Dương Văn Dương - thiếu tướng chưa có tên trong từ điển quân sự

27/09/2021 06:26 GMT+7

Được tin Khu bộ phó Khu 7 Dương Văn Dương hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong điện mật chuyển đến Bộ Chỉ huy Chiến khu 7 đã gửi lời chia buồn tới gia quyến của ông.

Bộ đội Ba Dương

Tư liệu lịch sử vùng đất Thành đồng Tổ quốc ghi lại: 0 giờ ngày 23.9.1945, ngụy trang trong trang phục của quân đội Hoàng gia Anh đi tuần tra, các toán lính Pháp đã bất ngờ nổ súng tập kích vào các cơ quan đầu não của Nam bộ và Sài Gòn. Quân đội thực dân đánh chiếm các vị trí trọng yếu khu vực trung tâm như Sở cảnh sát, Quốc gia tự vệ cuộc, đài phát thanh, bưu điện, nhà tù khám lớn, ngân hàng... 3 giờ sáng cùng ngày, thực dân Pháp đã đánh chiếm trụ sở Ủy ban Hành chánh Nam bộ, mở màn cuộc chiến tranh xâm lược VN lần thứ hai. Các lực lượng vũ trang của ta đã kiên cường chống trả. Trong đó có lực lượng của thủ lĩnh Dương Văn Dương - được gọi thân mật “bộ đội Ba Dương”.
Thượng tướng Trần Văn Trà (1919 - 1996) trong hồi ký Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm (NXB Quân đội Nhân dân, 2005) đã đánh giá về đội quân của thủ lĩnh Ba Dương: “Lực lượng này bao gồm những “giang hồ hảo hớn” lừng danh thời Pháp thuộc vì không phục tùng quyền lực của Pháp. Nhóm Bình Xuyên lớn nhất có Dương Văn Dương (được nhà nước ta truy tặng thiếu tướng khi đã hy sinh) và em ruột Dương Văn Hà là những người có tinh thần dân tộc, có lòng yêu nước…”.
Mặt trận tiền tuyến Sài Gòn - Chợ Lớn, còn gọi là chiến tuyến phía nam, hay mặt trận số 4, mau chóng được thành lập, bao gồm các khu vực Bình Đông, cầu Chữ Y, Tân Thuận, Thủ Thiêm để chặn bước tiến của kẻ thù xâm lăng. Tham gia ở đây có bộ đội Dương Văn Dương; bộ đội Trương Văn Bang, Nguyễn Văn Trân từ Nhà Bè, Cần Giuộc. Chỉ huy trưởng Mặt trận ban đầu là ông Nguyễn Văn Trân, một cán bộ kỳ cựu của Đảng Cộng sản. Không lâu sau đó, ông Trân được cử về làm Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc là địa bàn vừa rơi vào tay địch, ông Dương Văn Dương thay thế làm Chỉ huy trưởng.
Ngày 10.12.1945, Hội nghị Xứ ủy Nam bộ mở rộng quyết định thành lập các khu. Theo đó, Khu 7 ra đời gồm thành phố Sài Gòn và các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn, Biên Hòa, Bà Rịa (gồm Vũng Tàu), Thủ Dầu Một, Tây Ninh. Bộ Chỉ huy khu gồm Khu bộ trưởng Nguyễn Bình, Chủ nhiệm Chính trị bộ Trần Xuân Độ và Khu bộ phó Dương Văn Dương. Theo nhà báo Trương Nguyên Tuệ, quyết định bổ nhiệm Khu bộ phó được tướng Nguyễn Bình đích thân mang đến trao tận tay thủ lĩnh Dương Văn Dương để tỏ lòng mến trọng.
Chỉ ba tuần sau, vào lúc 9 giờ sáng 1.1.1946, Dương Văn Dương chỉ huy trận tập kích ở thị xã Biên Hòa. Trận này được đánh giá là chiến thắng vang dội theo chỉ đạo của Khu bộ trưởng Nguyễn Bình mà Dương Văn Dương trực tiếp cầm quân.
Đầu năm 1946, quân Pháp đã chiếm được hầu hết các tỉnh miền trung Nam bộ, trừ tỉnh Bến Tre. Khu bộ phó Dương Văn Dương được phân công chỉ huy lực lượng khẩn trương lên đường chi viện cho Bến Tre. Khi đó, thực dân Pháp bắt đầu tổ chức nhiều mũi càn quét vào các xã Bình Hòa, Châu Bình thuộc H.Giồng Trôm. Bộ đội Ba Dương và đơn vị cộng hòa vệ binh chặn đánh quyết liệt. Không may, trong một trận chống càn, Khu bộ phó Dương Văn Dương trúng đạn từ máy bay địch nên đã anh dũng hy sinh tại xóm Cò, xã Châu Bình, H.Giồng Trôm.
Năm 1948, kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến chống Pháp, để tỏ lòng biết ơn liệt sĩ người Nam bộ đã hy sinh vì Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Bảng vàng danh dự truy phong hàm thiếu tướng cho ông Dương Văn Dương - Khu phó Khu 7, đã hy sinh tại mặt trận Bến Tre (1946). Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ lấy tên ông thay cho dòng kênh La Gân (Lagrange, nguyên là tỉnh trưởng Long An thời Pháp thuộc) là kênh Dương Văn Dương. Đây là kênh đào dài nhất ở Đồng Tháp Mười (45 km) nối từ H.Tân Thạnh (Long An) sang tỉnh Đồng Tháp. Và trung đoàn 300 - trung đoàn nam tiến đánh giặc giỏi - được vinh dự mang tên Dương Văn Dương.

Bậc đàn anh của tướng lĩnh Nam Bộ

Được biết, sinh thời thượng tướng Trần Văn Trà, trung tướng Đồng Văn Cống, thiếu tướng Tô Ký, thiếu tướng Nguyễn Thị Định… đều xem Dương Văn Dương là bậc đàn anh của các tướng lĩnh Nam bộ.
Để tri ân công lao của ông, TP.HCM đã đặt tên đường Dương Văn Dương tại Q.2 và Q.Tân Phú. Tiếp đó, năm 2014, Trường THPT Dương Văn Dương được thành lập tại H.Nhà Bè, TP.HCM. Tỉnh Bến Tre cũng đặt một tuyến đường mang tên người con anh dũng của quê hương. Thế nhưng, một số nhà nghiên cứu đã bày tỏ thái độ ngậm ngùi vì cho đến nay vẫn chưa có mục từ Dương Văn Dương trong Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, mặc dù ông là thiếu tướng đầu tiên của Nam bộ và bộ từ điển này được Bộ Quốc phòng tái bản nhiều lần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.