Hà Nội, thành phố tôi yêu

14/02/2021 13:03 GMT+7

Tôi đến Hà Nội từ những lần cùng mẹ đi khám bệnh hồi lớp 11. Hà Nội lúc ấy không đẹp, vì khi đó trong tôi chỉ là sự lo lắng.

Là nơi tôi không yêu...

Cứ thế, lớp 12 trôi qua, tôi vẫn không ấn tượng với Hà Nội. Sau tốt nghiệp cấp 3, chúng tôi mỗi người một hướng, trong khi bạn bè lựa chọn điểm đến là Hà Nội, tôi vẫn chọn ở lại.
Mỗi lần họp lớp, nghe tụi bạn kể về chuyện tắc đường, rồi khói bụi, tôi lại thấy sự lựa chọn của mình thật đúng đắn. Mỗi lần nghe những bài hát về Hà Nội, tôi chỉ nghĩ đó là nơi tôi đã từng điều trị bệnh, đó là nơi đông người, khói bụi, là nơi tôi không yêu.
Nhưng rồi, mọi thứ thay đổi, tôi bắt đầu có cảm tình và yêu Hà Nội từ lúc nào chẳng biết. Tôi nghe những bài hát về Hà Nội nhiều hơn. Tôi khao khát được lên Hà Nội nhiều hơn, tôi muốn được đến Hà Nội để ngắm nhìn thỏa thích. Tôi muốn được ngắm nhìn hồ Gươm, muốn cảm nhận hương vị của chợ đêm, muốn được ăn thử kem Tràng Tiền, muốn, muốn nhiều thứ lắm.
Tôi chẳng biết vì sao mình lại thay đổi như vậy, phải chăng vì ở đó có người tôi thương. Nhưng cuộc sống có bao giờ như ý muốn của ta, chuyện của chúng tôi không đi đến đâu cả. Hà Nội vẫn có người tôi thương nhưng không còn người thương tôi nữa. Tôi lại tiếp tục trở về cuộc sống hàng ngày của mình, mọi thứ vẫn vậy, chỉ có điều, tôi không còn lên Hà Nội nữa.

Hương vị của háo hức

Thời gian trôi qua thật nhanh, chớp mắt một cái, tôi đã không còn là cô sinh viên năm nhất ngây thơ như ngày nào. Tôi bắt đầu đi làm thêm, tham gia các hoạt động ngoại khóa và khao khát lên Hà Nội lại xuất hiện và thôi thúc tôi hàng ngày. Mọi thứ thật khó hiểu, tôi bỗng yêu Hà Nội một cách kỳ lạ, tôi cố gắng tìm cách để lên Hà Nội cho kỳ được, chẳng để làm gì, chỉ để cảm nhận hương vị sống.
Tôi nhớ lần hẹn hò với đám bạn phải đến lần thứ n, chúng tôi mới sắp xếp đi cùng nhau được, cảm giác cứ như đi xa lắm đó, ai cũng háo hức. Chúng tôi chọn xe khách, đến bến lại tiếp tục bắt xe buýt. Xe buýt ở đây thật tiện, vừa rẻ mà lại nhanh. Tôi đã nghĩ, giá mà ở chỗ mình cũng có dịch vụ xe buýt như thế này thì hay biết mấy. Vừa đi vừa cảm nhận không khí ngoài đường, tấp nập vô cùng, chúng tôi thích thú khi nhìn thấy con đường gốm sứ, cả hội cứ xuýt xoa như tụi trẻ con nhìn thấy một thứ gì đó hay ho. Rồi tiếng cô phát thanh trên xe nữa chứ, giọng nói sao mà hay, mà ấm đến kỳ lạ.

Ăn kem là kỷ niệm của tôi khi về thăm Hà Nội

Ảnh Lưu Quang Phổ

Điểm tham quan đầu tiên của chúng tôi là Trường đại học Bách khoa, vội vàng gọi cho đứa bạn ra đón vì chẳng biết đâu vào với đâu, trường rộng quá. Chúng tôi được dẫn đi nhiều nơi, nhưng ấn tượng nhất vẫn là quán chè mà bạn tôi giới thiệu là chè tự chọn, cả đám thích lắm vì dưới Hải Phòng ngày đó chưa có món này. Đến chập tối, chúng tôi bắt gặp những bạn sinh viên ôm đàn hát, giống với hình ảnh trong bài hát của ca sĩ Mỹ Tâm quá, cảm giác của tôi lúc đấy là yêu đời đến kỳ lạ.
Ngày hôm sau, trời mưa phùn, chúng tôi đi ngắm hồ Gươm, ngắm cầu Thê Húc, thấy các cháu bé mầm non đang được các cô dẫn đi tham quan, cháu nào cũng vui vẻ, nắm tay nhau thành hàng dài. Cảnh Hồ Gươm trong thời tiết lúc ấy mờ ảo đến kỳ lạ, vừa thơ mộng, lại xen lẫn bí ẩn.
Sau đó, chúng tôi đi dạo ở phố Hàng Đường, ở đó có rất nhiều ô mai, rồi cả hội dẫn nhau ăn kem ở dưới tầng hầm nào đó mà tôi quên mất tên. Cứ thế chúng tôi đi tham quan một vài điểm nữa, chỉ tiếc chưa đi được Bảo tàng Dân tộc học vì chiều tối hôm đó chúng tôi phải bắt xe về.

Nối tiếp những chuyến đi

Nhớ một lần khác, tôi quyết tâm tự mình đi lên Hà Nội, vẫn là thằng bạn cũ làm hướng dẫn viên bất đắc dĩ, chúng tôi đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, lượn bờ hồ Tây. Tôi cũng muốn vào Lăng Bác nhưng vì tầm đó đã hết giờ nên không được vào bên trong. Tôi tự dặn lòng sẽ quyết tâm vào thăm Bác bằng được. Ấy vậy mà quyết tâm ấy phải đến lần thứ ba mới thành hiện thực.
Còn nhiều lần đi nữa, tôi cũng không nhớ rõ lắm, chỉ nhớ mình đã vào đền Quán Thánh, Công viên Bách Thảo, Hoàng thành Thăng Long và nhiều, nhiều điểm khác nữa. Mỗi nơi đều để lại cho tôi những ấn tượng riêng và muốn đi mãi.
Có lẽ, tôi yêu Hà Nội mất rồi!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.