Gác lại âu lo, nghe nhạc indie Việt

Ngọc An
Ngọc An
03/04/2021 06:06 GMT+7

“Đưa em về thanh xuân/Về những dấu yêu ban đầu...” , Thanh Lam hát ca khúc Thanh xuân của nhóm Da LAB trên sân khấu liveshow Hẹn yêu vừa diễn ra tại Hà Nội.

Nữ nghệ sĩ trở nên tươi trẻ và mới mẻ hơn khi kết hợp cùng Da LAB trong liveshow và trước đó là MV Để gió cuốn đi.

Những cuộc “kết giao”

“Lúc đầu, tôi không quá để ý, nhưng sau thấy âm nhạc của các bạn ấy có tinh thần nhẹ nhàng. Tôi muốn có những năng lượng tích cực từ việc học, trau dồi ở những bạn trẻ sự lạc quan, nhẹ tênh với cuộc sống, không chất chứa gì vui buồn nặng nề nữa. Đấy cũng là cái hay mà mình cần cập nhật”, Thanh Lam chia sẻ. Da LAB gồm những thành viên không học âm nhạc chuyên nghiệp. Người làm báo, người làm marketing, người làm kỹ sư xây dựng... Sau 14 năm hoạt động, từ một nhóm nhạc rap tự phát, Da LAB đã tạo lập chỗ đứng, trở thành một trong những nhóm nhạc indie nổi bật hiện nay.
Cùng với Da LAB, một nhóm nhạc indie khác là Ngọt từng kết hợp với những nghệ sĩ tên tuổi và bước lên sân khấu lớn. Ca sĩ Tùng Dương đã mời Ngọt làm khách mời cho liveshow Con người của anh diễn ra vào cuối năm ngoái. Trước đó, khó ai có thể hình dung giọng hát giàu năng lượng và dữ dội của Tùng Dương sẽ kết hợp với những nghệ sĩ indie mà âm nhạc thiên về sự giản dị, ngẫu hứng và gần gũi như Ngọt sẽ như thế nào. Còn Tùng Dương thì bảo anh thấy mình được “trẻ hóa”, cũng như sống lại “tinh thần indie” thấm đẫm những năm đầu khởi nghiệp ca hát. Một mặt, có thể nhìn sự kết hợp của những nhóm nhạc như Da LAB hay Ngọt với những nghệ sĩ tên tuổi của làng nhạc Việt cho thấy âm nhạc indie được đưa đến nhiều hơn tới khán giả đại chúng; mặt khác, có thể thấy âm nhạc indie đang tạo nên cá tính, khác biệt, mới mẻ cho đời sống âm nhạc đương đại.
Trong những năm trở lại đây, cộng đồng nghệ sĩ, ban/nhóm nhạc indie được mở rộng hơn. Bên cạnh những nghệ sĩ, nhóm/ban nhạc đã tạo dựng tên tuổi trong làng nhạc indie như Ngọt, Da LAB, Cá hồi hoang, Chillies, Vũ, Lê Cát Trọng Lý, Pink Frog, Nhạc của Trang, Kiên, Mạc Mai Sương,... còn có nhiều những cái tên tiềm năng như Vũ Thanh Vân, Kaang, Xanh 8+1, Meowlac, Những đứa trẻ, Chú cá lơ, Limebócx, Bluemato… Không thể phủ nhận khi nền tảng mạng xã hội cũng như nền tảng nghe nhạc số phát triển, âm nhạc đến với khán giả dễ dàng hơn, những nghệ sĩ, ban/nhóm nhạc indie dễ tương tác với người nghe hơn. Thử nhìn vào những ca khúc của nhiều nghệ sĩ, ban/nhóm nhạc indie sẽ thấy giật mình với lượt nghe có khi còn nhiều hơn của những nghệ sĩ “mainstream” (nghệ sĩ đi theo dòng chính thống). Nhiều nghệ sĩ mau chóng thực hiện MV những ca khúc được khán giả yêu thích và nhận được lượt xem “khủng”. Chẳng hạn, chỉ sau 3 tháng phát hành, MV Bước qua mùa cô đơn của Vũ đã có tới 22 triệu lượt xem trên YouTube. Còn MV Thanh xuân của nhóm Da LAB lên tới 107 triệu lượt xem trên nền tảng này tính từ thời điểm phát hành cách đây 2 năm, hay MV Gác lại âu lo của nhóm cũng đạt tới 56 triệu lượt xem sau 8 tháng “lên sóng”.
Gác lại âu lo, nghe nhạc indie Việt1

Ca sĩ Tùng Dương thăng hoa cùng Ngọt trên sân khấu liveshow Con người

ẢNH: NSCC

Lắng đọng với người nghe

Nghệ sĩ indie Kaang (tên thật là Nguyễn Thu Trang) có sở trường ở dòng nhạc pop, R&B và classical crossover (cổ điển giao thoa) vừa thực hiện liveshow đánh dấu 10 năm ca hát vào cuối tháng 3 tại Viện Pháp (Hà Nội). Kaang cho hay một nghệ sĩ indie như cô không khó khăn lắm để tiếp cận khán giả nhưng lại gặp thách thức hơn những nghệ sĩ có công ty quản lý trong việc định hướng đường đi. “Làm nghệ thuật hay âm nhạc thì việc định hướng là rất quan trọng. Định hướng đó có thể kéo dài 3 - 5 năm, nhưng có khoảng thời gian, tôi không biết mình sẽ làm thế nào. Sau này, mọi thứ dần dần trở nên tốt hơn, tôi dần hiểu ra mình cần làm những gì”, Kaang nói. Quan sát những nghệ sĩ indie trẻ như Kaang, nhạc trưởng - nghệ sĩ Đồng Quang Vinh cho rằng bên cạnh khó khăn phải đối mặt từ kinh phí hoạt động, phát triển chuyên môn, đẩy mạnh truyền thông, thì điều thú vị là họ lại có cơ hội để “chứng tỏ mình dẫn đầu trường phái mới, xu hướng âm nhạc mới”.
Theo nhạc sĩ Quốc Trung, hiện bất cứ ai (kể cả không hoạt động âm nhạc) cũng có thể chia sẻ sản phẩm của mình trên mạng. “Thế giới bao la đưa ra nhiều lựa chọn mang đến cơ hội nhưng cũng cả thách thức. Với nghệ sĩ, quan trọng là âm nhạc có đọng lại trong tai người nghe không”, anh nói. Nhạc sĩ cho rằng nghệ sĩ indie trước tiên phải có một sản phẩm tốt, hấp dẫn thì tiếp theo mới nghĩ đến chuyện quảng bá tới người nghe. Chính bởi vậy, việc thực hiện sản phẩm là rất quan trọng với những nghệ sĩ indie trẻ. Nhạc sĩ Quốc Trung là một trong số không nhiều những nhà sản xuất có nhiều hoạt động hỗ trợ cho nghệ sĩ indie, trong đó có dự án LiveSpace (đang phối hợp thực hiện cùng Viện Pháp tại Hà Nội). “Chúng tôi muốn dành sự hỗ trợ cho các bạn thành công trong mục đích nào đấy. Các bạn cần mở rộng tầm nhìn để tìm sự lựa chọn và biết sự lựa chọn của mình mang kết quả như thế nào. Người chơi jazz indie mà muốn nổi tiếng như người đi theo nhạc pop thì sẽ là mâu thuẫn. Bởi vậy, cần xác định với mình mục tiêu là gì và hướng đến mục tiêu đó”, nhạc sĩ bày tỏ.
Như nhóm Da LAB chia sẻ trong những năm đầu hoạt động, họ không đặt quá nhiều mục tiêu cho việc nổi tiếng mà chỉ chăm chỉ làm nhạc, chơi thứ âm nhạc mình thích. “Dần dần nhiều người biết đến và yêu thích âm nhạc của chúng tôi”, đại diện nhóm nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.