Giữ báu vật kiểu... nghiệp dư

01/07/2015 05:42 GMT+7

'Hóa ra lâu nay chúng ta phần lớn mới chỉ tô màu lại cho những bức tranh được đem ra phục chế, chứ chưa phải là phục chế tranh', TS Phạm Thanh Bình, Hiệu trưởng ĐH Nghệ thuật - Đại học Huế, nói.

“Hóa ra lâu nay chúng ta phần lớn mới chỉ tô màu lại cho những bức tranh được đem ra phục chế, chứ chưa phải là phục chế tranh”, TS Phạm Thanh Bình, Hiệu trưởng ĐH Nghệ thuật - Đại học Huế, nói.

Chuyên gia người Đức Marina Langner (bìa trái) cùng đồng nghiệp phục chế tranh - Ảnh: nhân vật cung cấp
Chuyên gia người Đức Marina Langner đã mất gần trọn buổi sáng chỉ để nói sơ lược về quá trình bà cùng các đồng nghiệp ở Bảo tàng Mỹ thuật VN phục chế hai tác phẩm hội họa Rượu cần của Kà Kha Sam và Mẹ con của Lê Thị Kim Bạch. Cả hai bức vẽ đều được sáng tác vào khoảng năm 1980. Chúng đều đã nứt và bong tróc. Camera đã được đặt để quay toàn bộ quá trình xuống cấp của hai bức trong vòng 36 tiếng, và sự xuống cấp có thể nói là không thể chối cãi. “Cả hai bức tranh hư hại khá giống nhau và nguyên nhân chính yếu là khí hậu. Các bạn có nhiệt độ và độ ẩm rất lớn. Điều đó đặc biệt nguy hiểm với sơn dầu”, bà Marina Langner nói.
Chỉ sau 5 năm lại hỏng
Bức Em Thúy của họa sĩ Trần Văn Cẩn đã được một chuyên gia người Úc tiến hành phục chế tại Bảo tàng Mỹ thuật VN - Ảnh: tư liệu
“Tôi nghe quá trình phục chế và thấy rằng hóa ra lâu nay chúng ta phần lớn mới chỉ tô màu lại, chứ chưa phải là phục chế tranh”, TS Phạm Thanh Bình, Hiệu trưởng ĐH Nghệ thuật - Đại học Huế, nói.
Nói vậy bởi bản thân ông Bình cũng đã tham gia phục chế tranh. Một bức tranh ông từng phục chế sau khi hoàn thành đến chính chủ nhân của nó cũng ngây ngất, vì giống hệt như cũ về thần thái. Tuy nhiên, chỉ sau 5 năm, bức tranh đã xuống cấp lại và cả hai người chỉ biết nhìn nhau mà chẳng thể nói gì. Bây giờ thì ông đã hiểu, những bước xử lý nền tranh gồm lớp toan và lớp nền đã hoàn toàn bị bỏ qua. Vì thế, khi nền tiếp tục hỏng, nó sẽ lại làm bong nứt bề mặt màu đã được tô lại.
Với hai tác phẩm Rượu cần và Mẹ con, quá trình đó được làm kỹ lưỡng. Tuy không thực hiện được nghiên cứu khoa học tự nhiên về chất liệu bức tranh, các nhà chuyên môn đã gặp tác giả còn sống của hai bức tranh để có thêm tư liệu. Nếu ông Sam dùng nền keo da trâu thì bà Bạch lại dùng paraphin làm nền trước khi vẽ. Ông Sam vẽ khá thoải mái với sơn dầu tự chế bằng hạt lanh nghiền thì bà Bạch lại vẽ khá tiết kiệm màu với loại màu mang từ nước ngoài về. Điều này giúp các chuyên gia có thể quyết định sẽ dùng loại keo nào để phục hồi nền tranh. “Bình thường, ở Đức, chúng tôi có một bảng vô cùng nhiều chất liệu keo phục hồi và cũng thử nghiệm rất nhiều trước khi đưa vào phục chế tranh cụ thể. Song, ở đây chúng tôi chỉ thử được 9 loại keo”, chuyên gia Đức cho biết. Trước khi phục hồi nền tranh, lớp nền vải cũng được đếm sợi, xác định hiện trạng. Nó cũng được làm sạch, gia cố gờ mép...
Một nhà quản lý cho biết hằng năm Bảo tàng Mỹ thuật VN vẫn thành lập một hội đồng để xem xét các tác phẩm. Sau đó, hội đồng dựa trên mức độ nghiêm trọng của việc xuống cấp cũng như các yếu tố khác mà quyết định việc sẽ phục chế bức tranh nào. “Việc phục chế được làm quanh năm. Số lượng tranh xuống cấp cũng nhiều, vì qua thời gian có thể nói các tác phẩm đang hỏng hàng loạt”, nhà quản lý này nói.
Khó quá thì... tạm để đó
Phải nhanh chóng... học
Theo chuyên gia người Đức, trước hết để tránh các bức tranh tiếp tục xuống cấp, việc bảo quản tranh nên được thực hiện trong điều kiện đúng nhiệt độ và độ ẩm. Nhưng theo nhà quản lý mỹ thuật giấu tên, điều quan trọng nhất là phải nhanh chóng đưa người ra nước ngoài để học về kỹ thuật phục chế tranh sơn dầu. “Bao nhiêu năm nay không có ngân sách, không có chỉ tiêu cho việc đó”, nhà quản lý này cho biết.
Cũng theo nhà quản lý trên, trong khi lượng tranh xuống cấp nhiều và dồn dập như vậy thì chúng ta lại quá ít hiểu biết về kỹ thuật phục chế tranh sơn dầu. Vì thế, ta cứ đụng đâu khó đó. Mà các tác phẩm sơn dầu ở bảo tàng, nhất là Bảo tàng Mỹ thuật đều là tác phẩm có giá trị. Với cách bảo quản và phục chế sơn dầu hiện nay, chúng ta như người giữ báu vật kiểu “nghiệp dư”.
Bà Mã Thanh Cao, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, cho biết khi phục dựng tranh, đơn vị của bà đối mặt với việc phải vá toan bị rách. Trường hợp này không hiếm gặp, trong khi về chuyên môn, cách xử lý lại đòi hỏi kiến thức chuyên sâu.
Việc xác định thành phần các lớp nền tranh cũng khó khăn vì máy móc, phòng nghiên cứu còn lạc hậu. Hai bức vừa phục chế có thuận lợi là hai tác giả đều còn sống, họ cung cấp đầy đủ cách thức làm nền. Nếu không, chúng ta chỉ có thể đoán mò về số lớp sơn, loại lớp nền mà thôi, trong khi kỹ thuật hiện đại đã có những máy móc có thể phân tích điều đó. “Chính vì thế, gần đây chúng ta đã phải mang tranh sang nước ngoài phục chế hoặc mời chuyên gia nước ngoài về. Như tranh Em Thúy chẳng hạn”, một nhà quản lý cho biết.
Cách khác để đối phó với tình trạng ít hiểu cách phục chế sơn dầu, theo một cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật là cái gì khó quá thì cứ... tạm để đó. Đây là trường hợp của nhiều tác phẩm xuống cấp mà tác giả đã mất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.