Đưa hài cốt phi công Việt Nam đầu tiên vượt biển về nước

Hà Đình Nguyên
Hà Đình Nguyên
08/11/2020 06:50 GMT+7

Sau khi hy sinh trên chiến trường Pháp trong Thế chiến thứ nhất, Đỗ Hữu Vị được nước Pháp xem như một người anh hùng. Người anh của ông đã mang thi hài ông về nước và đám tang được tổ chức cực kỳ trọng thể.

Năm 1915, Thế chiến thứ nhất lúc ấy diễn ra vô cùng ác liệt. Sau một phi vụ, chiếc máy bay của Đỗ Hữu Vị bị rơi trong một trận bão lớn. Ông bị thương nặng.
Không thể lái máy bay được nữa, nhưng Đỗ Hữu Vị vẫn tiếp tục chiến đấu. Ông gia nhập Quân đoàn Kỵ binh lê dương số 1 với chức vụ Đại đội trưởng Đại đội 7 gồm khoảng 300 quân ở mặt trận Somme, miền bắc nước Pháp. Tháng 7.1916, trong một đợt chỉ huy xung phong, ông bị trúng hàng chục phát đạn của quân Đức ở cự ly gần và tử thương.
Bốn năm sau, người anh Đỗ Hữu Chấn, cũng là một sĩ quan quân đội Pháp, đã đưa hài cốt em mình lên tàu, vượt biển về Việt Nam. Người cha ông, Tổng đốc Phương, lúc này đã mất, tuy nhiên đám tang Đỗ Hữu Vị vẫn được người Pháp và gia đình tổ chức hết sức trang trọng.
Theo tài liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp, buổi cải táng có sự tham dự của nhiều người Âu và Việt, trong đó có Thống đốc Le Gallen và tướng Hirtzmann. Tờ báo Tiếng vọng An Nam (Écho Annamite) số ra ngày 22.4.1920 đã thông tin chi tiết rằng “hài cốt của ông Vị, từ cảng Marseille được chở trên tàu Porthos ngày 15 tháng 4 vừa rồi, sẽ đến Saigon vào ngày 9 hay 10 tháng 5. Lễ chôn cất sẽ diễn ra một ngày sau khi tàu cập bến vào lúc 4 giờ chiều”, đồng thời đăng tải lịch trình đám tang, cùng những chiến tích hiển hách của ông Vị.

Đám tang trọng thể giữa Sài Gòn

Cũng theo tài liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp, trong một bài khác ở Écho Annamite (15.5.1920), đám tang của Đỗ Hữu Vị ở Sài Gòn đã được mô tả rất chi tiết như đám tang một người anh hùng.
“Vào đúng 16 giờ bắt đầu lễ tang; đám tang di chuyển ở giữa dòng dân tụ tập về đông đúc đáng kể. Một bàn thờ di động trên đó được đặt một chiếc máy bay nhỏ với hình phi công Đỗ Hữu Vị, dẫn đường (…) Đoàn đại biểu từ tất cả các trường ở Sài Gòn đi ngay trước xe tang lễ, đó là một xe kéo đại bác của pháo binh, xe được choàng hoa với đầy các cây xanh, hoa, và được trang trí cao cả nhất bằng các lá cờ tam tài. Cỗ quan tài biến mất dưới các vòng hoa điếu và hoa tự nhiên.
Một góc dinh Tổng đốc Phương tại Chợ Lớn xưa

Một góc dinh Tổng đốc Phương tại Chợ Lớn xưa

(...) Tất cả mọi người đứng cúi đầu khi xe tang đi ngang qua. Chính quyền dân sự và quân sự được đại diện bởi ông Thống đốc Le Gallen và tướng Hirlzmann: nhiều phái đoàn của đủ loại các tổ chức, hội người An Nam, các hội đồng dân cử, các quan chức đến từ miệt xa, và một đám đông người châu Âu và người bản địa cũng đến dự đám tang để làm nghĩa vụ cuối cùng của họ với người đồng bào của chúng ta.
Các ban nhạc chơi các bài hát tang lễ, các binh lính của đoàn bộ binh thuộc địa và dân quân địa phương đi kèm hai bên đoàn lễ tang, làm hàng rào danh dự cho người có một vị trí với huy chương danh dự quân sự rất cao. Bên trên đám đông, trong bầu trời trong xanh, hai chiếc máy bay của phi đội Sài Gòn của chúng ta, thao diễn trong ánh sáng rực rỡ, nhắc nhở rằng người đồng hương của chúng ta là một trong những phi công quân sự đầu tiên, đã phục vụ nước Pháp.
Cỗ quan tài mang trên hai đòn hỗ trợ; nó được bao bọc bởi cờ tam tài (cờ Pháp), vải đẹp nhất mà có thể bao phủ trên thi hài của một người yêu nước, lúc này là lúc ông Le Gallen phát biểu.
Người hùng biện thứ hai là tướng Hirtzmann, với giọng nói đầy nam tính dõng dạc, kể lại sự nghiệp của người chiến sĩ thanh cao của chúng ta. Thật là đẹp, tình huynh đệ trong các binh chủng quân đội! Một đại úy được một tướng lãnh ca ngợi thán phục!”.
Thái độ trân trọng của chính quyền Pháp đối với Đỗ Hữu Vị sau đó còn được thể hiện qua các bưu thiếp Đông Dương in ảnh ông. Đặc biệt ở thành phố Casablanca (Ma Rốc) và làng Lafaux, Picardie, Pháp đều có đường mang tên Đỗ Hữu Vị. Tại Việt Nam thời Pháp thuộc, một số con đường, trường học tại các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng cũng được đặt tên ông. (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.