Gay cấn 'cuộc chiến' phòng vé phim Việt

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
16/03/2021 06:21 GMT+7

Với kỷ lục đến 13 phim Việt dự kiến ra rạp trong tháng 4, có thể thấy một 'cuộc chiến' phòng vé khốc liệt sắp diễn ra.

Nhìn từ doanh thu chênh lệch lớn giữa Bố già Gái già lắm chiêu V ở thời điểm hiện tại, có thể thấy khả năng chỉ có 1 - 2 phim thắng áp đảo khi chiếu cùng một thời điểm.

'Bố già' vượt mốc 200 tỉ đồng, trở thành phim Việt doanh thu cao nhất mọi thời đại

Áp lực chen nhau ra rạp

Hơn một năm qua, sau nhiều đợt rạp phim phải đóng cửa vì dịch Covid-19, rất nhiều phim dù đã xong khâu sản xuất nhưng vẫn chưa thể ra rạp. Do phải dời lịch phát hành liên tục từ trước Tết 2021 nên hiện tại lịch chiếu của phim Việt dồn lại, thậm chí có 3 - 4 phim sẽ ra mắt cùng thời điểm.
Có đến 13 phim Việt dự kiến ra rạp trong tháng 4 tới, gồm: Song song và Người lắng nghe (2.4); Vô diện sát nhân (9.4); Lật mặt: 48h, Kiều, Bẫy ngọt ngào (16.4); Rừng thế mạng, Dân chơi không sợ con rơi (21.4); Chìa khóa trăm tỉ (23.4). Đáng nói cuối tháng 4, có tới 4 phim ra rạp cùng ngày là: Bóng đè, 1990, Thiên thần hộ mệnh và Trạng Tí (30.4). Phải nói, đây là kỷ lục về số lượng phim Việt cùng ra mắt trong một tháng. “Ai cũng biết áp lực khi tiền vốn lớn của nhà đầu tư bị ngâm quá lâu. Nhưng nếu ồ ạt ra rạp quá nhiều phim cùng lúc sẽ gây khó về doanh số bán vé. Bởi thị trường phim Việt là một miếng bánh, nếu ai cũng chen chúc thì chiếc bánh càng bị chia năm xẻ bảy”, diễn viên - nhà sản xuất Minh Hằng nói.
Thực tế cho thấy ranh giới giữa phim chiến thắng và phim thất bại có thể được quyết định chỉ sau vài ngày chiếu, khi mà phim nào thu hút đông khán giả mới được các rạp xếp lịch chiếu dày, ngược lại sẽ bị cắt suất hoặc chiếu lẻ tẻ vài rạp nhỏ. Trường hợp thất bại của Võ sinh đại chiến mới đây là một điển hình dù phim có chất lượng khá nhưng do cạnh tranh không nổi với nhiều phim hấp dẫn khác. “Tôi e ngại điều này sẽ tiếp tục xảy ra với hàng loạt phim Việt quyết chen nhau ra rạp vào tháng 4 này”, Khoa Nguyễn, đạo diễn phim Người lắng nghe, bày tỏ.
Gay cấn 'cuộc chiến' phòng vé phim Việt1

Bẫy ngọt ngào chủ động dời lịch chiếu khi “đụng” ngày với Lật mặt: 48h

ẢNH: ĐPCC

Nhà sản xuất cần bắt tay nhau để “cùng tiến”

Thực tế, nhiều phim Việt “chết” vì đã chọn ra rạp sai thời điểm và sự khôn ngoan của ê kíp làm phim là cần phải nắm được “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Thành công của Bố già chứng tỏ khán giả luôn hồ hởi ra rạp xem nếu đó là một bộ phim hay, mà không cần phải đúng dịp lễ, tết. “Nhưng nên nhớ, phim Bố già là chuyện “kỳ ngộ” của điện ảnh Việt”, biên kịch Bình Bồng Bột nêu quan điểm. Việc 13 phim dồn dập chiếu rạp tháng 4 sẽ khiến các phim “giẫm chân” nhau dẫn tới hệ quả là không có dự án nào nổi trội về doanh thu hoặc có thể bị lỗ nặng, nhất là với các phim tầm trung, quy mô nhỏ theo kiểu phim độc lập.

Nếu cùng ra mắt vào một thời điểm hoặc quá gần nhau, chưa chắc tất cả các phim đều thu về kết quả tương xứng với chất lượng. Đây sẽ là một điều đáng tiếc đối với bất cứ nhà phát hành hay đầu tư nào trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh

Đại diện nhà phát hành CJ HK Entertainment

Hiểu được điều này, mới đây một số nhà sản xuất đã quyết định rút phim khỏi “đường đua” tháng 4. Minh Hằng chia sẻ: “Ban đầu, chúng tôi định ra mắt Bẫy ngọt ngào vào ngày 16.4 vì đã lên kế hoạch quảng bá từ cuối năm ngoái. Nhưng hiện tại, thấy một loạt nhà sản xuất thi nhau đưa phim công chiếu, ai cũng nóng lòng giới thiệu đứa con tinh thần của họ vì đã "ôm" quá lâu. Dù tự tin với chất lượng phim của mình, tôi nghĩ, một bàn tiệc có quá nhiều món ăn thì sẽ ê hề, dễ ngấy. Tôi bàn lại với ê kíp dời lịch chiếu sang ngày 14.5”.
Với lịch chiếu dày đặc trong tháng 4 như thế, đại diện phía cụm rạp Galaxy cho biết sẽ có một số phim dời lịch sang thời điểm mới để giảm tính cạnh tranh. Trước mắt ngoài Bẫy ngọt ngào, còn có các phim khác cũng dời lịch chiếu: Người lắng nghe, Rừng thế mạng, Bóng đè, Chìa khóa trăm tỉ… Đại diện nhà phát hành CJ HK Entertainment nói: “Nếu cùng ra mắt vào một thời điểm hoặc quá gần nhau, chưa chắc tất cả các phim đều thu về kết quả tương xứng với chất lượng. Đây sẽ là một điều đáng tiếc đối với bất cứ nhà phát hành hay đầu tư nào trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh như hiện nay”.
Đạo diễn Nhất Trung cho rằng các nhà sản xuất phim Việt cần bắt tay nhau để “phim Việt cùng tiến” với sự hỗ trợ, tư vấn thời điểm nên chiếu từ chủ rạp, nhà phát hành; bởi hơn ai hết đây là kênh nắm rõ số lượng phim nào đăng ký phát hành với lịch từng tháng, từng quý trong năm. Để tránh tình trạng giẫm chân nhau khiến phim thất thu, nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh đề xuất giải pháp: “Trước khi có hiệp hội các nhà sản xuất phim Việt để tạo sự liên kết hay tiếng nói chung, tôi nghĩ các nhà sản xuất phải tự cứu mình bằng cách nên liên hệ nhiều nhà sản xuất khác để cùng đưa ra giải pháp tốt nhất cho từng bên, thương thảo về từng thời điểm để ai cũng sẽ có phim ra rạp và đạt được lượng khán giả khả quan nhất cho phim mình”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.