Hà Nội trong tôi - Hà Nội sách

03/01/2021 07:18 GMT+7

Tôi gọi Hà Nội là Hà Nội sách vì những con phố dài bán sách mà tôi gắn bó.

Đa sắc

Hà Nội hội tụ đủ đầy những cung bậc, thanh âm của cuộc sống để mỗi người lại có những cảm nhận rất riêng. Một Hà Nội phố nhuốm màu thời gian, nơi có phố nhỏ, ngõ nhỏ vẫn vọng về những tiếng rao đêm. Một Hà Nội chứa đựng sắc màu ẩm thực phong phú với những gánh hàng rong, gánh hương vị thu Hà Nội đến muôn người, gánh cả những ước mơ tới trường của con trẻ.
Một Hà Nội đêm như khoảng lặng của phố phường chìm vào làn sương mỏng cùng hương hoa sữa vấn vương. Nhưng nó cũng lại là nơi bắt đầu nhịp sống mới của con người tại các khu chợ ven đô…
Thuở còn là một cô tân sinh viên đại học, bỡ ngỡ ở nơi này, tôi bị choáng ngợp bởi những con phố dài bày bán sách hun hút tầm mắt. Phố sách Đinh Lễ, phố sách 19/12 (Trần Hưng Đạo), phố sách cũ dọc đường Láng, hay phố sách Phạm Văn Đồng đều là những địa chỉ thân thuộc của những người yêu sách, yêu thủ đô. Bởi thế, tôi gọi Hà Nội là “Hà Nội sách”!

Phố sách

Khoảng một thập niên trở về trước, khi không gian mạng và công nghệ số chưa bùng nổ mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu rộng như hiện nay thì văn hóa đọc sách ở Hà Nội vẫn chủ yếu dựa vào phương pháp tìm đọc thủ công thông qua những ấn bản sách được phát hành chính thức từ nhà xuất bản.
Cũng bởi thế mà ở Hà Nội hình thành nên những không gian đặc trưng giúp thỏa mãn nhu cầu của con người. Đó chính là những con phố sách luôn tấp nập người lui tới, với đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi ngành nghề. Họ đến với phố sách không chỉ để tìm mua cuốn sách đang cần mà là để thỏa mãn với đam mê; như một thói quen, một nghi thức thiêng liêng trong sinh hoạt văn hóa.
Có điều ở nơi đây, thứ văn hóa đặc biệt ấy là văn hóa đọc, là tình yêu và sự trân quý với những giá trị tri thức bao la. Khi ấy,  phố sách Hà Nội không còn là những cửa tiệm bạt ngàn đầu sách nữa mà đã trở thành “điểm hẹn”, điểm đến của những người tri kỷ, cùng hò hẹn, cùng thảo đàm về sách, về nhân sinh.
Đó cũng là thời điểm ta chứng kiến sự phát triển và mở rộng mạnh mẽ của những không gian phố sách tại thủ đô cho đến khi những ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp 4.0 dần in dấu và sự hoành hành của dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi rất lớn đến văn hóa đọc và phương thức đọc của người dân thủ đô.
Cuộc sống hiện đại hối thúc nhu cầu tiếp cận nhanh chóng hơn và thực tế hơn đã hướng đến những phương thức đọc gián tiếp. Người yêu sách, cần sách thay vì tìm đến những không gian sách chân thực thì nay hòa nhập vào không gian mạng hoặc thu hẹp không gian đọc của mình ở phạm vi cá nhân, nhóm nhỏ.
Phố sách Hà Nội cũng vì vậy dần lui về phía sau, nhường lại không gian cho sự sôi động, nhộn nhịp của phát triển kinh tế. Hà Nội sách đã từng “vang bóng một thời” như thế!
Trong tiết trời ẩm, mưa bụi đổ loang loáng mặt đường, tôi tìm về phố sách cũ đường Láng. Hiệu sách thân quen tôi thường lui tới những dịp cuối tuần, những ngày không lên giảng đường, nay chuyển vào sâu trong ngõ. Ông chủ tiệm già nua đã bạc trắng mái đầu, trong cặp kính dày đã sờn màu gọng vẫn tỉ mỉ sắp xếp lại cẩn thận từng cuốn sách ngả màu thời gian. Lâu lâu, ông dừng lại ở một cuốn sách, lấy ra và tựa lưng vào chiếc ghế bành chăm chú đọc từng con chữ qua ánh sáng hắt lại từ trên cao của con ngõ hẹp. Giữa dòng người xe tấp nập, thời gian như ngưng lại nơi đây, nơi những trang sách cũ ố vàng nhưng những chân trời mở từ ra từ đó thì chưa bao giờ cũ cả.
Hẳn đã có nhiều người tiếc nuối những phố sách Hà Nội và tôi cũng vậy. Nhưng tất cả xoay vần chẳng phải là quy luật tất yếu hay sao. Chỉ cần còn những con người yêu thủ đô ngàn năm văn hiến, trân trọng văn hóa đọc thì chừng ấy, phố sách Hà Nội vẫn còn mãi với thời gian. Có chăng, nó đang từng ngày, từng giờ biến thiên dưới những hình hài mới để phù hợp hơn, hiện đại hơn. Giữ lửa với từng con chữ, đam mê với tri thức chính là cách mà chúng ta giữ gìn và phát triển Hà Nội sách hôm nay và mãi về sau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.