‘Đứa con của thời đại’ - Chiến tranh thế giới nhìn từ phía khác

Kiều Bích Hậu
Kiều Bích Hậu
10/02/2021 16:00 GMT+7

Tiểu thuyết Đứa con của thời đại của tác giả người Đức Ödön von Horváth (NXB Hồng Đức) là cuốn sách vừa nặng về tư duy, nhưng cũng đủ hấp dẫn đối với độc giả đi tìm sự mới lạ trong cách cảm nhận về thời cuộc.

Lấy bối cảnh thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, nhân vật chính của tiểu thuyết Đứa con của thời đại, một người lính phát xít trĩu nặng tâm tư, đã giúp đưa ra cái nhìn từ phía khác về cuộc chiến tranh và thân phận con người.
Thời đại đã sinh ra người lính ấy, một phận người đáng thương và đáng trách. Nhưng dường như, anh ta luôn thấy mình là nạn nhân của thời đại ấy, dù đã có lúc anh ta là một người lính giỏi, một xạ thủ giỏi nhất được tuyên dương trong đội quân phát xít. Có lẽ tác giả Ödön von Horváth không mong độc giả sẽ cảm thông với nhân vật chính - người lính phát xít - mà muốn chỉ ra một sự thật quan ngại rằng, một con người ở tầng thấp của xã hội, luôn bị từ chối và hắt hủi, luôn cảm thấy mình thất bại, nhiều khả năng sẽ dễ dãi cho phép mình trở thành công cụ của cái ác, sẵn sàng trả giá cuộc đời, lương tri, cho miếng ăn, chỗ ngủ, quần áo và chút hư vinh vay mượn tội nghiệp. Điều này vẫn vô cùng có ích khi chúng ta phải đối diện với vấn nạn khủng bố ngày nay.
Quả vậy, khi anh ta thất nghiệp nhiều năm sau khi rời nhà trường, và anh ta bị xua đuổi mỗi khi đi xin việc, bị mọi người lảng tránh vì không có việc làm, anh ta thấy mình hoang phí cuộc đời vô nghĩa khi hàng ngày đứng xếp hàng thật lâu để chờ được phát món xúp đơn điệu từ một tu viện, khi mọi nỗ lực kiếm một việc gì đó để làm đều uổng công, thì việc anh ta được quân đội phát xít tuyển dụng, chính là tương lai đã mở cửa cho anh ta. Trong quân đội, anh ta cũng xếp hàng, nhưng lúc đó thì anh ta yêu việc xếp hàng, vì anh ta thích là người lính. Tác giả Odon Von Horvath thật cao tay khi đưa ra hình tượng xếp hàng thật ám ảnh, ở hai trạng thái tâm lý khác nhau của nhân vật, để làm nổi bật khao khát căn bản của con người, khao khát được cộng đồng công nhận, được hiến mình cho cộng đồng, bất chấp đó là một cộng đồng ra sao. Anh ta cho phép mình trở thành một kẻ trong cộng đồng ấy, với lý lẽ “Tôi chỉ biết, người ta sẽ chẳng giành giật được gì, nếu người ta là người tốt. Người ta cần phải ranh mãnh, vụ lợi, và ngày một lạnh lùng hơn. Phải tàn nhẫn đến tận cùng!”.
Trong dòng đời xô dạt ấy, nhân vật đã để bản ngã điều khiển, và khi trở thành người lính phát xít, anh ta đồng nhất mong muốn đạt thành tích trong chiến đấu với lý tưởng của Quốc trưởng, để hóa giải cho mọi hành động xâm chiếm quốc gia khác, cướp bóc và giết chóc. Tuy nhiên, trong lúc ra tay làm việc ác nhân danh Tổ quốc, anh ta cũng thấp thoáng nhận ra sự ngụy biện của chính mình, qua sự cố tình tìm đến cái chết của nhân vật ông Đại úy, để khỏi phải tiếp tục dấn thân vào cái ác. Lá thư ông Đại úy gửi vợ sau khi chết, được nhân vật người lính mang trả cho người vợ ông, chính là sự tỉnh thức của con người trong cơn mê loạn vì bị cái ác dẫn dắt. Sự tỉnh thức ấy có thể xảy ra ở ông Đại úy, hay bất cứ người lính phát xít nào, đó là sự tỉnh thức của nhân tính. Ông Đại úy viết: “Bọn anh không còn là những người lính nữa, mà là những tên cướp hèn hạ, những kẻ giết người hèn nhát. Nói thật với em, bọn anh không chiến đấu chống lại một kẻ thù mà chiến đấu chống lại trẻ em, phụ nữ và những người bị thương một cách quỷ quyệt và hèn hạ. Đó là một sự nhục nhã”.
Ông Đại úy này tiếp tục ám ảnh nhân vật chính, người lính, trong suốt hành trình tiếp theo của cuộc đời anh ta, một kẻ đã tưởng mình là “đứa con của thời đại” khi được quân đội phát xít tuyển dụng trong đám người thất nghiệp và thất vọng. Sự ám ảnh ấy mang lại sự dịch chuyển trong tầng thức tư duy, để nhân vật đôi lúc tự nhận ra chính bản thể mình, với mong muốn đúng đắn nhất, đó là trở thành chủ một nông trang, và thực sự thích sống ở vùng nông thôn, gắn bó với thiên nhiên, ruộng đồng,…
Trong chuỗi dài tư duy của nhân vật chính, tác giả đưa ra những thách thức liên miên không thể dứt của cuộc đời trước một thân phận người. Ngoài cuộc chiến tranh phi nghĩa mà anh ta bị cuốn vào, thì còn một cuộc chiến sâu thẳm bên trong anh ta, cuộc chiến nội tại giữa bản thể và bản ngã, và cho dù có những thời khắc bản ngã lấn át, đẩy nhân vật về phe cái ác, thì cái chết của bản thể cuối cùng, vẫn là lời tụng ca cho nhân tính.
Viết về vai trò của tư duy trong tiểu thuyết Đứa con của thời đại, dịch giả Phạm Đức Hùng cho biết: “Quả thực lần đầu đọc tiểu thuyết Đứa con của thời đại tôi đã "choáng" với văn phong rất lạ của Ödön von Horváth. Những câu văn dài, ngắn được chấm xuống dòng liên tục. Nó cho thấy tư duy của tác giả không liền mạch, mà là một lối tư duy rời rạc. Tuy nhiên khi đọc hết một chương, một phần ta sẽ thấy sự "rời rạc" ấy lại hợp thành một chỉnh thể hoàn chỉnh, thống nhất. Đó là một thách thức không nhỏ đối với bản thân tôi khi chuyển ngữ tác phẩm này sang tiếng Việt. Vì khi gặp những từ khó tôi đã không còn dùng được ngón nghề "cổ truyền" là mở rộng ngữ cảnh để hiểu nghĩa của từ đó, nhất là trong tác phẩm của mình Horváth hay dùng các thuật ngữ phân biệt chủng tộc của Đức quốc xã, chỉ những người không phải là người Giéc-manh. Đồng thời bọn Đức quốc xã khuếch trương tư tưởng trong ngôn ngữ, vì một số từ nhất định không còn chứa đựng sự cắt nghĩa trung lập được dùng để tuyên truyền cho các giá trị đạo đức quốc xã.
Có thể nói tư duy đã đóng một vai trò lớn trong quá trình sáng tác của Horváth. Bối cảnh trong tiểu thuyết Đứa con của thời đại không bao gồm những đại cảnh - không gian rộng lớn và một quãng thời gian dài. Mà chỉ thông qua tư duy của tác giả, thông qua diễn biến tâm lý của nhân vật "tôi" trong tiểu thuyết, từ việc nhận thức sai của một người ủng hộ chế độ phát xít, sau khi chứng kiến sự phi lý của chiến tranh, đã trải qua một sự thay đổi nhận thức, trở thành người chỉ trích gay gắt chế độ; sự tuyệt vọng trước tương lai mù mịt của người lính - Đứa con (vừa là sản phẩm vừa là hậu quả) của thời đại phát xít Đức đã thể hiện được giá trị tư tưởng to lớn của tác phẩm. Để nắm bắt được kiểu tư duy rời rạc nhưng dồn dập, khả năng tư duy phong phú, phương pháp tư duy độc đáo này của Horváth nhằm làm nổi bật những giá trị nghệ thuật và tư tưởng của tác phẩm, tôi đã mất không ít công sức khi chuyển ngữ. Và khi tác phẩm được dịch hoàn thành đã để lại trong tôi một kỷ niệm khó phai trong nghiệp cầm bút của mình về một cuốn sách vừa độc vừa lạ”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.