Gian nan đường đến với khán giả

25/10/2008 21:50 GMT+7

Hiện nay, nhắc đến phim truyền hình dường như khán giả chỉ nhớ đến phim truyện mà quên bẵng đi dòng phim tài liệu - phóng sự - ký sự.

HTV là đài truyền hình lớn vẫn sản xuất phim tài liệu. Với hơn 700 phim trong 18 năm qua, hãng TFS của HTV có rất nhiều kinh nghiệm làm phim tài liệu.

Những bộ phim của TFS như Mêkông ký sự, Huyền thoại cuộc đời tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, Ký sự hỏa xa,  Trường Sơn hùng tráng, Ký sự Tân Đảo... được khán giả đánh giá cao. Song vẫn chỉ là dòng phim tài liệu chính luận, chưa phải phóng sự về những vấn đề thiết thân mà công chúng thực sự quan tâm.

Vụ Vedan tàn phá môi trường, vụ lô cốt chiếm mặt đường gây tắc nghẽn giao thông, vụ sữa nhiễm melamine nhập từ Trung Quốc, chuyện giải tỏa đất đai, mánh móc túi khách hàng của chủ cây xăng... chỉ được thực hiện dưới dạng bản tin, chưa đủ mức cảnh báo, phanh phui. Loại phim về những nét đẹp đời thường của những con người bình dị cũng hầu như rất ít được đề cập.

Trong khi đó, loạt phim tốt nghiệp của những đạo diễn tương lai (khóa K.6 trường Cao đẳng Sân khấu-Điện ảnh TP.HCM) cho thấy cách làm phim của những người trẻ rất khác. Không lời bình, góc máy bám theo chủ thể với âm thanh thu trực tiếp. Những cảnh đời của nhân vật cứ hiển hiện sống động khiến người xem bị cuốn hút. NSƯT Đào Bá Sơn, thành viên hội đồng chấm thi của trường rất mong phim của các đạo diễn - sinh viên được phát sóng, để bổ sung lớp đạo diễn trẻ bên cạnh lớp đàn anh, với tất cả sự tìm tòi háo hức của thế hệ đi sau. Thế nhưng hiện có quá nhiều phim truyện chiếu vào giờ “vàng” với chất lượng bị thả nổi trong khi phim tài liệu đậm hơi thở cuộc sống hầu như không có cơ hội đến với khán giả.

Thời lượng phát sóng phim phóng sự tài liệu của Ban chuyên đề HTV đang bị thu hẹp. 5 năm trước, mỗi tối đều có 1 phim, nay thì chỉ còn lại 2 phim/tuần. Phóng viên đầu tư nhiều công sức nhưng ít có cơ hội phát sóng, hoặc phát vào những giờ không có khán giả khiến phóng viên cũng
nản lòng.  

Người làm phim nói gì?

 
* Đạo diễn Mỹ Hà (Phim Thời gian vĩnh cửu - Giải A Hội Điện ảnh VN, Bông sen bạc LHP VN, Ma túy SOS - Giải vàng LHP truyền hình toàn quốc, Hạt lúa và nước mặn - Giải bạc LHP VN): “Phim tài liệu là hơi thở cuộc sống. Người làm phim tài liệu phải yêu cuộc sống, dám chịu trách nhiệm với những gì mình làm và dám dấn thân. Chúng ta đang thiếu những người như thế nên làm sao có được phim hay, phản ánh thực trạng cuộc sống, nói về những nỗi đau của con người, của đất nước... Dù sao, tôi nghĩ các nhà làm phim tài liệu sẽ vượt qua được mọi rào cản. Hãy tin và hy vọng vào lớp trẻ. Tôi nghĩ họ dám làm, dám chịu trách nhiệm”.

*Ông Lý Quang Trung - Trưởng phòng Phim tài liệu Hãng phim TFS: “Hiện chúng tôi chưa có kế hoạch liên doanh với tư nhân làm phim tài liệu, trừ bộ phim Truy tìm dấu tích ba Vua (60 tập) liên kết với hãng BHD, sẽ phát sóng vào tháng 12.2008. Cho đến nay, phim tài liệu vẫn do TFS tự sản xuất, rồi phát sóng và phát hành dưới dạng đĩa DVD”.

 
* Sinh viên Ngọc Bích - đồng tác giả với Thái Anh phim Thêm một ngày bình yên: “Phim tài liệu hiện nay thường chọn nhân vật nổi tiếng mà quên bẵng nhiều mảnh đời bất hạnh. Một lần đọc báo, tôi biết được ở sân bay quân sự Vĩnh Long vẫn còn những người sống nhờ bom đạn. Tìm đến nơi, tôi phát hiện một gia đình chỉ có ông ngoại già yếu nuôi cháu bằng nghề đào phế liệu, bom mìn sót lại từ thời chiến, bất kể mạng sống của mình có thể mất bất cứ lúc nào. Không có cơ hội đưa phim lên màn ảnh nhỏ, chúng tôi mong những trang báo điện tử sẽ sử dụng các phim tài liệu này để khán giả được biết đến”.

 
* Sinh viên Anh Cẩn - tác giả phim Hành trình cãi Mụ: “Tôi từng chứng kiến thân phận của những người bị lệch giới tính. Họ chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống: không được lập gia đình, không có con, khó khăn khi sở hữu tài sản, bị xã hội, gia đình quay lưng... Và tôi đã chọn một nhân vật bình thường, con trai duy nhất trong gia đình đã phẫu thuật chuyển đổi giới tính làm nhân vật. Tôi mong người xem có cái nhìn nhân văn hơn, thương cảm hơn với những số phận như thế...”.

 
* Sinh viên Hồ Tuấn - tác giả phim Đội đá vá đời: “Bạn sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy những người phụ nữ nhỏ bé đội cả 30, 50 ký đá trên đầu lăn lóc suốt từ sáng đến tối mịt, mà chỉ đủ tiền lo miếng ăn cho con? Ở Hòn Sóc - Kiên Giang, có gia đình đã 3 đời làm nghề này và vẫn mãi nghèo đói, thất học. Tôi chỉ mong bộ phim 15 phút của mình đến với khán giả để mọi người biết thương cảm hơn cho thân phận của đồng bào mình”.

Danh Nghi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.