp, với dòng sông quê nhà có lẽ ai cũng luôn mang theo trong tâm tưởng, bỗng nghe vẳng bên tai một bản nhạc Pháp nổi tiếng quen thuộc - La Maritza (Dòng sông tuổi nhỏ), qua bản dịch của nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng trong thập niên 60 của thế kỷ trước, với những khúc trữ tình:
“Nhánh sông thân yêu ngày chưa biết buồn
Đã ru tôi trọn thời thơ ấu
Ngỡ quên đi cùng năm tháng dài
Sao giờ bỗng hồn đầy nhớ thương
Dòng sông cũ…”
Tháng 5.2019
(*) Đọc Dòng sông ký ức, Thơ của Trần Xuân Tương - NXB Thanh Niên 2019
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.