Du Tử Lê và những dòng thơ viễn xứ

12/08/2018 07:22 GMT+7

Từ sau 1975, Du Tử Lê (ảnh - 76 tuổi hiện đang sống ở Mỹ) đã có 4 tập thơ, tùy bút xuất hiện trở lại với độc giả trong nước.

Là một trong năm nhà thơ nổi tiếng nhất của văn chương đô thị Sài Gòn ngày trước (bên cạnh Tô Thùy Yên, Nguyên Sa, Nguyễn Đức Sơn, Thanh Tâm Tuyền), có thể coi đây là một hiện tượng lạ lùng, một may mắn cho các thi phẩm lẫn người đọc.
Tuyển thơ Khúc Thụy Du (Phanbook & NXB Hội Nhà văn, 2018) của Du Tử Lê vừa ra mắt, được độc giả quan tâm đặc biệt càng khẳng định thêm điều đó. Những bài thơ bất hủ trong tuyển thơ này cũng ngầm đưa ra lý giải vì sao thơ Du Tử Lê có sức sống bền bỉ, có thể “sống sót” qua những thay đổi thế cuộc và vượt trên những áp đặt trong lẫn ngoài văn chương.
Trước hết, Du Tử Lê ý thức tạo ra một thứ nhạc tính riêng cho câu chữ của mình, dù đó là thể thơ nào, có vần điệu hay tự do. Và thứ nhạc tính ấy đã tìm thấy giao cảm ở những nhạc sĩ: Anh Bằng, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Trần Duy Đức, Ngô Thụy Miên... Rất nhiều nhạc sĩ hàng đầu của âm nhạc Sài Gòn đã phổ thơ Du Tử Lê, làm cho những bài thơ được chắp cánh, lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.
Bìa 2 cuốn Trên ngọn tình sầu và Với nhau, một ngày nào Ảnh: C.S

Khi đọc lại bản gốc những bài thơ tình được phổ nhạc và nổi tiếng in lại trong tập Khúc Thụy Du, như: Khúc Thụy Du (Anh Bằng phổ nhạc), Giữ đời cho nhau (Từ Công Phụng), Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển (Phạm Đình Chương)… độc giả sẽ hiểu rằng, cây âm nhạc đã được gieo từ hạt mầm thi ca.
Điều mới mẻ mà tập thơ Khúc Thụy Du, gồm 50 bài tuyển chọn được ái mộ nhất của Du Tử Lê, lần này làm được, đó là đưa vào một mảng thơ mà độc giả trong nước sau 1975 có lẽ hãy còn xa lạ: thơ thế sự. Đây là một đóng góp không nhỏ trong dòng thơ ly hương sau những bể dâu lịch sử. Bài thơ Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển gói trong đó cái tâm tình lưu đày viễn xứ khôn khuây: khi tôi chết hãy đem tôi ra biển/đời lưu vong không cả một ngôi mồ/vùi đất lạ thịt xương e khó rã/hồn không đi sao trở lại quê nhà/khi tôi chết hãy đem tôi ra biển/nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi/bên kia biển là quê hương tôi đó/rặng tre xanh muôn tuổi vẫn xanh rì.
 
Bìa tập thơ Khúc Thụy Du Ảnh: N.T
Nỗi khắc khoải hình bóng quê nhà đi cùng những xa xót trong thân phận di dân trên đất mới. Ở đoạn sau 1976, thơ thế sự của Du Tử Lê thường có những song thoại, thực ra là độc thoại về thân phận những người lưu vong sống sót nhưng hồn chất đầy mất mát.
Mẹ, bạn bè, quê hương, người tình, người bạn đời… tất cả hòa trong một tổng phổ đượm thắm mà u trầm, bay bổng mà thao thức. Ấy là cõi thơ Du Tử Lê được gói lại khéo léo, một cách tinh tế qua tuyển thơ này. Sự trở lại của Du Tử Lê lần này mang đầy đủ ý nghĩa và cần thiết để người đọc hôm nay nhận diện lại một khuôn mặt thơ qua những câu thơ mang vết thương “trên cọc nhọn trăm năm”.
Giọng tình bay trên những đỉnh sầu
NXB Hội Nhà văn và Saigonbooks cũng vừa giới thiệu hai tác phẩm thơ và tiểu thuyết: Trên ngọn tình sầu và Với nhau, một ngày nào của Du Tử Lê.
Trên ngọn tình sầu là tuyển tập chọn lọc bao gồm hầu hết những bài thơ viết từ trước năm 1975 của ông. Lần giở những trang tiểu thuyết Với nhau, một ngày nào, từng được Nhà xuất bản Ngạn Ngữ của cố nhạc sĩ Anh Việt Thu chọn phát hành cuối năm 1974 tại Sài Gòn, người đọc bất ngờ gặp lại những nhân vật hơn 40 năm “lưu lạc” của Du Tử Lê - một giọng tình bay trên những đỉnh sầu của một kiếp người trong tập sách, cùng ông viết tiếp bao câu chuyện đời lên thác xuống ghềnh, đầy dâu bể…
Công Sơn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.