Gõ cửa đêm giao thừa thế kỷ

15/12/2005 09:06 GMT+7

Khi tôi bắt tay vào viết bài báo này, nếu tính theo dương lịch thì nhân loại đang bước vào những ngày đầu tiên của thiên niên kỷ mới. Trên báo chí và truyền hình nhiều nước, các nhà lãnh đạo chính trị, các nhà vạch chính sách đã bắt đầu đưa ra nhận định và dự báo cho tương lai của từng nước cùng tương lai của thế giới khi bước vào thế kỷ 21.

Không phải là một giấc mơ nữa - mà đó là sự thật. Chúng ta đã gõ cửa vào đêm giao thừa thế kỷ. Trong cuộc chiến tranh đầy máu và nước mắt của dân tộc ta, tác giả William J. Duiker trong cuốn sách Hồ Chí Minh vừa được các tờ báo lớn của nước ngoài giới thiệu vào dịp cuối năm 2000, nói rằng chủ nghĩa thực dân đã phớt lờ đi những lời chỉ trích mạnh mẽ của Nguyễn Ái Quốc những thập niên 1920 và 1930, tiếng nói đó bị đơn độc và bị phớt lờ.

Duiker cho rằng đến thập niên 1940 và 1950, nước Việt Nam của ông Hồ Chí Minh đã kết hợp cả bộ máy chính trị và quân sự để chấm dứt vĩnh viễn sự cai trị của thực dân Pháp trên bán đảo Đông Dương. Tiếp theo đó, trong thập niên 1960 và đầu 1970, bộ máy ấy đã chống lại sự tấn kích hung hãn của cường quốc quân sự hàng đầu thế giới là Hoa Kỳ.

Đất nước chúng ta phải đương đầu với các thế lực xâm lược hùng mạnh nhất suốt gần một thế kỷ để tồn tại, để đứng dậy làm người và giành quyền phát triển đất nước, đem lại cho nhân dân ta nền độc lập, tự do, sự tiến bộ và thịnh vượng nhất định.

Ngày tôi mới lớn lên ở một ngôi làng nhỏ của miền Trung, những người cao tuổi trong làng như ông bà nội, ngoại tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến năm 2000 thật xa xôi và không tưởng ấy. Chỉ mới đây, chừng trên dưới 30 năm mà cả huyện không có một bác sĩ, khi bệnh tật phải đến vài ông thầy thuốc đông y gia truyền hoặc một người y tá chích thuốc dạo không được học hành ở một trường y nào cả. Tôi chứng kiến những ca chết vì nhồi máu cơ tim thì người ta bảo chết vì "á khẩu" tức không nói được, hoặc ung thư thì cho rằng người bệnh bị ma vương bắt… Thế nhưng ngày hôm nay, những phương tiện y tế, giáo dục, đường sá, điện đã vào khắp các xã thôn, còn tít tắp hơn cái xã đã sinh ra tôi ngày đó.

Cách đây hơn 100 năm, dưới thời Tự Đức (1847-1883), dân số nước ta mới có 7.171.000 người. Do đời sống cực khổ "hữu sinh vô dưỡng", dân số Việt Nam dưới chế độ thực dân phong kiến hằng năm chỉ tăng 1%. Năm 1939, tuổi thọ trung bình ở Việt Nam là 18,6 tuổi, năm 1960: 34, 1962 là 51, 1979 là 62 và vào năm 2000 là 68 tuổi. Những năm sau 2000 sẽ là 70 đến 71 (theo điều tra dân số 1979 - Báo Khoa học và Đời sống số 3/4/1979 và những tài liệu thống kê mới nhất).

Những tiến bộ đó và thành tựu trong thế kỷ 20 đối với một dân tộc như Việt Nam là sự thay đổi vĩ đại đối với số phận của dân tộc cũng như từng con người Việt Nam chúng ta.

Cuối năm nay, Việt Nam vừa tuyên bố với thế giới rằng đã loại hẳn bệnh bại liệt ra khỏi đời sống cộng đồng và Việt Nam đã hoàn thành công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Điều mà các nước có mức phát triển cao không phải nước nào cũng đạt được. Một tin tức khác được hãng Reuters loan đi từ Rome hôm 18.12.2000 cũng cho biết Tổ chức Chương trình Lương thực thế giới của LHQ (WFP) kết thúc hoạt động cứu trợ tại Việt Nam sau 25 năm do được chứng kiến sự thay đổi về kinh tế xã hội tại quốc gia Đông Nam Á này.

Những biến đổi trong thế kỷ 20 đối với dân tộc ta là cực kỳ to lớn. Những chỉ dẫn cho thấy rằng không phải nước nào và dưới chế độ nào cũng cho phép có được những thay đổi đó.

Nước Việt Nam nói theo nhận xét của ông Andrew Steer - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam : Không có lý do gì để Việt Nam không đạt 9% GDP mỗi năm và theo cách nhìn của ông Ranariddh - Chủ tịch Quốc hội Campuchia khi máy bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất mới đây, đã quay lại nói với các bộ trưởng trong Đảng Bảo hoàng đi theo rằng đây không thể là một đất nước bình thường; Việt Nam sẽ trở thành con hổ thức dậy trong nay mai. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chea Song đã kể với tôi như vậy tại trụ sở làm việc của ông ở Pnompenh.

Vào thời điểm bắt đầu của thế kỷ 21, trên nền tảng của công cuộc đổi mới được phát động từ Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam, những tiến bộ mới về kinh tế, chính trị, xã hội đặt ra cho Đại hội IX vào đầu thế kỷ mới những tầm suy nghĩ không phải với thực tiễn cũ của mười năm trước đây.

Với con người Việt Nam, với tài nguyên thiên nhiên đang có, với chính sách phát huy nội lực, khai thác toàn bộ trí tuệ, sức mạnh của mọi người Việt Nam ở trong hay ngoài nước, với mục tiêu là đưa Việt Nam có một vị trí xứng đáng trên trường quốc tế trong thế kỷ mới, không một người Việt Nam có tấm lòng nào lại cam tâm đứng ngoài cuộc, càng không ai có thể quay lưng lại với tương lai của một nước Việt Nam từng chiến đấu hàng thế kỷ để giành lại độc lập, hòa bình, thống nhất và cả sự giàu mạnh mà đất nước chúng ta đang hướng tới.

Chúng ta đang bàn đến việc phải đưa nước ta đạt thu nhập bình quân xếp hạng ngang với những nước có mức sống cao, và bằng con đường nào để chúng ta có thể đón đầu, đi tắt để đứng vào hàng ngũ của những người đi nhanh, bởi vì theo Tiến sĩ Hoàng Kim trên tạp chí Thông tin Lý luận mà tôi đã trích dẫn: quyền lực luôn luôn ở phía những người nhanh, luôn luôn chuyển từ những người chậm sang người nhanh, từ quốc gia chậm sang quốc gia nhanh.

Nhận xét về dự thảo chiến lược phát triển của Việt Nam trong 10 năm đầu thế kỷ 21, chủ tịch Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam - ông Andrew Steer - rất tán thành với các mục tiêu mà Việt Nam đã đề ra. Và ông đi đến kết luận: Chính phủ Việt Nam đã chia sẻ với chúng tôi những mục tiêu đầy tham vọng, rất phù hợp nhưng không dễ đạt được. Nhưng các nhà tư vấn tin tưởng rằng Việt Nam sẽ thành công, sẽ trở thành một "xã hội tri thức" trong vòng 10 năm tới nếu biết tập trung vào "các trụ cột" của sự phát triển như tạo môi trường hỗ trợ cho doanh nghiệp, chuyển đổi nền kinh tế nông thôn, nâng cao năng lực con người, cung cấp dịch vụ cơ sở hạ tầng hiệu quả và xây dựng khuôn khổ điều hành quốc gia hiện đại.

TP Hồ Chí Minh đề ra mục tiêu đến năm 2005 đạt được mức GDP bình quân đầu người là 2.000 USD. Hà Nội đến năm 2005 đạt 1.500 USD. Các con số đó chỉ mới dừng ở những vùng kinh tế trọng điểm, còn như nếu cả nước đến năm 2010 mới đạt gấp đôi mức 800 USD bình quân GDP đầu người hiện nay thì chúng ta chỉ mới bước qua khỏi ngưỡng cửa của đói nghèo.

10 năm đầu của thế kỷ 21 rất quan trọng. Vấn đề là làm sao để chúng ta gia nhập được vào dòng chảy của đội ngũ những người biết đi nhanh? Sự thịnh vượng và vận mệnh của Tổ quốc trong thế kỷ mới đang được đặt lên vai thế hệ của những người trẻ tuổi.

Nguyễn Công Khế
(Thanh Niên Xuân Tân Tỵ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.