“Đuổi” sân khấu ra ngoại thành ?

30/06/2014 03:00 GMT+7

Các bầu sô sân khấu, nghệ sĩ tâm huyết với kịch nói, cải lương tại TP.HCM đang hết sức hoang mang với quy định sân khấu mới chỉ được mở ở ngoại thành!

 
Tại thành phố hơn 9 triệu dân, số lượng điểm diễn sân khấu ở khu vực trung tâm vẫn chưa tương xứng với nhu cầu giải trí của người dân - Ảnh: Khả Hòa

Khi Công ty TNHH dịch vụ giải trí Xuân Hương ngưng hợp tác với Ái Như và Thành Hội, hai nghệ sĩ kiêm bầu sô này buộc phải đi tìm một pháp nhân khác “nương nhờ” để sân khấu Hoàng Thái Thanh tiếp tục hoạt động. Trong khi đó, họ không thể thành lập công ty riêng do vấp phải chủ trương mới của UBND TP.HCM.

Dư âm từ vụ Phương “khói lửa”

Đạo diễn Ái Như kể: “Tháng 8.2013, anh Thành Hội đứng đơn xin thành lập công ty, đem hồ sơ lên Sở KH-ĐT TP.HCM thì được trả lời rằng sau vụ ông Lê Minh Phương, chuyên viên khói lửa của các hãng phim, đã để xảy ra tai nạn cháy nổ vào tháng 2.2013 làm chết và bị thương nhiều người, Sở ra quy định không cho phép các công ty biểu diễn nghệ thuật được hoạt động trong nội thành nữa. Chúng tôi đã nhờ Sở VH-TT-DL và Hội Sân khấu TP.HCM giúp đỡ, tháng 11.2013 đã cùng họp với Sở KH-ĐT, nhưng chờ mãi vẫn không nghe trả lời gì hết”.

 

Đã cháy nổ thì dù ở nội thành hay ngoại thành gì cũng cháy được, nếu không thực hiện đúng an toàn phòng cháy chữa cháy. Các đơn vị kịch xã hội hóa là một doanh nghiệp kinh doanh, nên phải cho họ được quyền lựa chọn địa điểm, nơi nào có khách, có thể thu hồi vốn, chứ bắt họ đi về ngoại thành thì nếu ế khách sao họ có thể duy trì được

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Sân khấu kịch IDECAF

Đau đáu với việc để sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh có thể tiếp tục sáng đèn, Ái Như chia sẻ: “Chúng tôi đành đi tìm một công ty khác để kết hợp cho có tư cách pháp nhân mà diễn tết, và vẫn dùng giấy phép thành lập của công ty này cho đến bây giờ. Sở dĩ dùng được là vì giấy phép này đã ký trước khi có quy định mới”.

Ra ngoại thành ế khách sao sống được ?

Đạo diễn Hồng Dung, Phó chủ tịch thường trực Hội Sân khấu TP.HCM, kể: “Tôi đại diện cho Hội Sân khấu và ông Võ Trọng Nam, Phó giám đốc, đại diện Sở VH-TT-DL đã cùng Ái Như và Thành Hội có mặt trong cuộc họp đó. Có cả cảnh sát phòng cháy chữa cháy nữa. Qua trình bày của chúng tôi thì Sở KH-ĐT hứa là sẽ kiến nghị lên lãnh đạo. Nhưng mãi đến bây giờ cũng chưa thấy trả lời. Cần nói thêm là trong quy định của Bộ KH-ĐT không hề có điều khoản này, mà chỉ do TP.HCM tự ý thêm vào. Cần bãi bỏ quy định này ngay, vì nó rất vô lý”.

Trên thực tế, vụ cháy nổ kinh hoàng tại địa điểm kinh doanh của ông Lê Minh Phương (tên thường gọi là Phương “khói lửa”) ở hẻm 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (P.8, Q.3, TP.HCM) vào rạng sáng 24.2.2013 là bài học đau xót và buộc cơ quan chức năng phải chấn chỉnh lại công tác quản lý. Thế nhưng nếu vì lý do đó mà chủ trương đẩy đuổi tất cả những đơn vị kinh doanh biểu diễn nghệ thuật ra khỏi trung tâm thành phố thì không thể chấp nhận được.

Nói như ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Sân khấu kịch IDECAF: “Đã cháy nổ thì dù ở nội thành hay ngoại thành gì cũng cháy được, nếu không thực hiện đúng an toàn phòng cháy chữa cháy. Các đơn vị kịch xã hội hóa là một doanh nghiệp kinh doanh, nên phải cho họ được quyền lựa chọn địa điểm, nơi nào có khách, có thể thu hồi vốn, chứ bắt họ đi về ngoại thành thì nếu ế khách sao họ có thể duy trì được. Tôi nghĩ cần phải có quy định bằng văn bản cụ thể trong luật đầu tư, chứ không thể cứ nghe truyền miệng như hiện tại được”.

TP.HCM có khoảng 10 sân khấu kịch tư nhân sáng đèn thường xuyên. Ngoài Kịch Sài Gòn, IDECAF, Sân khấu thể nghiệm 5B Võ Văn Tần, Kịch Phú Nhuận, Thế Giới Trẻ (Sài Gòn Phẳng), Hoàng Thái Thanh; hiện tại có thêm 3 sân khấu kịch mới được mở là Sân khấu Thuần Việt ở Nhà Thiếu nhi Q.2, Sao Minh Béo ở Trung tâm văn hóa Q.11, Sân khấu kịch Tâm Ngọc ở rạp Vườn Lài Q.10.

“Phải xin ý kiến chỉ đạo”

Bà Trần Thị Bình Minh, Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM, giải thích: “Sở KH-ĐT không phải không cấp giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật mà chúng tôi phải lấy ý kiến các sở, ngành, gồm có Công an TP.HCM, Quân khu 7 và Sở VH-TT-DL. Sau khi các cơ quan này có ý kiến thẩm định thì Sở KH-ĐT sẽ làm hồ sơ báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP để cấp phép thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật (có liên quan tới khói lửa - PV). Nếu UBND TP đồng ý thì chúng tôi mới cấp phép”.

Trả lời về việc liệu quy định này có gây khó cho những người muốn thành lập công ty biểu diễn nghệ thuật, đơn cử như trường hợp của nghệ sĩ Ái Như - Thành Hội, và cần thiết phải bãi bỏ, bà Minh cho rằng Sở KH-ĐT chỉ làm theo chỉ đạo của UBND TP.

N.T.Tâm

Hoàng Kim - Phan Cao Tùng

>> Nghe lại những giọng ca 'đốt cháy' sân khấu X-Factor
>> Sân khấu kịch Phú Nhuận đào tạo diễn viên trẻ
>> Kịch IDECAF khai phá sân khấu Đà Nẵng
>> K-Pop khuấy động sân khấu Việt
>> Tác phẩm Việt trên Sân khấu Nghệ thuật Singapore
>> Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga
>> Ra mắt Sân khấu Thuần Việt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.