Biết bao là nhớ

19/02/2021 10:17 GMT+7

Chính xác là tôi yêu đất Thăng Long qua những trang văn của Tự lực văn đoàn và của nhiều tác giả gốc Bắc sống và sáng tác ở miền Nam trước 1975.

Trang văn xưa

“Trời muốn trở rét...”, ai đọc hơn một lần truyện Đôi bạn của Nhất Linh chắc nhận ra đây là câu mở đầu của tác phẩm này. Nhân vật thốt ra câu ấy là Trúc, bạn thân của nhân vật Dũng. Nói câu đó, lần nào Trúc cũng cảm nhận “sự rung động êm ái và hiu hắt buồn trước cơn gió lạnh đầu tiên”. Và cảm nhận ấy lan sang tâm hồn tôi khi lần đầu đọc Đôi bạn năm học lớp bảy. Mỗi lần đọc lại, tôi vẫn rung động với chất thơ của mùa thu đất Bắc nói chung, Hà Nội nói riêng.
Những năm học trung học phổ thông ở quê nhà miền Trung, tôi có bài đăng với bút danh Ái Bắc trên một tờ báo dành cho tuổi học trò, xuất bản ở Sài Gòn trước 1975. Đứa bạn hỏi: “Ái Bắc là yêu cái gì ở miền Bắc? Cảnh hay người?”. Tôi đáp: “Cảnh, và cái khí hậu luân lưu bốn mùa rõ nét của đất Bắc”.
Tôi yêu cái lạnh hiu hắt bàng bạc trong Đôi bạn, rung động theo cơn gió đầu mùa của Thạch Lam. Và tôi cũng yêu Hà Nội rực rỡ đào bích, đào phai, yêu cơn mưa phùn tháng giêng, người lữ khách đầu trần dạo phố, lúc sờ tay lên tóc, lên áo dạ, áo nhung mới biết là có mưa ...
Và có lẽ cái gì đẹp mà ở xa tầm tay mình thì càng lung linh quyến rũ. Nói xa tầm tay vì tôi sinh ra, lớn lên ở một tỉnh phía Nam vĩ tuyến 17 trước 1975 thì làm sao biết Hà Nội, và miền Bắc.

Ngoài thơ văn, nhạc về Hà Nội cũng làm lòng tôi say đắm

Ảnh Lưu Quang Phổ

Hướng về Hà Nội

Chính xác là tôi yêu đất Thăng Long qua những trang văn của Tự lực văn đoàn và của nhiều tác giả gốc Bắc sống và sáng tác ở miền Nam trước 1975. Niềm hoài hương da diết khiến các trang viết của họ thấm đẫm hình ảnh, hương vị xứ Bắc, kiểu như Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng. Sau 1975, tôi đọc tác phẩm về miền Bắc nhiều hơn. Ngoài thơ văn, nhạc về Hà Nội cũng làm lòng tôi say đắm như các bài hát Hướng về Hà Nội, Em ơi Hà Nội phố...
Hè 1982, tôi lần đầu diện kiến Hà thành khi có mặt trong đoàn giáo viên được ngành giáo dục Đắk Lắk thưởng một chuyến thăm thủ đô. Hồi đó làm gì có dịch vụ lữ hành. Tiền ít, cả đoàn đi và về bằng xe lửa, ghế ngồi cứng. Ăn ở tại khách sạn Công Đoàn. Vượt cả ngàn cây số trong thời bao cấp thiếu thốn, vậy mà mọi người đều hân hoan. Tuổi trẻ mà, thêm nỗi háo hức được đặt chân đến một nửa đất nước mà lâu nay chưa thấy tận mắt. Khi tàu qua cầu Hiền Lương, cả đoàn đổ ra cửa sổ nhìn kỹ cây cầu lịch sử. Rồi các tỉnh Bắc Trung bộ, Nam Định, Hà Nội lần lượt hiện ra...
Tôi ngắm Tháp Bút, đài nghiên, liễu xanh hồ Gươm, đi lên cầu Thê Húc, tưởng tượng cảnh người Hà Nội đi lễ giao thừa ở đền Ngọc Sơn... Buổi sáng nọ, trên lầu một viện bảo tàng, tôi chợt sững người khi thấy một dải lụa đỏ uốn lượn xa xa. Mấy giây sau mới nhận ra đó là dòng sông. Đúng là dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa đã học trong sách, không ngờ thật sự đỏ đến thế!
Nhờ người bạn Hà Nội, tôi được thăm chùa Bút Tháp, chùa Dâu ở Bắc Ninh - ngôi chùa trong thơ Hoàng Cầm, trong phim Đến hẹn lại lên. Một bác nông dân nghe giọng miền Nam của tôi, ân cần hỏi thăm, bảo mong được vào thăm Sài Gòn. Không biết bây giờ bác có còn ở làng quê quan họ, và kịp thực hiện giấc mơ hành phương Nam năm nào?
Hè 2002, tôi ra Bắc lần hai, thăm Hà Nội, đền Hùng, Hạ Long, Tam Đảo, Đồ Sơn. Sau 20 năm, Hà Nội sáng choang, giàu đẹp. Mùa hè Hà Nội giống thành phố của người hưu trí. Tối ngủ sớm, sáng thong dong dậy. Đêm, Hà Nội ít tụ điểm giải trí sáng đèn so với Sài Gòn.
Ngẫm lại, cái rét là một trong những đặc sản của Hà thành, của miền Bắc. Rét se se mùa thu, rét căm căm mùa đông, rét ngọt tận mùa xuân. “Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc, tháng ba rét nàng Bân”. Mà rét thì gợi cảm hơn cái nóng kinh người, càng hấp dẫn đối với người phương Nam quanh năm không có mùa đông. Hà Nội có hai mùa đẹp là thu và xuân, vậy mà hai lần tôi ra đó đều vào mùa hạ. Tiếc thật!
Thôi thì cứ mơ có lần ra Hà Nội mùa “Lá đổ muôn chiều” (ca khúc của Đoàn Chuẩn) để nghe tiếng lá khô thềm vắng, và mùa “mưa xuân phơi phới bay” (thơ Nguyễn Bính) ngắm hoa đào hồng thắm.
Hà Nội không phải nơi mình sinh ra, nơi sống làm việc mà sao vẫn yêu và nhớ. Vậy nên càng thấu hiểu nỗi lòng của Hoàng Dương, khi từ xa “Hướng về Hà Nội” với “Biết bao là nhớ tơi bời...”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.